Lượng vốn giải ngân theo chương trình lãi suất chỉ 7%/năm của Eximbank tăng mạnh, bất chấp những hoài nghi.
Như chúng tôi đưa tin cuối tuần qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa triển khai chương trình cho vay VND tham chiếu theo tỷ giá USD/VND.
Cá nhân, doanh nghiệp tham gia chương trình được vay VND với lãi suất 7%/năm, đi kèm với đó là thỏa thuận: nếu tỷ giá USD/VND trong kỳ vay tăng dưới 3%, doanh nghiệp bù đắp phần tăng đó cho ngân hàng; nếu cao hơn, Eximbank sẽ chịu phần tỷ giá tăng trên mức 3% đó. Các khoản vay là ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2012, tức tối đa chỉ 6 tháng.
Có được lãi suất trên cùng cơ chế thỏa thuận về tỷ giá đi kèm là do Eximbank thực hiện chuyển đổi vốn ngoại tệ để cho vay.
Vốn giải ngân tăng nhanh
Ngay sau thông tin trên, thị trường xuất hiện một số ý kiến hoài nghi, dè chừng tính hiệu quả của chương trình này, thậm chí cả những ý kiến phản bác về sự “lách luật” của ngân hàng, hay giá trị doanh nghiệp vay vốn là khó được như thực tế giới thiệu, trong khi ngân hàng hưởng lợi vì chuyển đổi vốn…
Nguyên do, mức lãi suất cho vay VND nói trên chỉ 7%/năm, quá thấp so với các mức phổ biến từ 12% – 17%/năm mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng, thấp hơn cả mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.
Hơn nữa, một số ý kiến cho rằng với sự tham chiếu biến động tỷ giá USD/VND, rủi ro đối với khách hàng là cần đề phòng, bởi nếu tỷ giá từ nay đến cuối năm tăng 3% thì lãi suất họ phải thực trả lên đến 13,5%/năm; thậm chí có ý kiến còn cảnh báo ở mức tăng tới 9,3% của tỷ giá từng xảy ra hồi tháng 2/2011.
Bên cạnh đó, có ý kiến khác nhìn nhận đây là một hình thức lách cho vay ngoại tệ, gây áp lực đối với tỷ giá trong tương lai…
Song thực tế cũng đang cho câu trả lời bước đầu. Trước những thông tin phản biện trên, cuối chiều 27/6, Eximbank đã công bố cụ thể dữ liệu triển khai chương trình.
Thông tin đưa ra trước đó cho biết, sau một tuần triển khai, lượng vốn giải ngân lãi suất 7%/năm nói trên là khoảng 1.200 tỷ đồng. Đầu tuần này con số cập nhật là gần 1.500 tỷ đồng. Đến hết ngày hôm nay (27/6), lượng vốn giải ngân đã tăng đột biến với 2.655 tỷ đồng, với 234 khách hàng (35 cá nhân, 199 doanh nghiệp).
Điểm đáng chú ý là, nếu như kỳ hạn vay dài hơn đồng nghĩa với khả năng có rủi ro tỷ giá lớn hơn, thì lượng khách vay kỳ hạn tối đa 6 tháng lại áp đảo. Có tới 1.743 tỷ đồng được giải ngân ở kỳ hạn vay 6 tháng, chiếm tỷ trọng tới 65,65%. Đây cũng là một phần của câu trả lời từ phần lớn người vay.
Còn lại, khách vay kỳ hạn ngắn 1 tháng là 606 tỷ đồng, chiếm 22,84%; 2 tháng là 43 tỷ đồng, chiếm 1,64%; 3 tháng là 120 tỷ đồng, chiếm 4,52%; 4 tháng là 126 tỷ đồng, chiếm 4,77%; 5 tháng là 15 tỷ đồng, chiếm 0,57%.
Ít nhất, trước mắt, với các khách hàng vay kỳ hạn 1 – 2 tháng, nhiều khả năng họ thực nhận được lãi suất vay chỉ 7%/năm, vì một sự đột biến của tỷ giá USD/VND khoảng 2% – 3% trong một vài tháng tới là khó xẩy ra.
Dự tính rủi ro tỷ giá USD/VND
Biến động tỷ giá USD/VND luôn khó đoán trong những năm gần đây. Nhưng, từ nửa sau năm 2011 đến nay là sự ổn định bền vững.
Cụ thể, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại trong gần một năm qua chỉ dao động phổ biến quanh mức 20.850 – 21.000 VND. Trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước cố định ở 20.828 VND từ cuối 2011 đến nay.
