Chỉ số giá giảm mạnh nhưng có vẻ các con số đó chưa ăn nhập gì với giá thực tế của một số mặt hàng tiêu dùng. Nhiều người dân vẫn chưa thấy giá giảm khi giới kinh doanh vẫn cố giữ và thậm chí tăng giá.
Đủ chiêu giữ giá
Phản ánh với chúng tôi, anh Bảo Hoàng (Vũ Trọng Phụng – Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, ở lĩnh vực điện máy, các khuyến mại hiện nay là không có tác dụng gì cho thấy giá cả giảm đi. Kinh nghiệm rút ra qua nhiều lần mua sắm, anh không tin vào khuyến mại vì sự mập mờ, thiếu minh bạch của việc này, chỉ mong bên bán hàng niêm yết mức giá cố định cuối cùng.
Quan điểm trên bắt nguồn từ quá trình anh tìm mua chiếc máy ảnh Canon1100D tại nhiều siêu thị điện máy lớn cách đây không lâu. Trong đó, một trung tâm có quy mô gần nhà anh quảng cáo, chỉ cần bỏ ra 12,990 triệu đồng, khách hàng sẽ vừa được sở hữu chiếc máy ảnh trên, vừa được tặng kèm một chiếc máy ghi âm trị giá 1,590 triệu đồng.
Nghĩ không cần dùng đến ghi âm, anh gặng hỏi, nếu không lấy ghi âm thì có được trừ số tiền 1,590 triệu đồng đi không?. Nhân viên bán hàng trả lời, nếu không lấy ghi âm, anh sẽ được trừ tiền 700.000 đồng vì giá nhập vào ở mức đấy. Hóa ra, nhà kinh doanh điều chỉnh giá tăng lên rồi đưa ra khuyến mại. Vô hình chung họ bán được hai sản phẩm giá không thay đổi thậm chí còn cao hơn bình thường.
Tương tự, việc mua ti vi 7 triệu được tặng kèm một bình lọc nước 300.000 đồng mà nhiều nơi áp dụng, thực chất giá không hề rẻ đi mà chỉ là cách thức bán được nhiều hàng. “Nói khuyến mại một mặt hàng nào đấy nhưng đằng sau là họ hạ sản phẩm này nhưng lại tăng giá sản phẩm kia để bán kèm. Cho nên vấn đề khuyến mại chỉ là một trò nhử những khách hàng tham mua sắm mà đâu ngờ, bập vào là… chết dở”. annh Hoàng rút ra kinh nghiệm.
Vì thế, cuối cùng , anh lại vui vẻ chi đến 14,5 triệu đồng để mua chiếc máy ảnh Canon 550D tại một trung tâm khác, mà ngược đời ở chỗ, sản phẩm này lại không áp dụng khuyến mại.
“Nhân viên bán hàng nói rằng, nếu anh thực sự mua sản phẩm này thì bọn em trích giá cố định, bỏ hết khuyến mại đi. Theo đó, giá bán chiếc máy ảnh này có rẻ hơn các trung tâm khác vài trăm nghìn đồng. Tôi cho bối cảnh hiện nay, nhà kinh doanh thà đừng khuyến mại, mà tốt nhất là bán giá vừa phải và giới thiệu đến đông đảo người dân có nhu cầu sử dụng”, anh Hoàng góp ý.
Một chiêu khác rất hay được các nhà sản xuất, kinh doanh áp dụng để giữ giá bán từ giai đoạn giá cả leo thang đó là rút bớt số lượng, thậm chí chất lượng sản phẩm, song trong giai đoạn giá cả hạ, sức mua kém như hiện nay, áp dụng chiêu cắt xén này trở nên phản cảm khiến người mua không khỏi bực mình.
Anh Vũ Hưng ở Hoàng Cầu – Đống Đa – Hà Nội kể, khi mua chai dầu gội dung tích gần 200ml nhưng lạ thay khi anh đẩy nắp bóp nhẹ, nhưng bóp mãi đến méo cả vỏ chai mà vẫn không thấy chút dầu nào được đẩy lên. Anh cho biết, chưa kịp để ý đến mức giá niêm yết nhưng cảm quan ban đầu, sản phẩm bị rút bớt, đong quá vơi như vậy là không thỏa đáng, thiếu tin tưởng, anh quyết tâm đi về, không mua nữa.
