Phần lớn các doanh nghiệp đang đau đầu với vấn đề tiêu thụ hàng tồn kho, xử lý nợ vay cũ với lãi suất cao tại các ngân hàng thương mại, làm sao để có vốn cho đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ… Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có những chính sách và giải pháp trong ngắn và dài hạn, trong đó giải pháp từ chính sách tiền tệ phải được xem là cơ bản.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn?
Kết quả đạt được lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2012 là: lạm phát đã giảm dần (CPI các tháng lần lượt là: 1%; 1,37%; 0,16%; 0,05% và 0,18%; 5 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,87%, đưa lạm phát tính theo năm chỉ còn tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước); lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) có xu hướng giảm mạnh; nhập siêu được kiểm soát, góp phần ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế.
Bên cạnh các kết quả đạt được thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp trong nhiều năm qua (GDP 5 tháng đầu năm là 4,5%). Lãi suất đã giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn âm, nợ xấu tăng mạnh. Số doanh nghiệp (doanh nghiệp) làm thủ tục giải thể, phá sản, đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế tăng vọt (Gần 30% trong tổng số 64.750 doanh nghiệp); trong 4 tháng đầu năm 2012, đã có 171.639 người đăng ký thất nghiệp, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm 2011; hàng hoá tồn kho tăng cao do sức mua nội địa giảm mạnh.
Trước tình hình này, Chính phủ đã có Nghị quyết 13/2012/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Theo đó, chính sách tài khoá tập trung vào thuế. Việc hoãn, giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNdoanh nghiệp), giảm tiền thu sử dụng đất… đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào các chính sách và sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, việc gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNdoanh nghiệp sẽ chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi. doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, có nghĩa là sẽ tiếp tục được sử dụng một khoản tiền từ ngân sách trong thời gian gia hạn tối đa đến 9 tháng mà không phải trả lãi. doanh nghiệp sẽ giảm được áp lực vay vốn ngân hàng, giảm được chi phí đầu vào và sẽ có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, trên thực tế, còn rất nhiều doanh nghiệp đang có lượng hàng hoá sản xuất ra không tiêu thụ được vì nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là lãi suất vay vốn quá cao, giá cả một số mặt hàng là đầu vào của doanh nghiệp biến động mạnh… Đối với những doanh nghiệp này, khi không có doanh thu, không có lợi nhuận, thì việc giãn, hoàn nộp thuế GTGT, thuế TNdoanh nghiệp… sẽ không có tác dụng. Điều quan trọng nhất hiện nay là giúp những doanh nghiệp này tiêu thụ hàng tồn kho, xử lý nợ vay cũ với lãi suất cao tại các ngân hàng thương mại, có vốn cho đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ… Đây là những vấn đề đòi hỏi phải có những chính sách và giải pháp trong ngắn và dài hạn, trong đó giải pháp từ chính sách tiền tệ (CSTT) phải được xem là cơ bản giúp doanh nghiệp vượt khó trong cả ngắn và dài hạn.
Bàn về chính sách tiền tệ giúp doanh nghiệp vượt khó
Trong nền kinh tế, CSTT là một trong những chính sách vĩ mô quan trong nhất do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo và tổ chức thực hiện, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Một trong những nội dung quan trọng nhất của CSTT là chính sách tín dụng. Thực chất của chính sách tín dụng là cung ứng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, dựa trên các quỹ cho vay được tạo lập từ các nguồn tiền của xã hội với một hệ thống lãi suất hợp lý, để đảm bảo lợi ích cho cả người gửi, doanh nghiệp vay và ngân hàng. Thông thường, khi vĩ mô bất ổn, lạm phát tăng cao thì CSTT được điều hành theo hướng thắt chặt: giảm cung ứng tiền cho nền kinh tế, điều này cũng có nghĩa là thu hẹp quan hệ vay nợ, hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhằm vào việc kiềm chế lạm phát. Ngược lại, khi nền kinh tế có biểu hiện trì trệ, suy thoái thì CSTT được điều hành theo hướng mở rộng: tăng cung ứng tiền vào nền kinh tế, mở rộng quan hệ tín dụng, khuyến khích đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Như vậy, với bối cảnh nền kinh tế hiện nay thì bên cạnh những giải pháp về chính sách thuế, cần tập trung vào xử lý CSTT và kích cầu tiêu dùng.
Ngân hàng thương mại và vấn đề giải quyết ứ đọng vốn
Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng giảm sút (5 tháng đầu năm 2012 tiền gửi tăng 5,42%, tổng phương tiện thánh toán tăng 4,47% so với cuối năm 2011 nhưng tín dụng lại âm 0,89%), các ngân hàng thương mại ứ đọng vốn nhưng không ít doanh nghiệp cần có vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh. Làm gì để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn của ngân hàng? Đối với doanh nghiệp thuộc nhóm được vay với lãi suất thấp, thì hoặc đã có nợ xấu với ngân hàng hoặc đang có hàng tồn kho cao, doanh nghiệp vay tiền sẽ không có lợi ích gì khi hàng sản xuất ra chưa bán được và ngân hàng cũng không cho vay khi doanh nghiệp chưa có phương án xử lý hiệu quả hàng tồn kho này… Ngân hàng dùng một phần vốn thừa để mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động hiện hành (8,5% đến 9,8%/năm cho các kỳ hạn 2,3 và 5 năm) chứ không nới lỏng điều kiện cho vay, để “mua thêm” rủi ro cho mình. Tình trạng thiếu niềm tin trong kinh doanh không chỉ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mà còn cả giữa ngân hàng với ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng. Hiện nay, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có khó khăn, xử lý việc ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp không vay được vốn cho sản xuất phải từ nhiều phía:
Về phía doanh nghiệp: Nguyên tắc phải quán triệt trong hoạt động tín dụng ở tất cả các quốc gia là chỉ cho vay vốn đối với những khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo trả nợ đầy đủ đúng hạn cho ngân hàng, tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Như vậy, việc cho vay của ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lãi suất cho vay cao trong thời gian qua làm cho doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân chính. Bởi nguyên nhân chủ quan còn là sự phát triển quá nóng của doanh nghiệp, dẫn đến không coi trọng quản trị nội bộ, thiếu minh bạch về thông tin, dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả thấp. Vì thế, để tiếp cận vốn của ngân hàng, doanh nghiệp cần chủ động khắc phục những hạn chế về quản trị nội bộ, về quản lý tài chính… xây dựng dự án đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. doanh nghiệp cần phải minh bạch tài chính, bởi minh bạch tài chính sẽ giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và cho ngân hàng. Khi ngân hàng dễ dàng tiếp cận thông tin chuẩn xác về doanh nghiệp, niền tin được coi trọng, thì ngân hàng mới có động lực để đầu tư lớn và lâu dài vào doanh nghiệp, khi đó mới hạn chế được rủi ro và bảo đảm quyền lợi của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp phải có kế hoạch giảm chi phí, để giảm giá thành hàng hóa. Một khi chất lượng hàng hoá được đảm bảo, giá cả rẻ hơn, người dân mới mạnh dạn mua sắm, doanh nghiệp mới có dòng tiền vào để vừa có điều kiện trả nợ gốc và lãi vay, vừa duy trì và mở rộng sản xuất.
Về phía các ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thương mại cần rà soát lại các khoản dư nợ của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp còn triển vọng phát triển thì áp dụng các biện pháp xử lý mà NHNN đã cho phép (Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN về gia hạn nợ cho khách hàng): giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi, miễm lãi, thậm chí mạnh dạn cho phép doanh nghiệp thu xếp vốn trả nợ trước hạn với các hợp đồng tín dụng vay vốn với lãi suất cao, cho vay mới với lãi suất thấp để doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. Mặt khác, phải nhanh chóng tháo gỡ vấn đề bảo đảm tiền vay bằng cách nâng cao trình độ thẩm định dự án/phương án. Một khi dự án phương án đã chứng minh được hiệu quả thiết thực thì việc yêu cầu doanh nghiệp phải có bảo đảm tiền vay bằng tài sản không nhiều ý nghĩa. Tài sản bảo đảm tiền vay cũng là nút thắt lớn mà phía doanh nghiệp không dễ dàng vượt qua.
Về phía Chính phủ: Cần phải nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của hàng tồn kho tăng cao là do cầu giảm mạnh. Mặc dù CSTT có ý nghĩa rất quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả trong ngắn hạn và dài hạn nhưng chỉ có CSTT thì không thể tăng sức cầu của nền kinh tế. Vì thế, để giúp giải quyết hàng tồn kho thì cần đẩy mạnh đầu tư của Chính phủ một cách hiệu quả bằng cách phát triển mạnh cơ sở hạ tầng ở nông thôn, tăng định mức trợ giúp xã hội cho phù hợp với chi phí sinh hoạt hiện nay; miễn thuế thu nhập cá nhân 3 đến 6 tháng để khuyến khích tiêu dùng. Trong quá trình rà soát, cần mạnh dạn xử lý những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ (do chủ quan doanh nghiệp), bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay ngoài nhà nước. Khi nguồn lực có hạn, cần xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư và phải định hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, mà hiện nay chủ yếu là khu vực doanh nghiệp tư nhân, cổ phần.
Ngân hàng nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ
CSTT 6 tháng cuối năm cần một sự linh hoạt hợp lý, nhất là chính sách tín dụng và chính sách lãi suất. Giảm lãi suất theo lộ trình để kích thích tăng trưởng, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và phục hồi sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, vốn cho vay của các ngân hàng thương mại chủ yếu là vay của dân cư và doanh nghiệp, ngân hàng thương mại lại dùng chính nguồn vốn này để cho doanh nghiệp và dân cư thiếu vốn vay. Người cho ngân hàng vay thì luôn muốn lãi suất huy động cao, trong khi người đi vay ngân hàng thì chỉ muốn lãi suất cho vay thấp. Vì thế, một chính sách lãi suất được coi là hợp lý phải coi trọng lợi ích của cả ba phía: người gửi, người vay và các ngân hàng thương mại. Về mặt lý thuyết, muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm được lãi suất tiền gửi. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi lãi cho vay mà các ngân hàng thương mại nhận được chính từ hiệu quả của sản xuất kinh doanh mang lại. Trong nền kinh tế có biểu hiện đình đốn, chính sách lãi suất phải được vận dụng linh hoạt để nắn dòng đầu tư xã hội cho sản xuất kinh doanh. Nếu lãi suất cho vay quá cao, hiệu quả sản xuất không có thì ngân hàng cũng không thể tồn tại và phát triển bền vững. Do đó, một đòi hỏi khách quan hiện nay là NHNN cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng các công cụ của CSTT (dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trưòng mở) tác động vào thị trường để giảm nhanh hơn lãi suất cho vay xuống dưới 14%/năm cho các đối tượng vay sản xuất kinh doanh. Việc hạ lãi suất cho vay nhanh hơn, ở mức hợp lý hơn vừa là giải pháp xem xét “nghịch lý” tín dụng, vừa là giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Mặt khác, cần rà soát mức tăng trưởng tín dụng của năm 2012 đối với từng nhóm ngân hàng. Phải nói rằng, nền kinh tế suy giảm như hiện nay là hệ luỵ của nhiều chính sách và giải pháp, trong đó có chính sách và CSTT. Năm 2011, khi chi NSNN vẫn tăng tới 20,4% thì chính sách tiền tệ lại quá chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, với mức tăng trưởng tín dụng chỉ còn 11% so với 32% của năm 2010. Hiện nay, lại có ý kiến cho rằng: “tăng trưởng tín dụng quan trọng là chất lượng” và vì vậy, không nhất thiết phải đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (cho dù hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ 15 -17%). Điều này không sai, coi trọng chất lượng tăng trưởng là đúng nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn phải gắn với tỷ trọng tăng trưởng. Với một nền kinh tế đang phát triển, vẫn chủ yếu dựa vào vốn, trong khi thanh khoản thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn kém, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam năng lực tài chính hạn chế nên chưa thể huy động vốn qua thị trường này, thì vốn cho doanh nghiệp hoạt động vẫn chủ yếu từ các ngân hàng thương mại. Trong kinh tế thị trường, “thiếu vốn, làm việc gì cũng khó”, vì thế cần phải giải bài toán tăng trưởng tín dụng sao cho hợp lý. Cho đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,76%, 6 tháng cuối năm nếu tình hình không được cải thiện thì bất ổn kinh tế – xã hội sẽ trầm trọng hơn. Vì thế, chúng tôi cho rằng, NHNN, Bộ Tài chính cần có những chính sách và biện pháp sát với thực tiễn của nền kinh tế, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nhu cầu vốn và sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất.
Theo Tạp chí tài chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông