Kiến thức Con người Chuyên gia báo động về tình trạng bị tâm thần do nghiện...

Chuyên gia báo động về tình trạng bị tâm thần do nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay

17
Không còn là một thói quen, tình trạng vào mạng xã hội và chơi game online nhiều tới mức nghiện đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả, điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Hiện nay, tình trạng nghiện mạng xã hội, nghiện game của giới trẻ dường như đã quá phổ biến. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, việc lạm dụng, nghiện mạng xã hội đang gây ra những ảnh hưởng rất lớn.

Giới trẻ thế giới và tình trạng nghiện mạng xã hội

Theo một thống kê được đăng trên trang The National Missing Persons Coordination Centre, có tới 87% người dân ở Úc sử dụng Internet mỗi ngày.

Bác sĩ Mubarak Rahamathulla (chuyên gia về Internet và sức khỏe tâm thần ở Trường ĐH Flinders – Úc) cũng đã khuyến cáo rằng những người sử dụng Internet thường xuyên, nhất là người nghiện Internet thường dễ có xu hướng lệch lạc hành vi. Đặc biệt, các mối quan hệ trên thế giới ảo của họ thường có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Tại Mỹ, khảo sát mới của Hiệp hội Tâm lý Mỹ cũng đã chỉ ra rằng có đến 86% người trưởng thành ở nước này cho biết họ liên tục kiểm tra email, tin nhắn và mạng xã hội.

Trong khi đó, thống kê tại các thanh thiếu niên ở một số trường tư thục Anh đã cho thấy có tới 2/3 người được khảo sát tỏ ra mệt mỏi vì sử dụng mạng xã hội thường xuyên.

The Royal Society of Public Health and the Young Health Movement (Anh) đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 1.500 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 – 24 về tác hại của các trang mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần người trẻ. Kết quả khảo sát cho thấy rằng các mạng xã hội mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ như chứng lo âu, trầm cảm, ít giao tiếp, mất ngủ, cảm thấy cô đơn…

Có thể nói, nghiện mạng xã hội, nghiện chơi game online đã và đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến mặt tinh thần, tâm lý của người dùng, đặc biệt là giới trẻ ở rất nhiều nước trên thế giới.

Giáo sư Sir Simon Wessely, Chủ tịch Trường Cao đẳng Tâm lý học Hoàng Gia (Anh) cũng cho rằng mạng xã hội gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người trẻ và đây chính là một trong các nguyên nhân khiến người trẻ cảm thấy không hạnh phúc.

Mặc dù chính giáo sư cũng nói rằng mạng xã hội vẫn có những ảnh hưởng tích cực, nhưng trên thực tế, không cân nhắc và tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội sẽ gây ra nhiều vấn đề về tâm lý, tinh thần và sức khoẻ khi chúng ta rơi vào trạng thái “nghiện”. Điều quan trọng là sử dụng mạng xã hội như thế nào để tránh bị gây hại.

Báo động về tình trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tình trạng này cũng không phải là ngoại lệ. Sẽ không khó để bắt gặp những hình ảnh các em học sinh, sinh việc liên tục “cắm mặt” vào máy tính, điện thoại nhiều giờ mà quên ăn, quên ngủ, bỏ bê học hành…

Theo thống kê năm 2015 của Facebook, ở Việt Nam, mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng và những người này dành trung bình 2,5 giờ/ngày để vào Facebook. 3/4 trong số đó là những người trẻ, nằm trong độ tuổi từ 18 – 34.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm việc, nó còn gây ra rất nhiều hậu quả đối với sức khoẻ, trong đó điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần.

Nguy cơ mắc tâm thần vì nghiện mạng xã hội

Theo số liệu thống kê trên trang Social Media Today, giới trẻ hiện nay dành ra trung bình 9 giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội. Những người có các dấu hiệu như vào mạng liên tục, cứ 30 phút lại vào mạng một lần, dành cả thời gian ban đêm để lên mạng hay bạn nghĩ rằng sẽ chỉ vào mạng một chút nhưng lại “đắm chìm” trong đó lâu hơn dự định… thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội. Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, thậm chí mắc bệnh tâm thần là điều rất dễ xảy ra.

Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc bệnh viện Tâm thần TW1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do “nghiện” mạng xã hội.

Theo bác sĩ, thời gian trước đây, các bệnh nhân nghiện mạng xã hội thường tìm đến các quán net nhưng gần đây, Internet ngày càng phổ biến, nhà nào có điều kiện là có thể lắp mạng nên các bạn trẻ thậm chí còn nghiện ngay cả ở nhà.

Các bệnh nhân mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game chủ yếu là thanh thiếu niên từ cấp 2 trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối cấp 3, sinh viên ĐH. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi trong tâm lý, tính khí bốc đồng, máu ăn thua nhiều hơn và cũng bị vướng nhiều cám dỗ hơn.

Các bệnh nhân đến viện thường rơi vào các trạng thái đã mắc trầm cảm với các biểu hiện như thất thần, trạng thái đờ đẫn, không tập trung, cơ thể suy nhược, có bệnh nhân bị sút cân nghiêm trọng… Đặc biệt, gần đây, có một trường hợp nam sinh bị lên cơn co giật do sử dụng mạng 10 tiếng mỗi ngày.

Theo bác sĩ Cương, tuy số lượng bệnh nhân đến khám có biểu hiện tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game thời gian gần đây có giảm đi, nhưng tình trạng này vẫn rất đáng báo động. Trong số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, vẫn có tới 12- 15% người mắc bệnh là do nguyên nhân nghiện mạng xã hội và nghiện game.

Sự thuyên giảm này một phần là do cha mẹ đã quan tâm đến con cái nhiều hơn, nhưng một phần cũng do các bệnh nhân không đến viện mà tự tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện.

Thực tế tại bệnh viện Tâm thần TW1, các bệnh nhân tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game được đưa tới chủ yếu ở mức sử dụng mạng, chơi game online nhiều giờ trong ngày dẫn đến các rối loạn tâm thần như mất ngủ, bỏ bê học hành và công việc, thậm chí trường hợp nặng hơn còn quên ăn, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, một số thì khép mình, không giao tiếp và có các hành vi bất thường.

Tình trạng nghiện mạng xã hội, nghiệm game dẫn đến mắc bệnh tâm thần rất nguy hiểm. Vì thế, thay vì online nhiều giờ trong ngày, chúng ta đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, vận động, chơi thể thao các bạn nhé!

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không