Kiến thức Tuyển dụng CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cho...

CMCN 4.0 đem lại nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cho người Việt trong độ tuổi 21-37

4
Theo khảo sát của Navigos Group, thế hệ Y người Việt – những người sinh từ khoảng năm 1980 đến 1996, khá lạc quan về cách mạng công nghiệp 4.0, có tới 77% ứng viên cho rằng cuộc cách mạng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới để họ phát triển sự nghiệp.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Thương mại điện tử là 1 trong 4 lĩnh vực được nhiều ứng viên thế hệ Y – những người sinh từ năm 1980 đến 1996 tham gia khảo sát của Navigos Group, lựa chọn để khởi nghiệp (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thế hệ Y người Việt khao khát khởi nghiệp

Navigos Group – tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search vừa công bố phát hành báo cáo “Thế hệ Y người Việt – Tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp”.

Thế hệ Y (hay thế hệ Thiên niên kỷ) là khái niệm chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến 1996. Tại Việt Nam hiện nay, thế hệ này chiếm gần 30% dân số, tương đương khoảng 27 triệu người. Trong tương lai, đội ngũ nhân sự trẻ này sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các công ty và doanh nghiệp trong một thời đại dự báo có rất nhiều thay đổi do tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Theo đại diện Navigos Group, với hơn 3.100 ứng viên tham gia khảo sát, báo cáo từ kết quả khảo sát Navigos Group vừa thực hiện về tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp của Thế hệ Y người Việt có thể phản ánh những quan điểm nổi bật của thế hệ Y đối với sự nghiệp, khắc họa một cách tổng thể chân dung một người lao động thuộc thế hệ này.

“Qua khảo sát này, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận phù hợp trong việc tuyển dụng và quản trị nhân sự đối với thế hệ Y. Các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ sở để điều chỉnh những chính sách nhân sự, xây dựng môi trường làm việc, phát triển chương trình đào tạo và lộ trình thăng tiến cho nhân viên nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp”, đại diện Navigos Group chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát mới công bố, Navigos Group ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của thế hệ Y dành cho khởi nghiệp. Gần 2/3 ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới.

Độ tuổi từ 31-35 được thế hệ này coi là “độ tuổi vàng” để khởi nghiệp với 53% ý kiến lựa chọn của ứng viên. Bán lẻ, Du lịch – Nhà hàng, Thương mại điện tử và Giáo dục là các lĩnh vực được thế hệ Y chọn để khởi nghiệp với tỉ lệ tương ứng lần lượt là 31%, 14%, 11% và 10%.

“Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thế hệ Y là những người dám “nghĩ lớn”. Tuy nhiên, từ suy nghĩ mong muốn khởi nghiệp đến việc chấp nhận dấn thân vào “khởi nghiệp” thực sự lại là một câu chuyện khác không được đề cập trong báo cáo này”, Navigos Group nhận định.

Báo cáo của Navigos Group cũng cho biết, khi tìm hiểu về động lực làm việc của thế hệ Y, đơn vị này nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa sự nghiệp và năng lực tài chính. Yếu tố về tài chính như lương, thưởng là yếu tố hàng đầu khi họ đưa ra quyết định tiếp tục làm ở công ty này hay chuyển sang công ty khác.

Thước đo về tài chính cũng được thế hệ này sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp và là động lực thôi thúc họ “dấn thân” vào những thử thách. Theo khảo sát của Navigos Group, 71% ứng viên cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn. Bên cạnh đó, với những ứng viên có ý định khởi nghiệp, có đến 66% tham gia khảo sát cho biết lý do lớn nhất là họ muốn trở nên thành đạt và giàu có.

CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới và dự báo sẽ tạo ra nhiều thay đổi đến nền kinh tế và đời sống tại Việt Nam trong tương lai.

Báo cáo “Thế hệ Y người Việt – Tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp” mới được Navigos Group công bố chỉ ra rằng, trái ngược lại với luồng ý kiến lo ngại mặt trái của CMCN 4.0 có thể gây ra sự thiếu hụt việc làm do máy móc thay thế sức lao động của con người, thế hệ Y người Việt lại có một cái nhìn khác đầy lạc quan.

Cụ thể, theo khảo sát, có tới 77% ứng viên cho rằng CMCN 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội mới để họ phát triển sự nghiệp của mình; 93% ứng viên chia sẻ nếu CMCN 4.0 ảnh hưởng đến công việc của họ, họ sẽ tiếp tục học hỏi để thích nghi với những thay đổi mới thay vì lựa chọn chuyển sang công việc khác (chiếm 1%).

Tuy nhiên, đại diện Navigos Group cũng cho biết, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó với tổ chức không cao. Điều này dẫn đến tình trạng ứng viên “nhảy việc” nhiều và nhanh, còn nhà tuyển dụng thì rất khó khăn và tốn kém hơn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, 69% ứng viên thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. “Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ Y với tổ chức”, đại diện Navigos Group chia sẻ.

Trong sự kiện thường niên dành cho khách hàng thân thiết vào ngày 3/10 tại TP.HCM, bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành của Navigos Search – đơn vị thành viên của Navigos Group đã chia sẻ những đề xuất hữu ích trong việc quản trị nhân sự đối với các doanh nghiệp có nhân viên thuộc thế hệ Y.

Theo bà Nguyễn Phương Mai, khi quản lý nhân sự thế hệ Y, các doanh nghiệp cần luôn lưu ý về cách “giao tiếp”, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu, cùng với đó doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp kỳ vọng những gì ở nhân viên.

“Đồng thời, doanh nghiệp đừng bao giờ để nhân viên “bị” dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng vị trí, đồng thời mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng không ngừng trong công việc hàng ngày của họ. Trên tất cả, khi doanh nghiệp có thái độ đúng đắn trong việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ không sợ bị tụt hậu trên thị trường lao động”, bà Nguyễn Phương Mai đề xuất.

Theo infonet

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không