Kiến thức Tài chính kế toán Doanh nghiệp sẽ được chọn lựa để cứu

Doanh nghiệp sẽ được chọn lựa để cứu

24
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTrao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng Chính phủ không đủ sức và cũng không nên cứu tràn lan, doanh nghiệp cần tự tái cơ cấu và cùng Chính phủ vượt khó khăn.

Doanh nghiệp phá sản nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị miễn giảm thuế với doanh nghiệp. Quan điểm của Chính phủ vấn đề này như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

– Chính phủ rất coi trọng vấn đề này nên đã đưa ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhưng cần hiểu rõ ngay từ đầu mục tiêu của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp đưa ra phải thực hiện kiên trì và gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tất nhiên, trong lúc các doanh nghiệp rất khó khăn như hiện nay, Chính phủ phải có sự trợ giúp. Thực chất đây không phải là gói kích cầu như năm 2009, vì nếu làm không cẩn thận sẽ gây bất ổn vĩ mô và không đạt mục tiêu. Đây chính là cái khó để vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng và Quốc hội đề ra, nhưng lại giúp được doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tái cơ cấu không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp Nhà nước mà phải tái cơ cấu tất cả các thành phần kinh tế. Đây chính là cơ hội để sắp xếp lại doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình sắp xếp lại. Quan điểm của tôi là bản thân các doanh nghiệp cũng phải coi đây là cơ hội để tái cơ cấu chính mình và cùng với hỗ trợ của Chính phủ vượt qua khó khăn. Nếu bây giờ Chính phủ “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan thì không có đủ sức và không nên làm vậy.

– Cứu doanh nghiệp như “cứu hỏa”nhưng các giải pháp đưa ra vừa rồi có phần chậm trễ. Lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn. Phó Thủ tướng có ý kiến gì?

– Thuế cũng là một trong những hỗ trợ nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Vừa rồi, đúng là họ rất khó vay vốn, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất rồi. So với lộ trình đầu năm đặt ra, lãi suất giảm như vậy là khá nhanh. Trước chỉ đặt ra mỗi quý giảm một điểm phần trăm nhưng từ đầu năm đến nay chúng ta hạ lãi suất như vậy là rất tích cực.
Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay được Chính phủ xác định và gọi là “cục máu đông” chính là nợ xấu. Nếu cơ cấu được nợ, doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn tốt hơn.

– Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian vừa qua đã “bơm” một lượng tiền rất lớn vào các ngân hàng. Nhiều ý kiến băn khoăn lượng tiền đó “chảy” về đâu?

– Cái khó hiện nay chính ở chỗ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Nếu không có tác động của Nhà nước và không có hướng dẫn cụ thể thì họ cũng phải tính toán khi cho vay. Nợ của các doanh nghiệp, đến hạn không trả được sẽ thành nợ xấu. Nếu ngân hàng thương mại cứ giữ nguyên tắc đó mà làm thì sẽ coi là nợ xấu và không cho doanh nghiệp vay. Mấu chốt ở đây là phải cơ cấu lại các khoản nợ để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tốt, trả được nợ. Qua đó, thanh khoản của ngân hàng cũng như nền kinh tế sẽ giải quyết được.

Theo Vnexpress

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không