Kiến thức Tuyển dụng Robot chẳng hề đáng sợ, rủi ro mất hết việc làm vào...

Robot chẳng hề đáng sợ, rủi ro mất hết việc làm vào tay máy móc đang bị thổi phồng quá mức?

52
Trên thực tế, Robot đã được dùng rất phổ biến trên thế giới nhưng chúng vẫn còn bị hạn chế trong ngành may mặc. Số liệu của của Liên hiệp robot thế giới (IFR) cho thấy trong số 1,63 triệu robot công nghiệp năm 2015, chỉ có 1.580 được dùng trong mảng may mặc, dệt may, da giày.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Bangladesh xuất khẩu hàng may mặc nhiều hơn 60% so với Ấn Độ dù dân số của nước này chỉ chưa bằng 1/8 so với cường quốc ở Nam Á này. Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), nhờ nguồn lao động giá rẻ dồi dào mà quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp xếp hạng năm 2014 này có được nguồn thu dồi dào từ dệt may.

Dẫu vậy, quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức vô cùng to lớn từ tự động hóa. Liệu sự phát triển của công nghệ và máy móc có thật sự làm biến đổi cấu trúc kinh tế cũng như hủy hoại ngành dệt may của Bangladesh cùng nhiều quốc gia tương tự khác?

Robot trỗi dậy

Trên thực tế, Robot đã được dùng rất phổ biến trên thế giới nhưng chúng vẫn còn bị hạn chế trong ngành may mặc. Số liệu của của Liên hiệp robot thế giới (IFR) cho thấy trong số 1,63 triệu robot công nghiệp năm 2015, chỉ có 1.580 được dùng trong mảng may mặc, dệt may, gia dày.

Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do nguyên liệu trong mảng dệt may khá mềm, khi các robot tương tác với những thớ vải hay sợi bông, hình dáng của các nguyên liệu này thay đổi, bị gấp nếp, nhăn, trôi… không theo quy luật nào. Chính điều này khiến các robot gặp khó để xác định nên tương tác như thế nào và định nghĩa chủ thể tương tác.

“Việc tự động hóa công việc của các nhà thiết kế có thể dễ dàng hơn cả việc xây dựng hệ thống tự động cho các thợ may”, Viện McKinsey Global Institute thừa nhận.

Giáo sư về tự động hóa Jian Dai của trường đại học King’s College ở London nhận định hệ thống robot tự động sẽ phải tiến hành các công đoạn là phẳng hoặc xếp đều nguyên liệu may mặc để tương tác, đồng thời cần có hệ thống cảm biến mạnh nhằm nhận dạng các rìa của vật liệu. Để duy trì được mục tiêu này, hệ thống robot tự động hóa sẽ phức tạp hơn nhiều so với những ngành sản xuất khác.

Hiện nay trên thế giới không có nhiều công ty có thể sản xuất được những hệ thống robot tự động hiệu quả chi phí vừa phải như trên. Hãng SoftWear Automation tại Mỹ đã xây dựng một hệ thống tự động dùng camera tốc độ cao nhằm kiềm soát chu trình sản xuất. Nhờ đó, một máy khâu tự động có thể sản xuất được 1.142 chiếc áo phông trong 8h đồng hồ, cao gấp 17 lần so với nhân công thông thường.

Dẫu vậy, các hệ thống robot tự động cho may mặc đang dần được cải thiện để rẻ hơn, hiệu quả hơn trong môi trường bụi bẩn của công xưởng cũng như ít cần mã hóa hơn để lao động trình độ thấp có thể thao tác.

Bằng chứng rõ ràng nhất là 1/3 số robot được giao dịch năm 2015 thống kê bởi IFR được chuyển đến những nước có thu nhập trung bình thấp, chủ yếu được dùng trong ngành sản xuất xe hơi và thiết bị điện tử. Trung Quốc là nước mua nhiều robot nhất trong số đó.

Sự trỗi dậy của robot đã khiến các nhà kinh tế học phải tự hỏi liệu lý thuyết truyền thống có còn chính xác. Những công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Simon Kuznets vào thập niên 1960 và 1970 cho thấy nền kinh tế sẽ di chuyển nguồn lực từ nông nghiệp lên công nghiệp và chuyển sang dịch vụ trong quá trình tăng trưởng.

Như vậy, ngành sản xuất công nghiệp sẽ giúp những người lao động nghèo trở nên giàu có hơn trước khi thị trường dịch vụ chiếm lĩnh nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu robot thay thế lao động trong các nhà máy sản xuất thì lý thuyết trên sẽ không còn đúng. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy robot có thể thay thế được tới 67% số lao động ngành sản xuất ở Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Như vậy nếu những nền kinh tế thu nhập trung bình thấp không thể đưa đủ lao động vào các nhà máy thì họ không thể giúp người nghèo hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa để có thể đi lên nền kinh tế tập trung cho dịch vụ.

