Kiến thức Tài chính kế toán Tập đoàn tài chính – còn nhiều việc phải làm

Tập đoàn tài chính – còn nhiều việc phải làm

173

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính Việt Nam đòi hỏi cần phải có những tập đoàn tài chính lớn mạnh đủ sức cạnh tranh và hội nhập với sân chơi toàn cầu. Con đường “Tập đoàn” đã được vạch ra với những ngân hàng lớn của Việt Nam, còn quá nhiều việc phải làm để đến được cái đích ấy.
Việc hình thành mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng đã được manh nha từ lâu. Xu hướng này ngày càng rõ nét với sự ra đời của hàng loạt công ty con của các ngân hàng. Đặc biệt thời gian gần đây, Sacombank và ACB đã tuyên bố là tập đoàn cũng cho thấy đây là mô hình phát triển tất yếu của những ngân hàng lớn, đầu đàn phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với yêu cầu tất yếu của hội nhập và cạnh tranh khi năm 2012 chúng ta mở rộng cửa lĩnh vực tài chính theo lộ trình hội nhập WTO.
Sự tuyên bố chắc chắn đi trên con đường “Tập đoàn” tài chính – ngân hàng sau cổ phần hóa của các NHTM Nhà nước như VietinBank, BIDV đang được thực hiện. Nguồn nhân lực và vật lực đã và đang hình thành với sự ra đời liên tiếp của các công ty con trước cũng như sau cổ phần hóa, khẳng định sự lớn mạnh và đa dạng trong hoạt động kinh doanh để chuẩn bị bước đệm trở thành tập đoàn. Cộng thêm đằng sau đó là sự hậu thuẫn của Chính phủ cho phép về nguyên tắc phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng của những NHTM Nhà nước sau cổ phần hóa.
Nếu tính trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay đang nổi lên 5 ngân hàng lớn có khá đầy đủ các tiêu chí để trở thành một tập đoàn tài chính – ngân hàng. Đó là VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank. Nếu xét tiêu chí “Tập đoàn” theo Dự thảo quy định về tiêu chí đặt tên các tập đoàn và tổng công ty là doanh nghiệp phải là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 công ty khác và được Thủ tướng Chính phủ cho phép… thì các ngân hàng trên đã hội đủ điều kiện.
Ngay như, LienVietPostBank khi mới sáp nhập thêm hệ thống tiết kiệm bưu điện cũng “giương cờ” để trở thành Tập đoàn tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, nếu xét theo các tiêu chí của Dự thảo trên thì ngân hàng này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ngoài ACB và Sacombank đã tuyên bố là Tập đoàn thì với các NHTM Nhà nước đã và đang cổ phần hóa như VietinBank, Vietcombank, BIDV thì con đường trở thành tập đoàn có lẽ chỉ còn là thời gian. Vì đến nay, VietinBank cũng đã chuẩn bị những cơ sở cho mình để trở thành một Tập đoàn tài chính mạnh của Việt Nam. Hiện VietinBank sở hữu 6 công ty con hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực tài chính như: công ty cho thuê tài chính, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty bảo hiểm phi nhân thọ, công ty vàng bạc đá quý, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán. Tổng số vốn góp của VietinBank vào các công ty con tính đến thời điểm này là 1.527 tỷ đồng, bên cạnh đó còn có 10 công ty liên kết và một công ty liên doanh. Theo chiến lược phát triển đến 2015, VietinBank sẽ tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu sở hữu và giảm dần sự nắm giữ của Nhà nước ở mức 51%. Tiến hành các thủ tục IPO quốc tế và niêm yết trên thị trường quốc tế. Tổng tài sản của VietinBank đạt 367.931 tỷ đồng, vốn điều lệ 20.229 tỷ đồng.
Đối với Vietcombank với số vốn điều lệ khoảng 19.698 tỷ đồng, tổng tài sản đạt khoảng 307.000 tỷ đồng, với tổng vốn đầu tư tham gia góp vốn là 4.900 tỷ đồng vào 33 đơn vị và hiện có 7 công ty con. Tổng tài sản của Sacombank đạt 153.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 10.739 tỷ đồng. Hiện Sacombank có 9 công ty con với tổng số vốn góp là 1.768.200 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, mạng lưới của Sacombank dự kiến đạt 600 điểm, ngoài các điểm đã mở tại Lào và Campuchia, Sacombank dự kiến mở rộng hoạt động sang Malaysia, Singapore, Mỹ, Australia, châu Âu và một số nước khác trong khu vực ASEAN. Còn mục tiêu của ACB đến năm 2015 sẽ trở thành một trong bốn ngân hàng lớn nhất và hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam và có quy mô của một ngân hàng trung bình khu vực. Hiện ACB đang sở hữu 4 công ty con hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính. Tổng tài sản của ACB khoảng gần 206.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hiện đang là 9.376 tỷ đồng.
Sau khi cổ phần hóa BIDV là NHTM có số vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống đạt 28.251 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 398.583 tỷ đồng. Việc BIDV thực hiện IPO và trở thành NHTMCP tạo điều kiện cho việc trở thành Tập đoàn tài chính – ngân hàng. Đến nay, BIDV đang có trong tay 6 công ty con với các lĩnh vực hoạt động đa dạng, ngoài các công ty mấu chốt của hệ thống tài chính, hiện BIDV đang sở hữu công ty TNHH Quốc tế tại HongKong với nhiệm vụ là huy động và quản lý các quỹ đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính nhằm huy động vốn tại thị trường quốc tế để đầu tư vào Việt Nam. BIDV cũng đã đưa vào hoạt động CTCP Đầu tư và Phát triển Myanmar, đưa vào hoạt động hiện diện thương mại tại CH Séc, đưa vào hoạt động chi nhánh Ngân hàng liên doanh Việt – Nga tại Nga.
Như vậy, các tập đoàn tài chính đã và đang hình thành, đang hướng theo mô hình công ty mẹ-con và đang phát triển theo hướng kinh doanh đa ngành với các hoạt động đan xen giữa các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Với các vệ tinh là các công ty con, công ty liên doanh, liên kết thông qua các hoạt động đầu tư hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại nhằm kết nối có hiệu quả thị trường tài chính Việt Nam với các thị trường các nước trong khu vực và nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Cái đích “Tập đoàn” đã hiện rõ nét, nhưng con đường vươn tới nó vẫn còn gập ghềnh, khúc khuỷu. Không thể “dục tốc” được vì nếu xét về tiêu chí định lượng nó đã đáp ứng được nhưng về yếu tố định tính hay nhân tố quản trị cần xứng tầm cho mô hình đa ngành và phức tạp này.

Theo Vietstock

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không