Làn sóng tăng vốn điều lệ tiếp tục nóng lên khi xu hướng M&A trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng dự báo sẽ còn sôi động.
Không chỉ ngân hàng nhỏ, các nhà băng lớn cũng không đứng ngoài cuộc, dù vốn điều lệ đã đạt cả chục nghìn tỷ đồng…Nhưng dự kiến là một chuyện, kế hoạch có thành hay không thì lại ngoài tầm với của nhiều ngân hàng.
Trong kế hoạch hành động năm nay, hầu như không ngân hàng nào bỏ sót nội dung tăng vốn điều lệ, với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi NHNN đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành và làn sóng hợp nhất, sáp nhập ở lĩnh vực này đang khá nóng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu năm nay của các ngân hàng chủ yếu được dời lại từ năm trước, vì năm 2011 các đơn vị này không thể tăng vốn do TTCK suy giảm và cổ phiếu ngân hàng giảm sức hấp dẫn.
HDBank cho biết, đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong ngày 21/6. Với đợt tăng vốn lần này, HDBank sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính, đầu tư về công nghệ, cơ sở vật chất, nâng cấp các điểm giao dịch, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh và nguồn vốn cho vay.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nói trên của HDBank đã được Ngân hàng xây dựng từ năm trước và cổ đông HDBank thông qua trong kỳ đại hội thường niên năm 2011. Nhưng đến gần hết tháng 6/2012, nhà băng này mới hoàn thành được kế hoạch phát hành cổ phiếu như kế hoạch vạch ra.
SaigonBank cũng đang tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng trong năm 2012, từ mức 2.460 tỷ đồng hiện nay. Đây cũng là kế hoạch được ngân hàng này xây dựng trong năm 2011, nhưng đã không thực hiện được. Nguyên nhân chính là do diễn biến thị trường trong hơn nửa đầu năm nay còn khó khăn hơn cả năm trước, đồng thời theo nhiều dự báo thì những thách thức đối với ngành sẽ chưa giảm trong những tháng còn lại của năm. Chính sách tiền tệ dù dần được nới lỏng, nhưng rất khó tác động tích cực đến TTCK như trước đây. Từ đó, giá cổ phiếu ngân hàng khó khởi sắc nên không thể thu hút các nhà đầu tư, dù giá phát hành hầu hết đều chỉ bằng mệnh giá.
ĐHCĐ VietABank cuối tháng 5/2012 đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước. Cụ thể, VietA Bank sẽ phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu để phân phối nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3,49%; đồng thời chào bán cho cổ đông cũ trên 30,9 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ phân phối 10:1, giá phát hành 10.000 đồng/CP và phát hành hơn 148,3 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước với giá khởi điểm từ 10.000 đồng/CP. Thế nhưng, việc thoái vốn của cổ đông lớn SJC khỏi VietABank chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn nói trên của Ngân hàng.
Để trấn an các cổ đông trước thông tin thoái vốn của cổ đông lớn, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietA Bank cho biết, Ngân hàng đã nhận được công văn đề nghị thoái vốn của SJC, song đến nay việc thoái vốn chưa được thực hiện, SJC vẫn là cổ đông của Ngân hàng.
HĐQT OCB đưa ra kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012 so với mức 3.400 tỷ đồng hiện tại. Tại ĐHCĐ năm 2012 vừa mới diễn ra, Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, trước bối cảnh thị trường hiện nay, Ngân hàng cần tăng vốn để đảm bảo năng lực tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn theo mục tiêu tái cấu trúc hệ thống NHTM của NHNN. Mặt khác, theo ông Tuấn, OCB cần tăng vốn để gia tăng tiềm lực, tạo ra bước phát triển mới cho Ngân hàng, phát triển mạng lưới và hạ tầng…
Dự định tăng vốn trên của OCB cũng đã được xây dựng trong năm trước, nhưng chỉ hoàn thành được 88,7% kế hoạch đề ra (3.400 tỷ đồng). Theo OCB, sở dĩ chưa thực hiện được là do tình hình thị trường không thuận lợi, nên việc huy động vốn của các cổ đông hiện hữu gặp khó khăn. Trong năm nay, OCB khẳng định sẽ hoàn tất việc tăng vốn, song điều đó phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, giá cổ phiếu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng vẫn trong xu thế lình xình, thì việc phát hành thêm cổ phiếu của các nhà băng cũng khó có thể thu hút được cổ đông hiện hữu, dù ngân hàng đã đưa ra nhiều ưu đãi. Bởi với nhà băng nhỏ, nhất là với những ngân hàng yếu về năng lực quản trị và sức cạnh tranh trên thị trường, sẽ khó tránh được xu hướng bị thâu tóm, sáp nhập nếu không tranh thủ củng cố nội lực.
Mặt khác, lượng cổ phiếu phát hành thêm dự kiến của các nhà băng trong 2 quý cuối năm nay là rất lớn và theo đánh giá của lãnh đạo một CTCK thì cung áp đảo cầu là điều khó tránh. Vì thế, lên kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhưng chưa hẳn nhà băng nào cũng có thể thực thi. Đồng thời, ồ ạt tăng vốn sẽ gia tăng thêm áp lực về cổ tức, khi khả năng sinh lời trong hoạt động của các nhà băng nhỏ rất khó khăn.
Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị – Kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, để tăng sức đề kháng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc tăng vốn điều lệ là cần thiết. Tuy nhiên, việc các ngân hàng chạy đua tăng vốn cấp tập trong một giai đoạn ngắn thì lại lợi bất cập hại. Đáng chú ý là trước diễn biến thị trường còn nhiều thách thức trong năm nay và cả năm tới, khả năng sinh lời của đồng vốn tăng thêm sẽ rất khó, tạo áp lực không nhỏ cho những ngân hàng tăng vốn quá nhanh.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, với các nhà băng yếu kém, nếu không tìm một nhà băng lớn để tự nguyện hợp nhất thì chắc chắn cũng sẽ bắt buộc phải sáp nhập. Do vậy, theo ông Nghĩa, việc củng cố nội lực, trong đó có việc tăng vốn là cần thiết, nhưng việc kiện toàn quản trị rủi ro còn cấp thiết hơn.
Phạm Việt Phương
Theo VEF
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông