Kiến thức Tài chính kế toán Dòng vốn rẻ bắt đầu mở van

Dòng vốn rẻ bắt đầu mở van

43
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNăm tháng đầu năm 2012 một lượng lớn ngoại tệ được giữ trong các tầng lớp kinh doanh đã được chuyển đổi sang tiền đồng và từ đó hỗ trợ cho việc huy động vốn bằng tiền đồng tăng lên.

Lợi thế tỷ giá ổn định

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tỷ giá bình quân liên ngân hàng luôn được giữ vững ở mức 20.828 đồng/USD. Dự báo xu thế ổn định này sẽ được duy trì trong thời gian và nếu có biến động cũng không lớn. Bởi theo cam kết của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, nếu loại trừ những yếu tố bất trắc thì tỷ giá năm 2012 sẽ biến động không quá 3%. Điều đó có nghĩa, đến cuối năm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ không quá 21.452 đồng/USD và tỷ giá niêm yết của các Ngân hàng thương mại với biên độ +1% sẽ không quá 21.664 đồng/USD.
Với sự ổn định của tỷ giá trong 6 tháng nay khiến việc người dân bán USD lấy tiền đồng gửi ngân hàng với lãi suất cao hơn góp phần làm cho nguồn cung ngoại tệ tăng lên. Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012 một lượng lớn ngoại tệ được giữ trong các tầng lớp kinh doanh đã được chuyển đổi sang tiền đồng và từ đó hỗ trợ cho việc huy động vốn bằng tiền đồng tăng lên. Ngược lại, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm (giúp cho việc chuyển hóa vốn ngoại tệ từ tiền gửi sang mua đứt bán đoạn nhằm giảm thiểu USD hóa nền kinh tế). Tính đến cuối tháng 6/2012 huy động vốn trên địa bàn ước tăng 5,21%, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng nhanh 8,9%, còn huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 6,8%.
Lợi thế tỷ giá ổn định đã hỗ trợ các ngân hàng rất tích cực trong việc chuyển đổi vốn USD – VND trong thời gian qua. Ông Minh cho biết thêm, một thời gian khá dài nhiều ngân hàng có trạng thái ngoại tệ dương khá cao, trong khi đó cho vay ngoại tệ phải đúng đối tượng mới cho vay được và cho vay bằng tiền đồng lãi suất cao nên doanh nghiệp ngại vay. Bởi vậy đối với các ngân hàng có thế mạnh kinh doanh ngoại tệ, Ngân hàng nhà nước TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ngân hàng này chủ động bán USD lấy tiền đồng và cho vay lãi suất thấp.

Thiện chí vốn rẻ?

Đến nay thị trường đã ghi nhận lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay đang là 7%/năm của Eximbank với chương trình cho vay VND theo lãi suất USD. Để nhận được mức lãi suất ưu đãi này khác hàng sẽ phải bù rủi ro tỷ giá tối đa là 3%. Chẳng hạn, khách hàng vay 210 triệu đồng (tương đương với 10.000 USD, tỷ giá 21.000 đồng/USD) trong 6 tháng với mức lãi suất ưu đãi này là 7%/năm. Nếu đến kỳ hạn trả nợ, tỷ giá giao dịch trên thị trường là 22.050 đồng/USD (tức tăng 5%) thì khách hàng cũng chỉ phải trả chênh lệch tỷ giá là 3% theo như thỏa thuận trong hợp đồng. Với mức chênh lệch tỷ giá 3% thì số tiền dư nợ gốc mới của khách hàng lúc này là 216,3 triệu đồng (chênh 6,3 triệu đồng). Cộng với lãi vay phải trả với lãi suất 7%/năm của khoản gốc mới là 15,141 triệu đồng, lúc này tổng số tiền lãi thực tế khách hàng phải trả cho khoản vay gốc ban đầu 210 triệu đồng là 21,441 triệu đồng. Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, mức lãi suất bình quân mà các doanh nghiệp đang tiếp cận được là 16%/năm, nếu lãi suất chỉ còn khoảng 10%/năm là rất tốt nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay được vốn ưu đãi này.
Theo ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank, những đối tượng khách hàng sẽ được tiếp cận nguồn vốn này thuộc 4 đối tượng ưu tiên: sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Đến nay với chương trình cho vay VND theo lãi suất USD, Eximbank đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng so với tổng mức vốn ưu đãi sẽ đưa ra thị trường khoảng vài nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Ông Phước cho biết thêm, các ngân hàng đang nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp, vì thực chất của việc cho vay vốn VND theo lãi suất USD là xử lý vấn đề chi phí vốn cho người vay với một chi phí thấp trong nguồn lực có thể của ngân hàng.
Thực ra, việc cho vay bằng VND theo lãi suất USD đã được các ngân hàng triển khai rầm rộ từ cuối quý I/2008 và Eximbank cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai sản phẩm này trên thị trường tiền tệ. Nếu trước đó khách hàng phải chịu rủi ro tỷ giá khi bán lại ngoại tệ từ hợp đồng xuất khẩu theo tỷ giá tại thời điểm ngân hàng giải ngân, lần triển khai này của Eximbank đã có sự bảo hiểm tỷ giá cho khách hàng với biên độ là 3%.
Theo dự báo của HSBC thì cuối năm nay tỷ giá ở mức 21.500 đồng/USD. Nhiều tổ chức khác cũng có dự báo tương tự. Điều đó cho thấy, tỷ giá nếu có biến động cũng sẽ không lớn. Hiện nhiều ngân hàng thực hiện chuyển đổi vốn USD sang tiền đồng để cho vay doanh nghiệp lãi suất thấp. Theo ông Đỗ Minh Toàn – Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mạiCP Á Châu (ACB), hiện tại ACB cũng đang có chương trình cho vay VND với lãi suất USD đối với các khách hàng có nguồn thu ngoại tệ với lãi suất từ 7-9%/năm. Ông Phước cho biết thêm, với nguồn lực vốn của một Ngân hàng thương mạiCP thì không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu của các khách hàng, nhưng nếu nhiều ngân hàng cùng thực hiện chương trình này thì sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn.
Linh Lan

Theo Thời báo Ngân hàng

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không