Nghiên cứu của chuyên gia Dani Rodrik của trường đại học Havard cho thấy tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi hiện nay đang ở mức thấp nhất, thậm chí quay lại mức thời kỳ đầu khi ngành sản xuất mới phát triển.

Không hề đáng sợ

Mặc dù vậy, nghiên cứu của ông Rodrik cũng cho thấy tự động hóa không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Tại Châu Á, giả thuyết của Rodrik cho rằng những nền kinh tế này đang hướng đến giai đoạn phát triển trưởng thành của ngành công nghiệp và do đó lượng lao động cần trong mảng này giảm đi nhờ sự phát triển sản xuất.

Tiếp theo đó, Trung Quốc vươn mình thành công xưởng của thế giới trong nhiều thập niên cũng ảnh hưởng đến thị trường lao động của nhiều nước và có thể tự động hóa không đóng nhiều vai trò trong xu thế cướp việc làm ngành sản xuất.

Trong khi đó, nghiên cứu của chuyên gia Nobuya Haraguchi của UNIDO, Charles Fang Chin Cheng của trường đại học New South Wales và nhà tư vấn Eveline Smeets với hơn 100 nền kinh tế từ năm 1970 cho kết quả vô cùng thú vị.

Nếu xét mức bình quân (Average) tại mỗi quốc gia, tỷ lệ lao động trong ngành sản xuất đã giảm từ đầu thập niên 1990. Tuy vậy, nếu xét trên mức tổng gộp (Aggregate), tỷ lệ lao động trong ngành sản xuất của các nước đang phát triển lại tăng lên.

Hãy xem xét Columbia và Trung Quốc, xét theo bình quân thì lượng lao động ngành sản xuất của Columbia đã giảm từ 30% năm 1990 xuống 25% năm 2015 theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), còn Trung Quốc thì đi ngang với 25% cho cả 2 năm. Như vậy xét tổng bình quân thì tỷ lệ này giảm.

Dẫu vậy, con số tổng gộp thực tế sẽ cao hơn rất nhiều con số bình quân, đó là chưa kể dù Trung Quốc đi ngang nhưng xét về tổng số người trong độ tuổi lao động tăng của nước này thì rõ ràng nhân công ngành sản xuất đang đi lên.

Ở khía cạnh khác, dù số lao động trong ngành may mặc của Trung Quốc bắt đầu giảm từ năm 2013 và tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu cũng chững lại nhưng chúng lại tạo cơ hội cho các nước Việt Nam, Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ.

Các cuộc khảo sát cũng cho thấy những rào cản về thuế quan, luật định mới là điều khiến doanh nghiệp ngành may mặc lo lắng hơn là tự động hóa.

“Có rất nhiều công ty may mặc đã tiến hành bán tự động hóa nhưng chúng tôi chưa thấy hãng nào tự động hoàn toàn. Có lẽ điều này cần phải tốn nhiều năm nữa mới đạt được”, Giám đốc điều hành Spencer Fung của hãng Li&Fung tại Hong Kong nhận định.

Thêm vào đó, với công nghệ hiện nay thì chi phí tự động hóa chưa hoàn toàn rẻ. Một chiếc máy khâu của SoftWear có năng suất cao gấp 17 lần nhân công thường nhưng mức lương tối thiểu tại Mỹ lại cao gấp 18 lần so với Bangladesh. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tự động hóa nhà máy tại Mỹ hay vẫn sẽ hợp đồng thuê nhân công giá rẻ tại nước thứ 3?

Việc các nhà máy Bangladesh ứng dụng tự động hóa cũng có thể là một nguy cơ, nhưng chi phí vận hành và giá mỗi chiếc máy của SoftWear không hề rẻ, chưa kể đến khoản bảo trì, đào tạo nhân công để vận hành máy… khiến các doanh nghiệp may mặc ở đây chùn bước.

Thậm chí chính SoftWear Automation cũng phải thừa nhận sản phẩm của họ sẽ chỉ chiếm phần nhỏ trên thị trường trong 20-30 năm tới, vào khoảng 20-25% thị phần. Nguyên nhân rất đơn giản, máy móc vẫn chưa thể thay thế được con người trong những công đoạn phức tạp và cần trí sáng tạo.

Hiện SoftWear đã nhận được các cuộc gọi từ những hãng may mặc Bangladesh nhưng công ty vẫn chỉ bán cho thị trường Mỹ. Lý do chính là chi phí vận chuyển khiến giá chiếc máy bị đội lên quá cao và không hiệu quả.

Theo Thời Đại

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không