Ở các cân đối vĩ mô, như đề cập ở bài viết trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quý 1/2012, cán cân thanh toán thặng dư 5 tỷ USD, và lần đầu tiên sau nhiều năm thặng dư cả cán cân vốn và cán cân vãng lãi. Cơ quan này lạc quan khi dự báo trạng thái thặng dư đó sẽ tiếp tục có trong quý 2 này. Đây là yếu tố có sức ảnh hưởng lớn, và thuận lợi, đối với việc giữ ổn định tỷ giá.
Thứ hai, về yếu tố lãi suất. Sau loạt cắt giảm liên tiếp, lãi suất VND đã giảm rất mạnh và nhanh nhưng chưa thực sự tạo cú sốc về tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi liên tục cắt giảm, lãi suất sẽ được giữ ổn định từ nay đến cuối năm, theo đó sự ảnh hưởng của nó đối với tỷ giá ít nhất cũng đã được định hướng.
Thứ ba, nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường ngoại hối nếu có biến động tỷ giá đã được cải thiện rất đáng kể. Là dữ liệu hạn chế công bố, nhưng khi trao đổi về con số khoảng 20 tỷ USD mà VnEconomy dự tính, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết là “cao hơn nhiều”. Như vậy, có thể ước lượng rằng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở “vùng” cao nhất từ trước tới nay.
Liên quan đến dự trữ, có một điểm đáng ghi nhận là trong một thời gian tương đối dài, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã chặn được tình trạng chảy máu ngoại tệ do biến động từ thị trường vàng.
Thứ tư, về yếu tố tâm lý thị trường, lợi ích sẽ chi phối. Do chênh lệch lãi suất lớn, nắm và gửi VND được xem là có lợi hơn so với USD. Có nhiều góc nhìn khác nhau, song lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng trên 11% sau 4 tháng đầu năm một phần cho thấy niềm tin vào VND đang khẳng định.
Trở lại với chương trình của Eximbank, có ý kiến phản biện rằng tỷ giá USD/VND đến cuối năm chắc chắn sẽ tăng 3%. Tiếc rằng ý kiến đó trên báo chí không đưa ra các lập luận cụ thể để công chúng được tham khảo thêm.
Đi kèm với nhận định chắc chắn trên là lo ngại, Eximbank dùng ngoại tệ quy đổi sang VND, đến khi các khoản vay đáo hạn, cầu ngoại tệ đến lại gây áp lực cho tỷ giá.
Về lo ngại trên, như một bài viết trước đây trên VnEconomy, tín dụng ngoại tệ không hẳn là “tội đồ”, hay nguồn ngoại tệ qua chuyển đổi này không hẳn sẽ gây áp lực đối với tỷ giá. Nguồn ngoại tệ chảy vào dự trữ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là từ dòng vốn chuyển đổi, khi căng thẳng cung – cầu, nguồn chảy vào dự trữ sẽ trở lại thị trường để bình ổn.
Một thực tế để tham khảo là, cuối năm 2011 vừa qua, con ngáo ộp tín dụng ngoại tệ đã không lộ diện như một số cảnh báo đưa ra trước đó.
Cũng có ý kiến cho rằng tại sao Eximbank không cho vay thẳng bằng ngoại tệ mà phải vòng như vậy? Vì theo quy định hiện hành chỉ một số nhóm đối tượng doanh nghiệp được vay ngoại tệ, còn khi chuyển đổi sang cho vay VND, nhiều đối tượng khác sẽ được tiếp cận. Nếu xem chương trình đó là một cơ hội để có dòng vốn rẻ thì cơ hội được mở rộng cho nhiều đối tượng hơn.
Còn thực tế đang triển khai, sẽ có một phần trong số 2.655 tỷ đồng đã giải ngân nắm được lãi suất thấp; nếu rủi ro tối đa, lãi suất cao nhất là 13,5%/năm. Một phần, và có thể là một phần lớn, như vậy cũng là lợi ích cho người vay vốn lúc này.
Dĩ nhiên, lợi ích của ngân hàng trong cách làm này là rõ ràng. Qua chương trình, bên cạnh chênh lệch lãi suất từ vốn chuyển đổi, Eximbank sẽ tranh thủ lôi kéo được thêm khách. Sâu xa hơn, nếu khách hàng vay được lãi suất thấp thì sẽ góp phần giảm bớt áp lực rủi ro nợ xấu đối với ngân hàng.
Minh Đức
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông