Kiến thức Tài chính kế toán Mòn mởi trông chờ vốn FDI giải ngân

Mòn mởi trông chờ vốn FDI giải ngân

242
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamVốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm giảm, song nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án là tín hiệu khẳng định sự chuyển biến tích cực của việc giải ngân vốn FDI.
Thông tin ngày 2/7 tới đây, Dự án Sản xuất lốp xe Bridgestone của nhà đầu tư Nhật Bản, vốn đầu tư 574,8 triệu USD, sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), chắc chắn sẽ khiến không chỉ các cán bộ lãnh đạo của Thành phố Hải Phòng hài lòng. Rất nhanh sau khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 2/2012), nhà đầu tư này đã giữ đúng cam kết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Dự kiến, giai đoạn I của Dự án sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2014, giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2016. Công suất của nhà máy là 24.700 lốp xe/ngày.
Điều này có nghĩa rằng, trong số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn FDI những tháng tới đây, sẽ có phần đóng góp của Bridgestone và qua đó, tiếp tục khẳng định sự chuyển biến tích cực của việc giải ngân vốn FDI, trong bối cảnh vốn đăng ký mới suy giảm.
Báo cáo vừa công bố hôm qua (26/6) của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng 6/2012, đã có thêm 900 triệu USD vốn FDI được đưa vào thực hiện, góp phần nâng tổng vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm lên 5,4 tỷ USD, cao hơn so với con số 5,3 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái và bằng với mức giải ngân của 6 tháng đầu năm 2010. Đây rõ ràng là một dấu hiệu tích cực.
Sự tích cực, trước tiên, đến từ các con số. Nhưng nhìn vào động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, có thể thấy các cam kết mạnh mẽ của họ đối với hoạt động đâu tư tại Việt Nam. Ngay cả Nokia, dù đang gặp khó khăn trên thị trường toàn cầu và vừa cắt giảm tới 10.000 nhân viên, song vẫn đang nỗ lực triển khai Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh.
Theo thông tin từ ông Ivan Hurt, Tổng giám đốc Nhà máy Sản xuất điện thoại Nokia Bắc Ninh, thì kể từ sau khi chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2012 đến nay, Nokia đã hoàn thành phần đóng cọc móng và triển khai các phần việc tiếp theo đúng tiến độ đề ra, với tổng giá trị giải ngân khoảng 15 triệu USD.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của Dự án theo đúng tiến độ đã cam kết, để Dự án hoàn thành đúng kế hoạch”, ông Ivan Hurt nói.
Theo kế hoạch, Nhà máy Sản xuất điện thoại Nokia Bắc Ninh sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.
Trong khi đó, dù cam kết sẽ giải ngân hết vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I là 670 triệu USD trong thời gian tới năm 2015, để sau đó, tiếp tục nâng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD để xây dựng Khu tổ hợp Samsung (Samsung Complex), song báo cáo mới nhất của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cho thấy, nhà đầu tư này sẽ vượt tiến độ đề ra tới 3 năm. Tổng vốn giải ngân của Dự án tới tháng 6 này ước đạt con số 684,7 triệu USD.
Vốn giải ngân tích cực là điểm sáng cần được ghi nhận đối với sự dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam. Song, cũng phải thừa nhận rằng, vốn đăng ký mới vẫn tiếp tục sụt giảm và đây là một dấu hiệu đáng lo.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt 4,76 tỷ USD, giảm 24,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt 1,62 tỷ USD, giảm 35,5% so với 6 tháng đầu năm trước. Tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, thì giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Sự sụt giảm này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải bằng 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, các dự án lớn, vốn ảo; dự án bất động sản quy mô lớn trong thời gian gần đây đã giảm mạnh. Mặt khác, do tăng cường giám sát và thẩm tra kỹ khâu cấp phép, nên đã ngăn chặn được những dự án của nhà đầu tư lợi dụng thủ tục đầu tư đơn giản để xin cấp phép, sau đó bán lại dự án, nên cũng làm cho vốn đăng ký giảm phần nào.
Thứ hai, do cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nguồn nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Thứ ba, do hiện nay, Việt Nam đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, nên trong ngắn hạn, vốn đăng ký có thể suy giảm. Nhưng về dài hạn, khi chất lượng nguồn vốn FDI được cải thiện, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và kết quả sẽ là sự gia tăng cả về chất và lượng của nguồn vốn này.
Và cuối cùng là do chịu sự cạnh tranh trong thu hút FDI của một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Myanmar…
Nguyên Đức

Theo Báo Đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không