Kiến thức Tài chính kế toán Tìm cách để doanh nghiệp thoát chết

Tìm cách để doanh nghiệp thoát chết

54

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 xuống mức âm 0,26% đang khiến cho các doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Doanh nghiệp không trọng thương cũng kiệt sức

Lạm phát vừa qua đi thì giảm phát đã kéo tới khiến Doanh nghiệp hứng chịu liên tiếp hết “đòn” này đến “đòn” khác. Lĩnh đòn liên tiếp, khiến cho đa số Doanh nghiệp không trọng thương cũng kiệt sức. Đến nay các Doanh nghiệp đều hết sức khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trả lời câu hỏi chỉ số giá đã giảm, giá hàng hóa có giảm, nhiều Doanh nghiệp cho biết nếu giảm phát kéo dài, chắc chắn sẽ phải giảm giá hàng hóa, nhưng đó cũng chính là con đường đưa họ vào chỗ tự sát.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lạm phát tăng cao trong thời gian dài vừa qua đã đẩy chi phí sản xuất của nhiều Doanh nghiệp thép lên cao. Lãi vay, nguyên liệu đầu vào, cước vận tải… tăng cao khiến cho chi phí sản xuất thép tăng cao. Hiện nay, giá thành 1 tấn thép sản xuất ra đang ở mức 15,2 triệu đồng, nhưng giá bán thép cao nhất chỉ ở mức18 triệu đồng/tấn.
Với giá thành trên tính thêm 10% thuế VAT, cước phí vận chuyển, hoa hồng đại lý, khuyến mãi cho khách hàng thì hầu như các Doanh nghiệp thép đã không có lợi nhuận. Đáng ra các Doanh nghiệp phải tăng giá mới đảm bảo, nhưng không dám tăng mà ngược lại do giảm phát, các Doanh nghiệp thép đã phải giảm giá từ 200.000 đồng tới 300.000 đồng/tấn.
“Đầu vào chi phí cao, nay lại phải tiếp tục giảm giá bán sẽ khiến nhiều Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề”.
Các Doanh nghiệp ô tô khi được hỏi cũng lắc đầu ngao ngán. Theo một số Doanh nghiệp ô tô họ đã giảm giá hết khả năng rồi. Gần 6 tháng nay không có mẫu xe nào là không giảm giá mạnh. Mẫu xe giảm giá ít nhất cũng 30 triệu đồng, cao lên tơi cả trăm triệu đồng và diễn ra liên tiếp trong suốt thời gian dài.
Với nhiều Doanh nghiệp, các chi phí như quảng cáo, dịch vụ… cũng cắt giảm hết dồn vào giá để hỗ trợ khách hàng nhằm tăng tiêu thụ. Thời gian qua nhiều Doanh nghiệp đã thua lỗ nặng do sản lượng giảm sút, nguồn tài chính mất cân đối, nay nếu phải tiếp tục giảm giá hơn nữa thì chỉ còn cách bán nốt hàng tồn kho, đóng cửa nhà máy và cho lao động nghỉ việc mà thôi.
Ông Bùi Xuân Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên cho biết, thời gian này, không nói đến sản phẩm xe du lịch mà ngay xe tải bán rất chậm. Số lượng bán hàng của các Doanh nghiệp sản xuất xe tải nói chung chưa bằng 60% so với năm trước. Tiêu dùng giảm, buộc các công ty ô tô phải liên tục xem xét giảm giá, giảm sản lượng sản xuất, giảm tiền lương và giảm khả năng bố trí công ăn việc làm đưa đến thất nghiệp.
Các Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng trong tâm trạng tương tự. Theo thống kê, chỉ riêng lượng tồn đọng căn hộ chưa bán ở TP.HCM đã tới 20.000 căn, tại Hà Nội trên 10.000 căn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thời gian qua các Doanh nghiệp liên tục giảm giá,thậm chí khuyến mãi “khủng” cho khách hàng nhưng số giao dịch thành công rất ít.
Giảm phát kéo dài là mối lo lớn bởi không giảm giá không bán được hàng, tiếp tục giảm giá thì thua lỗ và làm tăng thêm gánh nặng nợ nần.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đến nay đã có hơn 100.000 Doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng phải ngừng hoạt động. Đầu ra không có, sức mua suy giảm đang giết chết các Doanh nghiệp BĐS, một thống kê mới đây cho biết có tới 90% Doanh nghiệp BĐS đang thua lỗ. Tiếp tục giảm giá cũng đồng nghĩa với tăng thêm số Doanh nghiệp thua lỗ, phá sản.

Cách nào để thoát chết

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian vừa qua khi lạm phát tăng cao đã đẩy chi phí sản xuất của các Doanh nghiệp tăng cao. Chẳng hạn để làm ra được một đơn vị sản phẩm lúc trước Doanh nghiệp có thể dự phòng và dùng 10 đồng chi phí để sản xuất ra sản phẩm này và dự kiến sẽ bán ra với giá 11 đồng. Nhưng do lạm phát dẫn đến chi phí đầu vào tăng khiến chi phí để làm ra sản phẩm trong thực tế có thể lên đến 12 hay 13 đồng.
“Khi đó nhiều Doanh nghiệp đã không dám tăng giá do vấp phải vấn đề cạnh tranh, do hợp đồng đã ký, không thể phá vỡ khiến các Doanh nghiệp đã phải chịu chấp nhận lỗ vốn đã rất khổ sở rồi, nay lạm phát vừa đi qua thì giảm phát lại tới bồi thêm 1 “đòn” nữa, giảm giá bán không khác nào tự sát, nhưng chắc cũng không còn cách nào khác khi hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm thấp”, ông Kiêm nói.
Đi kèm với giảm phát là sức mua của bộ phận người tiêu dùng giảm, vì vậy giá hàng hóa sẽ phải giảm xuống để có thể bán được. Điều này sẽ lại ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố đầu vào mà Doanh nghiệp đã mua trước đó với chi phí cao nên nếu giảm giá bán cũng sẽ khiến Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ dẫn đến phá sản, ông Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, cả nước hiện có 600.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97% tổng số Doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tạo ra việc làm cho trên 50% tống số lao động nền kinh tế, làm ra khoảng từ 45% đến 51% sản lượng hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ thì 100% Doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó 40% Doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất. Sức tiêu dùng giảm, nợ xấu Doanh nghiệp tăng, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn, hàng tồn kho nhiều… đã tạo nên một tình trạng rất xấu cho Doanh nghiệp.
Hầu hết các Doanh nghiệp rất lo lắng bởi giảm phát sẽ làm tăng tâm lý thích giữ tiền, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng với hy vọng giá ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay và tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn: hạ giá – giảm tiêu dùng – dư thừa công suất – tăng thất nghiệp và giảm thu nhập – giảm tiêu dùng – giảm cầu và tiếp tục hạ giá…
Theo các Doanh nghiệp giải pháp cấp bách là giải quyết tình trạng mất sức mua của thị trường, điều chỉnh chính sách hỗ người tiêu dùng để khơi thông đầu ra cho thị trường.
Ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn tài chính, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cho biết, thị trường bất động sản vốn là 1 đầu tàu của nền kinh tế, thị trường này phát triển thì sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác phát triển theo như xi măng, sắt thép, đồ nội, ngoại thất, thiết bị dùng trong gia đình…
Nhưng thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua mải chạy theo đầu cơ với 80% mua nhà là để bán lại, nên đến thời điểm này khi “bong bóng” xẹp, thị trường đóng băng, thì nhiêù ngành sản xuất cũng theo đó mà suy giảm.
Muốn khôi phục thị trường bất động sản không phải là khó, ông Kim cho biết. Với thị phần nhà giá thấp đến nay nhu cầu rất lớn thì lại không đáp ứng. Những căn hộ dưới 1 tỷ đồng hầu như rất hiếm trong khi nó chiếm đến 90% nhu cầu về nhà ở thực của người dân, còn các căn hộ từ 3 tỷ trở lên lại quá nhiều và nhiều người muốn mua nhưng không có khả năng chi trả.
Vì vậy, ông Kim cho rằng, cần đẩy mạnh hướng đầu tư vào các căn hộ giá thấp dành cho những khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự qua đó làm lành mạnh thị trường bất động sản và biến nó trở thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó là giảm và hỗ trợ lãi suất cho vay với cá nhân để mua nhà, qua tạo nhu cầu kích thích thị trường.
Theo ông Kiêm hiện nay mỗi tháng Chính phủ và ngân hàng sẽ bơm ra lượng tiền lên tới 71.000 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách là 21.000 tỷ đồng và từ ngân hàng là 50.000 tỷ đồng. Nhưng giữa ngân hàng và Doanh nghiệp đang không gặp nhau. 
Ông Kiêm chỉ ra, Doanh nghiệp muốn vay nhưng vướng tài sản thế chấp, nợ xấu, nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì nhiều Doanh nghiệp không có vốn tiếp tục các dự án như vậy không tạo ra sức mua và không tạo ra việc làm. Cần giải quyết nhanh vấn đề này để tạo động lực cho các Doanh nghiệp. Khi các dự án có vốn, tiếp tục hoạt động sẽ tạo ra việc làm, tạo ra sức mua, qua đó giúp các Doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn
Tác giả: Trần Thủy


Theo VEF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không