Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán chi phí, nguồn lực và dự trù ngân sánh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bổ lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế mà cốt lõi là thay đổi thể chế.
Đây ý kiến TS. Nguyễn Đình Cung khi phân tích làm rõ hơn về Đề án tái cơ cấu kinh tế
TS. Nguyễn Đình Cung: Mục đích trực tiếp của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Muốn phân bố nguồn lực phải thay đổi động lực, muốn thay đổi động lực thì phải thay đổi thể chế.
Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là quá trình phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế, không phải là gói cứu trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng.
Nguồn lực mà chúng ta dựa vào đó để tái cơ cấu nền kinh tế là tổng nguồn lực xã hội hiện có và nguồn lực được bổ sung thêm hàng năm. Để tái cơ cấu kinh tế, Nhà nước chủ yếu xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế, tạo ra hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình cơ cấu lại danh mục tài sản, danh mục đầu tư và các hoạt động kinh doanh. Tác động của chính sách này cũng vận động theo thị trường, các chính sách ưu tiên, cách thức thiết kế ưu tiên, chương trình hỗ trợ… là tạo động lực mới thúc đẩy DN có lợi từ chính sách này sẽ làm theo chính sách để mình đạt được mục tiêu.
Như vậy, quá trình phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chủ yếu do khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình trực tiếp thực hiện, các chi phí điều chỉnh, nếu có đều do các doanh nghiệp tự trang trải.
Còn hoạt động của cơ quan Nhà nước để triển khai đề án tái cơ cấu về cơ bản đều nằm trong chức năng, phạm vi, thẩm quyền và hoạt động bình thường trong quản lý nhà nước và trong phạm vi kế hoạch ngân sách được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Tuy nhiên, đối với một số đề án thành phần hay chính sách cụ thể có thể phát sinh một số chi phí nhất định. Ví dụ, để khuyến khích, thúc đẩy hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành hay vùng kinh tế, Nhà nước phải có những ưu đãi hơn về thuế, tín dụng, hoặc phải thực hiện một số chương trình hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp liên ngành, liên vùng… Số chi phí cần thiết đó phụ thuộc vào phạm vi, đối tượng và công cụ chính sách cụ thể, và được xác định khi xây dựng các chính sách liên quan.
Ông nghĩ thế nào về ý kiến: Đề án tổng thể cơ cấu kinh tế không có khâu đột phá, cần xác định rõ mô hình tăng trưởng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng?
TS. Nguyễn Đình Cung: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã xác định ba khâu đột phá. Để thực hiện đột phá về hạ tầng, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua Nghị quyết 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chính phủ đang triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết nói trên cũng như chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020… Như vậy, đề án tái cơ cấu kinh tế kế thừa các đột phá chiến lược, thực hiện các đột phá chiến lược sẽ tạo tiền đề và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế. Thay vì tìm kiếm thêm các khâu đột phá, Đề án tái cơ cấu nhấn mạnh đến tính “ưu tiên”, “trọng tâm”, “đồng bộ” trong các nội dung và giải pháp tái cơ cấu kinh tế. Tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm khởi động cho cả quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.
Phải nói rằng hệ tư duy hiện chính sách đang được chi phối bởi quan điểm hiện hành, với hàng loạt hệ thống văn bản pháp luật. Đề án này đặt trong bối cảnh hiện tại, bổ sung thêm những cái đang có chứ không thể hoàn toàn thay thế. Đề án này không nêu tất cả mà nêu ra những “vấn đề có thể giải quyết được”, có tính khả thi.
Thực tế hiện nay, nước ta có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần, đa đạng hóa các hình thức sở hữu, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ở nước ta hiện nay chủ yếu là thay đổi động lực của tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu dựa vào tăng quy mô các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên) sang gia tăng hiệu quả, năng suất lao động, và năng suất các yếu tố tổng hợp để các yếu tố này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, đề án tập trung chủ yếu vào thay đổi vai trò tương đối của các nhân tố sản xuất trong tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thưa ông, trong Đề án có đề cập một số ngành mũi nhọn, tại sao lại chọn đóng tàu, luyện kim một trong những ngành công nghiệp khá cũ, tiêu hao năng lượng, thay vì ưu tiên phát triển cho các ngành dệt may, da giầy?
TS. Nguyễn Đình Cung: Trong Đề án có 2 cấp độ ưu tiên, giai đoạn 2011 2015 dệt may, da giầy vẫn được ưu tiên. Nhưng đây là ngành có giá trị gia tăng thấp, có thể hiện nay có năng lực canh tranh nhờ lao động rẻ (có thể trong 5 năm nữa có thể không còn rẻ.) Việt Nam cũng không nên quá dựa vào khả năng cạnh tranh dựa trên lao động rẻ. Vì tiền lương thấp, thu nhập thấp, khó có khả năng phát triển kỹ năng thêm.
Trong 10-20 năm nữa phải có hệ ngành mới thay thế cho những ngành hiện nay. Lúc đó mới tính đến những ngành như điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, luyện kim, đóng tàu, du lịch, logistic…
Nói về luyện kim, đây là ngành công nghiệp cơ bản, một nước có công nghiệp cơ khí, điện tử… phát triển thì không thể thiếu những ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, hóa dầu, làm nguyên liệu đầu vào… Vấn đề là phải làm sao chất lượng ngang bằng nhưng chi phí rẻ hơn. Thực ra, khó quốc gia nào có thể làm tốt ngày từ đầu khi phát triển công nghiệp, vì đi sau nên phải qua quá trình vừa làm vừa học, vấn đề là làm sao học được nhanh nhất.
Các nước phát triển đang có xu hướng đẩy một số ngành công nghệ không quá cao, không làm nữa, trong khi Việt Nam có lợi thế thì vẫn có thể thu hút. Thử đặt lại câu hỏi, trừ những nước như Singapore đi theo con đường riêng… trên thế giới, có quốc gia nào có nền công nghiệp phát triển mà không có luyện kim?
Về đóng tàu, Việt Nam cho đến 2008 là một trong những quốc gia có đơn đặt hàng tăng nhanh nhất. Từ chiếm thị phần năm 2006 là 0,25% thị trường thế giới thì năm 2008 chiếm 2,6%, thuộc loại tăng rất nhanh, đứng thứ 5 về thị phần. Thực tế, ngành đóng tàu đang có vị trí không kém, do có lợi thế về đường bờ biển dài, chiến lược biển, kỹ năng của lao động. Đặc thù riêng của ngành đóng tàu, công nghệ không lỗi thời nhanh như công nghệ tin học, sử dụng nhiều lao động, hoàn toàn tiếp cận được công nghệ. Hơn nữa, những công nghệ không phải “đỉnh cao” thì các nước phát triển dễ dàng chuyển giao hơn.
Hiện nay, có ý kiến cho rằng ngành thép, xi măng đang có vấn đề về thừa, hay vấn đề về ngành đóng tàu. Nhưng đây là do một vài vấn đề quản lý đầu tư chứ không phải lỗi của ngành.
Theo eFinance
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông