Lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của VIS giảm mạnh từ 109,99 tỷ đồng xuống còn 27,21 tỷ đồng, tương tự DPR “bốc hơi” 46,27 tỷ đồng.
Mỗi cây mỗi hoa
Tính đến thời điểm hiện nay, trong số 109/702 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2011, ước gần 20 doanh nghiệp (chiếm khoảng 18%) có chênh lệch số liệu BCTC trước và sau kiểm toán. Đáng chú ý là các trường hợp ở Thép Việt Ý (VIS), Thủy điện Thác Bà (TBC), Cao su Đồng Phú (DPR), Coma18 (CIG). Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của VIS giảm mạnh từ 109,99 tỷ đồng xuống còn 27,21 tỷ đồng, tương đương mức giảm 76,26%. Hay lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của DPR “bốc hơi” 46,27 tỷ đồng so với trước kiểm toán.
Có nhiều nguyên nhân để con số công bố từ doanh nghiệp trở nên bất nhất với BCTC kiểm toán. Trong đó, phổ biến nhất là lý do trích lập dự phòng. Theo giải trình của VIS, chênh lệch lợi nhuận BCTC trước và sau kiểm toán là do Công ty phải trích lập thêm 110,38 tỷ đồng dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn ở CTCP Luyện thép Sông Đà (VIS đang nắm 43,17% vốn). Trước đó, tại thời điểm VIS lập BCTC năm 2011, do chưa có thông tin về kết quả kinh doanh năm 2011 của Luyện thép Sông Đà nên VIS không thực hiện trích lập. Ngày 20/2/2012, sau khi có thông tin Luyện thép Sông Đà lỗ 275,89 tỷ đồng, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Công ty Kiểm toán Deloitte đã tiến hành trích lập dự phòng khoản đầu tư dài hạn nói trên trong BCTC của VIS.
Ở DPR, dù lãi gộp và doanh thu tài chính được điều chỉnh tăng thì lợi nhuận sau kiểm toán ở DPR vẫn bị giảm mạnh. Chính những khoản tăng thêm do hạch toán lại giá trị lợi thế kinh doanh (33,7 tỷ đồng), hồi tố 33,7 tỷ đồng mà chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán ở DPR bị “đội”thêm 68,9 tỷ đồng, ảnh hưởng nặng đến lợi nhuận Công ty.
Lợi nhuận của một số doanh nghiệp ngành điện chênh lệch do khó chốt giá bán điện với EVN
Một số doanh nghiệp do khác biệt trong hạch toán doanh thu (như TBC), giá vốn hàng bán (như CIG) mà lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán đã bị “vênh”. Nói như ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam, “tùy đặc điểm riêng ở mỗi doanh nghiệp mà doanh nghiệp có cách lý giải khác nhau về chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán”.
Không quá lo ngại
Tuy nhiên, ông Nam không cho rằng, giải trình của doanh nghiệp là đáng ngờ hay bất hợp lý. Bởi vẫn còn những điểm chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và kiểm toán. Đơn cử, việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cổ phiếu OTC thường gặp khó khăn do thiếu cơ sở định giá cổ phiếu. Hay trong vấn đề nộp thuế, một số doanh nghiệp do đặc thù ngành mà được hưởng những ưu đãi riêng, dẫn đến cách diễn giải khác biệt.
Đôi khi, như TBC có cách hạch toán doanh thu theo một quan điểm khác với kiểm toán. TBC chỉ tính doanh thu khi Công ty chuyển giao toàn bộ hay hầu hết lợi ích cho bên mua, trong khi đơn vị kiểm toán hạch toán doanh thu của TBC theo Nghị quyết ngày 16/2/2012 của Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam về sửa đổi bổ sung liên quan đến giá mua điện năm 2011 ở TBC (giá bán điện của TBC là 653,1 đồng/kWh).
Cũng có trường hợp, như Gilimex (GIL) chưa nộp đủ 53 tỷ đồng vào CTCP May hàng gia dụng Gilimex (PPJ) để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 53% ở PPJ, nên kiểm toán đã không chấp nhận số liệu hợp nhất có tính PPJ là công ty con của GIL.
Những ví dụ trên cho thấy, cái nhìn của kiểm toán về các số liệu trong BCTC là chặt chẽ và đòi hỏi cập nhật. Vì thế, sai sót ở doanh nghiệp thường do vô tình nhiều hơn là cố ý. Đặt giả thiết doanh nghiệp muốn cố tình sai phạm, thì động lực thực hiện cũng rất thấp. Vì khi để xảy ra sai lệnh số liệu lớn mà trước sau thì thị trường cũng biết thì uy tín của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tiếp đó, khả năng công ty bị phạt, bị “soi” là rất cao. Trường hợp doanh nghiệp mắc lỗi ở những nội dung đã được quy định rõ trong chuẩn mực kế toán, sai sót của doanh nghiệp càng dễ bị phát hiện.
Đây cũng là lý do để nhiều chuyên gia cho rằng, BCTC công bố từ một số doanh nghiệp dù còn có những sai sót và chưa thật chắc chắn, thì vẫn có những giá trị riêng, không thể bỏ qua. Chính tính kịp thời từ các con số trong BCTC của công ty sẽ giúp nhà đầu tư thêm cơ sở để ra quyết định. Nhưng để tự tin với quyết định này, nhà đầu tư phải biết đọc BCTC, biết phát hiện và có những phân tích, đánh giá riêng.
Theo Tin nhanh chứng khoán
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông