Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp nhà nước cần cải cách triệt để

Doanh nghiệp nhà nước cần cải cách triệt để

206

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước gần đây được hâm nóng lại bằng những giải pháp mới được hé lộ trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vừa qua. Đề án đã nhận được sự đánh giá cao của nhiều chuyên gia, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu muốn tạo đột phá trong tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần sớm luật hóa những giải pháp trên, đồng thời mạnh tay trong tổ chức thực hiện.

Xác định rõ vị thế

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong các trụ cột trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Theo Đề án, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đồng thời trên 3 nội dung: sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, CPH, đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu; đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thay đổi các điều kiện kinh doanh bên ngoài để áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường…
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mục tiêu buộc doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh theo cơ chế thị trường sẽ trở nên không khả thi nếu chức năng làm nhiệm vụ công ích và kinh doanh đang rất lẫn lộn như hiện tại không được phân định rạch ròi. Thực tế này dẫn đến khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước dễ lấy nhiệm vụ công ích ra làm “bia đỡ đạn”, chứ không thừa nhận do kinh doanh yếu kém, thậm chí cố tình làm thất thoát để tư túi, tham ô… Sự nhập nhèm này khiến rất khó quy trách nhiệm cho ban điều hành doanh nghiệp nhà nước khi xảy ra thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của dân, của Nhà nước.
“Để khắc phục tình trạng trên, tới đây cần có quy định phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ công ích và kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Nếu điều này quá khó, thì nên bỏ nhiệm vụ công ích đối với loại hình doanh nghiệp này, để minh bạch hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước…”, bà Lan đề xuất.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, muốn áp đặt hiệu quả kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước, thì gốc rễ là cần rạch ròi được phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể hơn là của các tập đoàn, tổng công ty; họ có vai trò, chức năng gì trong nền kinh tế. Khi định vị rõ vị trí của họ trong mối tương quan với các lực lượng khác trong nền kinh tế, thì mới có thể thiết kế được hệ thống chính sách đủ đồng bộ và chặt chẽ buộc khối doanh nghiệp này thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng chính sách quản lý doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, nhìn nhận: lâu nay cả cơ quan quản lý, các chuyên gia tốn nhiều công sức đi tìm lời giải cho câu hỏi làm thế nào để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, các đề xuất đưa ra mới chỉ tập trung giải quyết phần ngọn của việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong khi vấn đề cốt lõi là quan điểm chi tiết mang tính rõ ràng, nhất quán của quá trình này là gì, thì chưa định hình và chưa “thông” từ các cấp quản lý, cho đến các doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng đang rơi vào bế tắc.
“Việc thông suốt quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa quyết định và mở đường cho xây dựng các chính sách trúng và hiệu quả, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp này thành công, nếu không cứ loay hoay ở phần ngọn như hiện tại. Trong đó phần nhiều vẫn là kiểu sắp xếp cơ học, chưa cải cách thực sự nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động…”, ông Soạn nói.
Muốn quan điểm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được “thông”, ông Soạn cho rằng, các cấp quản lý cần làm rõ khái niệm vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước là như thế nào, nội hàm chi tiết của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là gì? Chủ đạo ở đây có phải doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp hoành tráng, lĩnh vực nào thấy ngon thì nhảy vào kinh doanh; hay chủ đạo là luôn đảm bảo các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận khổng lồ. Hay chủ đạo không nhất thiết như vậy, mà doanh nghiệp nhà nước chỉ có số lượng vừa phải, nắm giữ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hoạt động tự chủ theo nguyên tắc thị trường, ít bị Nhà nước can thiệp…
Quan điểm trên nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhìn nhận, việc cải cch, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang gặp lúng túng do phương pháp luận chưa thật trúng, thật chuẩn. Lẽ ra cần phải làm sáng tỏ quan điểm nhất quán về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là gì trước, trên cơ sở đó mới đặt đầu bài cho tìm kiếm các giải pháp, thì chúng ta đang làm ngược lại. Rất nhiều câu hỏi cần có quan điểm rõ ràng trước khi hoạch định hệ thống giải pháp tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chưa có câu trả lời rõ ràng từ các cấp lãnh đạo, quản lý có thẩm quyền. Đó là sau tái cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước có còn giữ vai trò chủ đạo và có phải gánh trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô nữa không; mô hình quản lý vốn tại tất cả các doanh nghiệp nhà nước sau tái cơ cấu là gì…?
“Chừng nào chưa có lời giải đáp đủ rõ ràng và hệ thống cho những câu hỏi trên, thì quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ còn lúng túng, nhất là khi việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bắt đầu đụng đến các tập đoàn, tổng công ty…”, ông Tuyển cảnh báo. 

Minh bạch là hàng đầu

Minh bạch hơn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đang nắm lượng tài sản lớn của nhà nước như các tập đoàn, tổng công ty, thông qua nghĩa vụ định kỳ công bố một loạt thông tin quan trọng, là giải pháp đáng chú ý được đưa ra trong Đề án.
Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty phải công bố các thông tin: sứ mệnh và các mục tiêu cụ thể hàng năm; báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán của tập đoàn, tổng công ty và báo cáo tài chính có kiểm toán của các công ty con; danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án; các giao dịch quy mô lớn, khoản vay hay cho vay lớn và các giao dịch bất thường khác… Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty còn phải công bố thông tin về các bên có liên quan, giao dịch với bên liên quan; nhân thân, trình độ chuyên môn, các vị trí quản lý đã nắm giữ, cách thức được bổ nhiệm, công việc quản lý được giao, cách thức trả lương và những lợi ích khác của các cán bộ chủ chốt; thông tin về những người có liên quan và lợi ích có liên quan của họ với công ty… Nội dung và chất lượng thông tin được công bố, cách thức công bố thông tin phải phù hợp với thông lệ tốt, ít nhất tương đương với các công ty niêm yết…
Bà Lan nhìn nhận, nếu triển khai được những giải pháp nêu trên, thì lần đầu tiên không chỉ người dân, mà chính cơ quan quản lý sẽ tiếp cận được gần như toàn bộ những thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản, mối quan hệ giữa các nhân sự chủ chốt với những người có liên quan tại doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay các doanh nghiệp nhà nước chưa chịu áp lực phải minh bạch các thông tin này, nên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Điều này được minh chứng qua một số vụ việc sai phạm đã bị phanh phui, khi lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tìm cách rút ruột tài sản của nhà nước thông qua chuyển các hợp đồng, dự án hay các lợi ích kinh tế khác vào tay các doanh nghiệp sân sau nhằm tư túi, tham ô. Điều này phần nào lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp nhà nước thường xuyên làm ăn thua lỗ, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước giàu lên trông thấy. Tại sao sự bất thường kéo dài này không được làm rõ?
“Để nghĩa vụ minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty không chỉ là quy định trên giấy, các giải pháp nêu ra trong Đề án cần được luật hóa với các chế tài đủ mạnh, để tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp nhà nước cố tình không chấp hành. Nếu tư tưởng “nuông chiều” doanh nghiệp nhà nước không được dứt khoát đoạn tuyệt, thì khó tạo đột phá trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, bà Lan cảnh báo.

Đẩy mạnh thoái vốn

Việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính ra sao cho bảo toàn được vốn của Nhà nước, đang khiến doanh nghiệp nhà nước đau đầu trong quá trình tái cơ cấu. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thực tế các khoản đầu tư ngoài ngành nghề chính thuộc diện phải thoái vốn xong trước năm 2015 tại không ít doanh nghiệp nhà nước, hiện có giá thị trường dưới giá trị sổ sách. Trong khi đó, nguyên tắc số một mà Bộ Tài chính đưa ra đối với việc thoái vốn là tối thiểu phải bảo toàn được đồng vốn đầu tư. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô và các thị trường chứng khoán, bất động sản… còn nhiều khó khăn, thì rất khó để doanh nghiệp nhà nước bảo toàn được vốn khi thoái vốn.
“Nếu vì thoái vốn lỗ mà có thể bị truy tố, phạt tù, thì không một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nào dám đưa ra quyết định thoái vốn. Một khi vướng mắc này không sớm có lời giải, thì sẽ khó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…”, ông Tri chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trên cơ sở đặt yêu cầu thoái vốn phải tuân theo nguyên tắc tối thượng là thị trường, sắp tới cơ chế thoái vốn sẽ được hoàn chỉnh theo hướng bảo toàn vốn đầu tư cao nhất. Hàm ý bảo toàn ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Chẳng hạn một khoản đầu tư trước đây doanh nghiệp nhà nước mua 10, nay bán 9, nhưng sau đó khoản vốn được thoái này sử dụng có hiệu quả vào ngành nghề kinh doanh chính, thì được coi là bảo toàn vốn. Mặt khác, cần phải thừa nhận một thực tế, với nhiều khoản mà doanh nghiệp nhà nước đã trót đầu tư, rất khó mong đợi các thị trường thiết lập được mặt bằng giá cao bằng, hoặc hơn thời điểm DN đầu tư để thoái vốn có lãi. Có trường hợp càng chậm thoái vốn lỗ càng lớn, thì càng không thể bảo toàn được vốn. Bởi vậy, chấp nhận thoái vốn sớm để lỗ ít, ở một chừng mực nào đó vẫn được coi là phương án thoái vốn bảo toàn được vốn khả dĩ hơn cả. Có như vậy mới mở đường cho tái cơ cấu nhanh, hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Theo tạp chí tài chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không