Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp sản xuất ôtô tìm các tháo nút thắt thuế, phí

Doanh nghiệp sản xuất ôtô tìm các tháo nút thắt thuế, phí

176

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Chính sách thuế, phí là “nút thắt” lớn nhất khiến thị trường ô tô trong nước ảm đạm trong nửa đầu năm nay.
Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn và phát triển thị trường ô tô Việt Nam” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, bên lề Triển lãm Vietnam Auto Expo 2012.
Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, thị trường ô tô bị tác động mạnh bởi chính sách thuế, đặc biệt là thông tin thu phí để giảm phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông – Vận tải. Dẫu đến thời điểm này, việc thu phí mới vẫn còn bàn thảo, song các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đã “méo mặt”.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô bán ra trong tháng 5 chỉ đạt 6.870 xe, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2011. VAMA dự báo, thị trường ô tô năm nay sẽ còn giảm mạnh so với năm 2011.
Đại diện VAMA khẳng định rằng, tiêu thụ ô tô giảm mạnh trong 5 tháng qua chủ yếu do yếu tố chính sách, chứ không phải do kinh tế khó khăn. Đầu năm 2012, lệ phí trước bạ tại TP.HCM tăng lên 15%, Hà Nội lên 20% và phí cấp biển đăng ký ô tô tại Hà Nội tăng lên 20 triệu đồng/xe, sau đó, Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông khiến nhiều người dừng ý định mua xe.
Ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, thị trường sẽ đóng băng vì loại phí mới.
Chưa bao giờ thị trường ô tô rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Tồn kho của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và các đại lý đang ở mức rất cao, khiến các nhà sản xuất, lắp ráp phải thực hiện cắt giảm sản xuất, làm việc cầm chừng. Hệ thống đại lý đang bị thiếu vốn trầm trọng do tồn kho lớn.
Những năm qua, ngành công nghiệp ô tô đã có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi vậy, VAMA tạm tính, việc sụt giảm tiêu thụ tới 21.331 xe của riêng 18 đơn vị thành viên VAMA trong 4 tháng đầu năm 2012 đã khiến nguồn thu thuế của Nhà nước bị thiệt hại trên 290 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỷ đồng.
Sản lượng được xem một trong những chỉ số cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thông qua các chính sách thuế, phí sẽ là lực cản khiến ngành ô tô khó đạt sản lượng như dự kiến và khó gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa.
Để cứu thị trường ô tô, ông Hào cho rằng, cách duy nhất là Nhà nước phải có chính sách thuế rõ ràng, ổn định trong vài năm tới, nhất là tới năm 2018 – khi xe nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam được miễn thuế. Theo ông Hào, nếu đưa thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nói chung xuống dưới 20%, đồng thời áp mức cao, thậm chí tới 100%, với các loại ô tô cao cấp, loại sang, thì tình hình sẽ khác và thị trường sẽ nhanh chóng lấy lại doanh số.
“Muốn trở thành nước công nghiệp hóa, thời kỳ hạn chế sử dụng xe ô tô không nên kéo dài. Còn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đại trà là chưa khuyến khích sử dụng xe ô tô”, ông Hào nói và cho hay, không có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô, thì đến năm 2018, khi các cam kết hội nhập có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%, lúc đó các nhà sản xuất sẽ bỏ đi hết, Việt Nam chỉ còn các nhà nhập khẩu và mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi 10 – 12 tỷ USD để nhập khẩu ô tô đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đại diện cho các doanh nghiệp ô tô cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ hủy bỏ Đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đi kèm đó là giảm thuế trước bạ về chung mức 5% cho cả nước nhằm cứu thị trường ô tô trong nước.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi phản hồi, để thích nghi với sự đi xuống của thị trường, các doanh nghiệp đang tiếp tục tiết giảm sản xuất nhằm giảm tồn kho và đọng vốn.

Theo Báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không