Kiến thức Tài chính kế toán Tránh vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm...

Tránh vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp”

616
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThận trọng trong đánh giá về hiện tượng lạm phát thấp của năm nay, ông Trần Xuân Giá – nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định cần có những giải pháp dài hạn để tránh lặp lại chu kỳ lạm phát cao vào năm sau.

Dự báo lạm phát năm nay xấp xỉ 5%

Chỉ số giá đã có mức tăng rất thấp trong 5 tháng đầu năm và CPI tháng 6 ghi nhận mức giảm “hiếm hoi” trong nhiều tháng qua. Theo ông, đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

Lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điều đáng ghi nhận là CPI đã giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng trước CPI tháng 6 âm 0,26%, là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua và tháng đầu tiên giảm phát sau 40 tháng tăng liên tục. So với tháng 12 năm 2011, CPI tháng 6 năm 2012 chỉ 2,52%, là một trong rất ít năm có mức CPI 6 tháng đầu năm khá thấp kể từ năm 1993 đến nay. 
Căn cứ tình hình 6 tháng qua và những gì đang diễn ra đã có cơ sở để dự báo tốc độ lạm phát cả năm 2012, chỉ khoảng xấp xỉ 5%. Nếu kịch bản này xảy ra thì về hình thức, mục tiêu chính sách về kiềm chế lạm phát năm 2012 đã thành công (định hướng chính sách CPI ở mức 8-9%). Nói “hình thức” có ý muốn nói về con số thuần túy, còn về bản chất có được con số này có phải do tác động của các chính sách, giải pháp về kiềm chế lạm phát hay do nguyên nhân khác là chính thì cần phải cân nhắc kỹ thêm.

Theo nhận định của ông, xu thế giảm phát này sẽ tiếp diễn trong thời gian bao lâu nữa?

Kết quả đạt được có bền vững như mong muốn hay lạm phát cao có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào; liệu có phá được cái vòng luẩn quẩn: “Hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp” như vừa qua hay không… là điều phải đặc biệt quan tâm.
Theo số liệu thống kê, so với cuối năm trước, CPI năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 19,89% và năm 2009 chỉ 6,53%. Cũng so với cuối năm trước, năm 2010 CPI là 11,75%, năm 2011 là 18,13% và khả năng CPI năm 2012 khoảng 5%. Nếu kịch bản gần như chắc chắn này xảy ra thì đây là lần thứ hai trong vòng 6 năm liên tiếp lặp lại tình trạng hai năm có tốc độ lạm phát cao, một năm lạm phát thấp. Nhưng tính chung 5 năm từ 2007 đến hết năm 2011 lạm phát trên 13,%/năm. Còn nếu tính trong 6 năm từ 2007 đến hết năm 2012 lạm phát trên 12%/năm cũng vẫn là những con số cao. 
Điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng chúng ta mới thành công về kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn, chưa thành công ít nhất là trong trung hạn, chưa nói đến dài hạn. Điều này cũng đòi hỏi phải xem lại các chính sách, giải pháp về kiềm chế lạm phát đã thực hiện từ năm 2007 đến nay để không thỏa mãn với kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012, để có cách nhìn khác về nguyên nhân gây ra lạm phát và giải pháp thích hợp chống lại nó.

Mới chỉ chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế…

Chống lạm phát” đã là khẩu hiệu quen thuộc trong các văn bản của các ban ngành, hiệu quả của chủ trương này có phù hợp với nỗ lực của cơ quan chức năng không, thưa ông?

Điều đáng quan tâm là cho đến nay, chúng ta mới chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế, ngắn hạn, tập trung vào các giải pháp liên quan đến tiền tệ. Các giải pháp cơ bản hơn như tái cơ cấu quản trị, điều hành; tái cấu trúc kinh tế; các giải pháp thị trường… hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. 
Kinh nghiệm lịch sử của nước ta cho hay, việc phải áp dụng các giải pháp tình thế, nặng về hành chính là cần thiết, nhưng tác dụng của nó là có giới hạn và nhất thời. Đã có căn cứ để khẳng định rằng CPI 6 tháng đầu năm 2012 tăng chậm lại, thậm chí có biểu hiện giảm phát, nếu xét riêng tháng 6 còn khá bấp bênh. Bởi lẽ, có con số “đẹp” này là do tình trạng suy giảm kinh tế đưa lại là chính (sức tiêu dùng giảm mạnh, nhất là tiêu dùng cho sản xuất….). 
Do đó, nếu không có những giải pháp cơ bản hơn thì lạm phát năm 2012, như trình bày trên đây, có thể rất thấp, nhưng năm 2013, và có thể cả năm sau đó nữa lạm phát cao sẽ bùng phát trở lại và biết đâu chu kỳ 3 kể từ năm 2007 của vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp” lại lập lại.

Cần cứu hệ thống doanh nghiệp

Như vậy, các nhóm giải pháp cần thực hiện để tránh vòng luẩn quẩn này là gì, thưa ông?

Ngay từ bây giờ cần thực hiện song song hai nhóm giải pháp chính.
Nhóm giải pháp thứ nhất. Kiềm chế, nhưng tốt hơn là chặn đứng đà suy giảm sâu hơn của nền kinh tế. Cần coi đó là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Bởi lẽ, chặn đứng được đà suy giảm kinh tế sâu hơn và từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế bền vững là điều kiện quan trọng nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được tốc độ lạm phát sao cho tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và trên nền đó từng bước thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an sinh xã hội một cách thực chất. 
Đồng thời, cần thống nhất quan điểm tăng trưởng nóng gây ra lạm phát, nhưng lịch sử kinh tế của nước ta cũng cho thấy tăng trưởng nguội lạnh cũng gây ra lạm phát rất cao và khắc phục nó cũng vô cùng khó khăn.
Để làm được điều trên đây cần phải chặn đứng đà suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư thì việc không những không tăng mà còn giảm vốn đầu tư toàn xã hội là nhân tố quan trọng nhất quyết định đà suy giảm kinh tế. 
Đây là điều phải đặc biệt quan tâm không chỉ cho năm 2012 mà còn những năm sau. Đương nhiên, đầu tư phải có hiệu quả, nếu đầu tư không hiệu quả sẽ làm cho kinh tế vĩ mô rơi vào mất cân đối nghiêm trọng hơn, lạm phát cao hơn như đã xảy ra. Do đó tăng vốn đầu tư toàn xã hội phải đặt trong tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công.
Mặt khác, cần cứu hệ thống doanh nghiệp. Đừng để tình trạng doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản hàng loạt; giảm số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Phải thống nhất quan niệm rằng cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế hay để cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ, quyết liệt và nhất là kịp thời. Cứu doanh nghiệp trước mắt, không tạo ra khó khăn cho quá trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mà phải là một bước của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, hơn lúc nào hết Nhà nước phải ra tay hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp không phân biệt lớn, bé – nhà nước, ngoài nhà nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý cả hai đầu: Đầu vào và đầu ra. Đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm. 
Đầu vào Nhà nước hỗ trợ trên ba mặt: phí-thuế-lãi suất. Về phí, cần thống kê đầy đủ, có bao nhiêu loại phí, trực tiếp và gián tiếp mà hiện nay doanh nghiệp và người dân phải nộp. Trên cơ sở đó làm ba việc: xóa những loại phí lỗi thời, không còn phù hợp; miễn, giảm có thời hạn một số loại phí nào đó thấy là cao, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân; Hoãn thi hành những loại phí đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành.
Về thuế, cần cắt giảm thuế suất đối với một số loại thuế, miễn, giảm với thời hạn dài hơn… như Nhà nước đã có quyết định, nhưng phải làm khẩn trương hơn, kịp thời hơn.
Về lãi suất, việc hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh phí và thuế, thực chất là nhà nước dùng thuế của dân để hỗ trợ doanh nghiệp vào những lúc khó khăn và việc hỗ trợ này được thực hiện qua các lệnh hành chính. 
Trong khi đó, hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh lãi suất, thực chất các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, bởi lẽ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Vì vậy công cụ lãi suất được thực hiện bằng vận động, thuyết phục là chính. Lãi suất luôn là vấn đề quan trọng, nhưng vướng mắc chính hiện nay không phải chủ yếu ở lãi suất cao hay thấp, mà là vấn đề doanh nghiệp có đến được với ngân hàng hay không. Ngân hàng không cho vay được, chứ không phải không được cho vay. Hiện nay, các ngân hàng không lo vượt chỉ tiêu cho vay, ngược lại đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép mà không thực hiện được. 
Vì vậy, cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp đến được với ngân hàng là quan trọng nhất. Làm sao cho doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay được vốn. Xử lý nợ xấu cho cả hệ thống doanh nghiệp là vượt tầm của từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng, cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt của nhà nước.
Về nhóm giải pháp thứ hai, ngay từ bây giờ, trong khi tiếp tục thực hiện các giải pháp tình thế, cần phải quyết liệt, nhất quán, chủ động thực hiện các giải pháp cơ bản để chủ động chống lạm phát. 
Đó là các giải pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh tranh của cả nền kinh tế cũng như từng ngành, từng lĩnh vực. Và đặc biệt từng doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại sản xuất kinh doanh của chính mình để nâng cao năng suất lao động, hạ được chi phí, tăng sức cạnh tranh, không ai có thể làm thay được. 
Khác với nhiều năm trước, lần này hướng đi, biện pháp của việc nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế đã khá rõ. Tái cấu trúc nền kinh tế, các khu vực, lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu, các giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu mang tính chất cải cách này đã được vạch ra. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Lê Hường

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không