Giá vẫn tịnh tiến
Mặc dù các siêu thị ra sức đưa các thông tin về giá các mặt hàng đang chững lại, khuyến mại giảm giá được đưa ra liên tiếp; tại các chợ dân sinh, giá nhiều loại nông sản thực phẩm theo thời vụ đang khá bình ổn. Tuy nhiên cảm quan của người nội trợ cho thấy, mặt bằng giá vẫn đứng ở mức cao, nhiều mặt hàng thiết yếu giá vẫn tịnh tiến đi lên.
Chị Bích Ngọc ở 105 Láng Hạ, Hà Nội chia sẻ, giá cả vẫn đắt, không có chuyện giảm. Ví dụ trước kia một vỉ sữa TH true milk 180ml/hộp, phổ biến giá 26.000 đồng, nay đã lên 30.000 đồng, thịt thăn bò trước chưa đến 20.000 đồng/lạng thì nay khi cần, chị vẫn phải mua mức 20-21.000 đồng/lạng.
Ở lĩnh vực thời trang, giá cả leo thang qua mỗi năm mà không thấy điểm dừng. Bác Hoàng Vân ở Đặng Tiến Đông – Đống Đa – Hà Nội cho biết, vào cửa hàng giày dép giá cũng ngót nghét 1 – 2 triệu đồng/đôi. Trượt giá thấy rõ khi mặt bằng giá cách đây 1-2 năm về trước. Những chi phí thuê nhân viên, làm hình ảnh, thuê mặt bằng và lợi nhuận cao… khiến hàng thời trang có thương hiệu một chút không bao giờ có chuyện đứng giá” – bác nhận xét.
Lĩnh vực dịch vụ, nhất là những dịch vụ gắn liền với vỉa hè càng không có chuyện giảm giá. Anh Trần Duy – ở Trần Phú – Hà Đông- Hà Nội than thở, từ hàng ăn đến đến bơm vá, rửa xe máy không thấy cái gì rẻ. Chỉ đơn cử giá rửa xe máy vẫn 20-25.000 đồng/xe, vá xe thường 20.000 đồng, gửi xe nhiều nơi không ngại nhìn mặt khách mà hét đến 20.000 đồng/lượt.
“Nhiều thông tin như bán xôi kiếm, bán chè, trông xe, cắt tóc, bám gốc cây tại Hà Nội kiếm được hàng chục đến cả trăm triệu đồng/ngày, nuôi con ăn học nước ngoài, xây nhà to… Kinh tế có khó khăn hay tốt lên thì cũng rất khó trông chờ các dịch vụ này giảm giá” – Anh Duy nói.
Muốn mua sắm vì nhu cầu sử dụng nhiều nhưng mặt bằng giá cao quá là một lý do khiến người tiêu dùng vẫn ngại chi tiêu mua sắm. Nhiều người dân khi được hỏi cho rằng, giá cả phải chăng sẽ kích thích họ tiêu dùng nhiều hơn. Song vì nhiều lý do khác nhau, mặc dù hàng tồn đọng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vượt qua sĩ diện, mà chủ yếu chọn cách đi đường vòng bán hàng. Kèm theo đó là thái độ mập mờ, thiếu minh bạch, chộp giật vẫn diễn ra đây đó làm người tiêu dùng dè chừng, mất niềm tin.
Tình trạng diễn ra ngay cả với lĩnh vực vận chuyển – gắn trực tiếp với giá xăng dầu hạ. Vũ Huệ – sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, 2 tuần trước, bắt xe từ Vĩnh Yên xuống Hà Nội, bình thường giá chỉ 40.000 đồng/lượt nhưng hôm ấy nhà xe quát đến 50.000 đồng.
Thành Dũng
Theo VEF
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông