Kiến thức Tài chính kế toán Áp lực tăng hay giảm với ngân hàng yếu kém?

Áp lực tăng hay giảm với ngân hàng yếu kém?

80

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Áp lực liệu có tăng lên đối với các ngân hàng yếu kém khi mà theo dự kiến, chỉ trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hoàn tất phương án xử lý 7 ngân hàng còn lại?

Bệnh cũ tái phát

Sự lạc lõng dường như là nguyên nhân chính khiến một số ngân hàng thương mại cổ phần đã phải kéo lãi suất giảm trở lại sau khi tăng vọt lên 13-14%/năm. Mặc dù vậy, cuộc đua lãi suất chớp nhoáng cũng đủ để nhiều người lo ngại rằng, hệ thống tuy có thừa vốn nhưng thanh khoản không phải đều tốt ở tất cả các ngân hàng.
Ngày 18/6, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) công bố hạ lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng xuống còn 12,5%/năm sau khi đã bất ngờ tăng điều chỉnh tăng vọt lên mức “đỉnh” 14%/năm hôm 14/6 – 3 ngày sau khi NHNN bỏ trần lãi suất huy động dài hạn.
Lý đo điều chỉnh lãi suất lên xuống nhanh như vậy tất nhiên không được đưa ra nhưng hành động này xảy ra trong bối cảnh không ngân hàng nào khác “dám” đưa lãi suất lên mức 14% như vậy.
Về lý, Western Bank tuân thủ các quy định hiện hành bởi NHNN đã cởi trói lãi suất cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và cơ chế này nhằm động viên nguồn tiền gửi cho cơ cấu vốn trung và dài hạn.
Trên thực tế, không chỉ Western Bank mà nhiều ngân hàng khác cũng đã nâng khá mạnh lãi suất huy động cho các kỳ hạn trên 12 tháng. Hiện tại, trừ vài ông lớn như Vietcombank (9,5%), BIDV (10/%/năm), mặt bằng lãi suất ở kỳ hạn dài tại các ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao, dao động trong khoảng 11%-13,5%/năm như KienLong Bank (11-12%), OceanBank (10-10,5%), SeABank (11-12%), SCB (12%), Techcombank (11-11,9%)… Lãi suất tiết kiệm bậc thang với khoản gửi lớn nhiều ngân hàng để ở mức gần 13%/năm.
Một nhà đầu tư cho rằng, thực chất vấn đề tăng mạnh lãi suất huy động vốn dài hạn chẳng qua là 1 cách để các ngân hàng điều hòa cơ cấu vốn bởi vốn huy động hiện tại có đến 90% là vốn ngắn hạn. Chỉ một thời gian ngắn thôi, khi các ngân hàng đủ vốn huy động trung dài hạn thì lãi suất tự nhiên hạ xuống.
Tuy nhiên, theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch quá cao giữa kỳ hạn 12 tháng với kỳ hạn 13 tháng (chênh 50%) cho thấy, dường như các ngân hàng đang gặp vấn đề.
“Hình như họ đói vốn. Họ gặp vấn đề thanh khoản. Ngân hàng nào khát vốn đương nhiên là phải đẩy lãi suất lên. Liệu rằng các ngân hàng khác sẽ lại lao vào một cuộc chay đua lãi suất như trước đây không? Chúng tôi mong rằng sẽ không xảy ra vấn đề đó”, ông Hiếu nói.
Chia sẻ quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng khác cho biết, lãi suất được đẩy lên cao có thể do một số ngân hàng nhỏ đang gặp vấn đề về nợ xấu và khó khăn về thanh khoản. Khi các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên, vô hình chung các ngân hàng lớn ít nhiều cũng phải nâng theo để giữ chân khách hàng.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù hệ thống đang thừa vốn, không bơm ra được cho nền kinh tế nhưng ở đâu đó tình trạng thanh khoản kém vẫn xuất hiện. Tình hình thanh khoản chung của hệ thống ngân hàng thực tế không hẳn đã tốt như nhiều người nghĩ.

Hướng tới bỏ trần lãi suất

Không chỉ cho rằng động thái buông trần lãi suất huy động dài hạn là một bài test về tính thanh khoản, nhiều người coi đây là bước đi đầu tiên của NHNN hướng tới việc bỏ trần lãi suất huy động, trả lãi suất về cho thị trường tự điều tiết.
“Lãi suất đã được dâng lên rất nhanh. Đây là một minh chứng cho thấy các mệnh lệnh hành chính khác với yêu cầu thực tế. Áp dụng mệnh lệnh hành chính quá lâu nên khi được nới ra thì các ngân hàng đã vùng vẫy mạnh để khỏi bị chết ngạt”, ông Tuấn Đức – một nhà đầu tư chứng khoán lý giải.
Mặc dù vậy, theo nhà đầu tư này, có thể hiện tượng đua nhau nâng lãi suất sẽ không kéo dài và đây là 1 bước đi khôn ngoan của NHNN nhằm thử phản ứng thị trường trước khi bỏ hẳn trần lãi suất.
Trên thực tế, NHNN cũng đã cho biết, động thái trên là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn và là bước đi để tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Cơ quan quản lý này cho rằng, với tình hình thanh khoản nói chung dồi dào, kỳ vọng lạp phát thấp, tăng trưởng tín dụng kém và các ngân hàng yếu đang được xử lý, thì sẽ không có lý do để các ngân hàng đẩy lãi suất dài hạn lên cao.
“Xu hướng chung vẫn là lãi suất đang trên đà giảm. Lãi suất cao tất nhiên là không tốt cho nền kinh tế. Và nếu lãi suất cao sẽ dẫn đến tình trạng gậy ông đập lưng ông. Chính ngân hàng sẽ gặp khó vì lãi suất ngất ngưởng mà mình đưa ra. Chúng tôi hy vọng các ngân hàng sẽ không phải nhảy vào một cuộc chạy đua trong thời gian tới”, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia luôn cho rằng, bỏ trần lãi suất là hợp lý và cần thiết vì lạm phát giảm mạnh và tín dụng đang tăng trưởng âm. Ông không lo xảy ra khả năng đua lãi suất bởi các ngân hàng vẫn đang trong tình trạng không thể đẩy mạnh cho vay.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia như ông Bùi Kiến Thành lại cho rằng, thả nổi trần lãi suất là nguy hiểm. Theo đó, tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra. Hơn thế, lãi suất huy động cao sẽ khiên lãi suất cho vay cao và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng.
Điều mà nhiều người e ngại là ở chỗ, với việc thả nổi lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ khó có thể xuống 10% (hoặc 7-8%) như mong muốn.

Áp lực tăng hay giảm với ngân hàng yếu kém?

Với các ngân hàng lớn thanh khoản dồi dào, quyết định bỏ trần lãi suất huy động dài hạn dường như không có nhiều ý nghĩa. Lãi suất vẫn được giữ ở mức 9% hoặc có nâng lên cũng không nhiều.
Trong khi đó, đối với các ngân hàng gặp khó khăn do nợ xấu nhiều và huy động không đủ bù đắp thanh toán cho khách hàng, quyết định nói trên giống như tiếp ô-xy cho người sắp chêt ngạt. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là một biện pháp tiếp sức tạm thời.
Trong bối cảnh vấn đề nợ xấu đang đeo đẳng các ngân hàng, việc nâng lãi suất lên quá cao chẳng khác gì tự bộc lộ về sức khỏe nội tại của mình.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, ở thời điểm hiện tại, họ không dám mang tiền đến gửi ở những ngân hàng quá rủi ro.
“Buông trần lãi suất dài hạn có thể được coi là một chiêu dụ các ngân hàng yếu kém tự bộc lộ sức khỏe nội tại của mình. Thị trường vô hình chung sẽ gây áp lực lên các ngân hàng này”, ông Hưng – một nhà tư chứng khoán nhận định.
Theo ông Hưng, việc công bố thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức cao chót vót và nỗ lực tăng cường minh bạch thông tin về tình hình hoạt động trong hệ thống sẽ khiến các ngân hàng yếu kém trở nên giảm hấp dẫn trong mắt những người gửi tiền.
Bên cạnh đó, trong một tuyên bố gần đây, NHNN cho biết, cổ đông của các ngân hàng thương mại cổ phần phải bù đắp đầy đủ tổn thất về vốn, tài chính phát sinh và bảo đảm đáp ứng được các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Đây có thể coi là động thái để mở đường cho việc xử lý nợ xấu. Theo đó, phải xóa nợ hoặc bán theo giá thị trường chứ ngân sách không thể hỗ trợ.
Về vấn đề tái cầu trúc, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Cần thiết có thể cho ngân hàng yếu phá sản. “Tôi mong không ngân hàng nào trong hệ thống sụp đổ. Nhưng nếu ngân sách Nhà nước phải bỏ ra quá nhiều tiền thì nên để cho hoạt động theo thị trường, có nghĩa là cho ngân hàng phá sản”.
“Vấn đề hiện tại là hệ thống ngân hàng đang đối diện với tái cấu trúc. Các ngân hàng tập trung quá nhiều vào vấn đề xử lý nội bộ, với những toan tính lớn như mình mua ai, có mua hay không hay mình sáp nhập với ai. Do vây, các ngân hàng không tập trung được vào hoạt động kinh doanh”.
Ở 1 góc độ khác, một số nhà đầu tư cho rằng, việc bỏ trần lãi suất huy động có thể liên quan tới nhóm lợi ích. Quyết định bỏ trần lãi suất sẽ khiến xảy ra 1 cuộc đua về lãi suất. Các doanh nghiệp cần nguồn vốn vay rẻ dài hạn (8-9%) mới có chiến lược phát triển dài hạn qua khó khăn. Nhưng, với việc lãi suất huy động dài hạn vọt lên 12-14% như vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng không lối thoát. Việc hạ lãi suất ngắn hạn sẽ chẳng giúp gì nhiều cho doanh nghiệp.

Theo VEF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không