Kiến thức Tài chính kế toán Cần tái cấu trúc đồng bộ “kiềng ba chân” của nền kinh...

Cần tái cấu trúc đồng bộ “kiềng ba chân” của nền kinh tế Việt Nam

213
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng mà ở đây là các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán chính là “đại phẫu” chiếc kiềng 3 chân tài chính kinh doanh. Bình thường 3 trung gian tài chính này đã hỗ trợ cho nhau rất mật thiết trong hoạt động, liên kết chuyên môn mang tính hệ thống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang liên tục đối mặt với những “cú sốc” thì cả hệ thống tài chính phải “tăng sức đề kháng” để có một năng lực tài chính đủ mạnh.

Ngân hàng Việt Nam đã “lâm bệnh” nặng

Để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán thành công cần xử lý 3 vấn đề lớn là tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức và hoạt động cùng với việc tái cơ cấu toàn bộ hệ thống giám sát. Song tùy thuộc vào từng hệ thống và từng trung gian tài chính để lựa chọn các giải pháp cụ thể cho việc tái cấu trúc.
Thực tế, việc tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã từng được tiến hành thành công vào những năm 1998-1999 với 20 ngân hàng chính thức bị đóng cửa hoặc bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, trong đó có 2 ngân hàng tự nguyện giải thể, 8 ngân hàng giải thể bắt buộc dưới sự giám sát của NHNN, 6 ngân hàng thực hiện sáp nhập vào ngân hàng khác.
Còn ở giai đoạn 1999-2007, có 17 ngân hàng cổ phần bị sáp nhập và giải thể. Để xử lý 17 ngân hàng này, NHNN đã sử dụng khoảng 1.500 tỷ đồng từ nguồn tiền cung ứng để đóng cửa một số ngân hàng và tái cấp vốn cho những ngân hàng thực hiện cơ cấu lại.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện thời ở Việt Nam chưa thực sự trầm trọng đến mức có thể coi là khủng hoảng bởi thực chất những dấu hiệu dẫn tới khủng hoảng đã bắt đầu được ngăn chặn bởi hàng loạt các quy định về khống chế tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán, khống chế tỷ lệ cho vay bất động sản, khống chế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nóng, khống chế tỷ lệ cho vay tính trên số dư huy động…đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn đổ vỡ tín dụng.
Trái ngược với quan điểm trên, theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi thì hệ thống ngân hàng (NH) của Việt Nam hiện nay đã lâm bệnh nặng, gây bất an cho xã hội và người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng. Chính vì thế, nói là tái cấu trúc thì chưa thể phản ánh hết những khó khăn, yếu kém của hệ thống NH Việt Nam hiện nay.
Chưa khi nào, việc điều trị những khiếm khuyết của hệ thống NH lại trở nên cấp bách và có được sự đồng thuận cao như ở thời điểm cuối năm 2011. Sở dĩ có điều đó bởi bên cạnh những NH “khỏe mạnh”, khẳng định được thương hiệu thì một số NH yếu kém với nhiều biểu hiện gây bất an cho xã hội. Điển hình là từ đầu năm 2010, các NH, đặc biệt là các NH nhỏ thiếu thanh khoản đã đua nhau tăng lãi suất, khuyến mại thậm chí mặc cả với khách hàng để huy động cho được tiền gửi từ dân cư. Theo đó, lãi suất huy động thỏa thuận đã có lúc lên tới 18-19%. Cho đến khi NHNN ra tay “dẹp loạn” với việc áp trần lãi suất huy động là 14% thì các NH nhỏ mới thực sự “bần cùng”, phải cầu cứu các NH lớn trên thị trường liên NH và lập tức bị các đại gia NH “chém” với lãi suất có lúc lên tới 40%/năm kỳ hạn một tháng trong thời điểm tuần cuối tháng 10/2011 vừa qua. Mặc dù vậy, các NH nhỏ vẫn phải chấp nhận phạt trả chậm để giữ nguồn vốn vay liên ngân hàng nhằm cân đối nguồn vốn.
Thực tế thị trường liên ngân hàng là nơi giải quyết nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng. Trước đây thị trường liên ngân hàng chỉ là nơi giải quyết những thanh khoản ngắn hạn như qua đêm, 1 tuần, nửa tháng, tối đa là 1 – 2 tháng. Nhưng một vài năm gần đây đã biến tướng, có những khoản vay cả năm trời. Điều này không những cho thấy có thiếu hụt thanh khoản kéo dài trong hệ thống, mà còn khiến tiền nằm trong hệ thống ngân hàng mà không đi ra nền kinh tế phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh khoản kém do chứng khoán và bất động sản “bất động”

Theo thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng chỉ tính riêng đến hết tháng 8/2011 đã ở mức 3,21%, tương đương khoảng 75.000 tỷ đồng và toàn hệ thống có nguy cơ mất trắng 33.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng 66,18%, nhóm ngân hàng cổ phần tăng 44,3%, nhóm ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Đó là chưa tính đến một lượng lớn vốn của tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa được đánh giá và trích lập dự phòng đầy đủ đang tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đến nay, những dấu hiệu bất ổn đã ngày càng rõ nét với khả năng tăng vốn của nhiều ngân hàng để đạt mức tối thiểu không khả thi, các ngân hàng đua nhau mở chi nhánh phòng giao dịch, thành lập các công ty con để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và nhiều lĩnh vực rủi ro khác. Kéo theo đó, thanh khoản của nhiều ngân hàng bị rút kiệt khiến nợ xấu tăng cao và còn có nguy cơ tiếp tục tăng cao hơn nữa khi thị trường đang ngày càng xấu đi.
Đánh giá của NHNN cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an tòan và kiểm soát được, nhưng theo chuẩn quốc tế (Flitch&Rating) thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam lại lên tới 13% tổng dư nợ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nợ tín dụng bất động sản chiếm 10% tổng dư nợ, tương đương 245.000 tỷ đồng và thực tế còn cao hơn vì có nhiều khoản tín dụng tiêu dùng cũng được “đổ” vào kênh đầu tư này.
Đây là tỷ lệ khá cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan là 6%, Malaysia là 7%. Hiện tỷ lệ nợ xấu bất động sản trên tổng nợ xấu vào khoảng 8,3%, trong đó 50% là nợ nhóm 5, một số ngân hàng cổ phần có tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản lên tới 30-40%, cá biệt có ngân hàng là trên 50%.
Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng: Sở dĩ có tình trạng trên là bởi trong suốt hơn 3 năm qua, các ngân hàng thương mại và TCTD đã không chủ động giới hạn cho vay vào các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như cho vay kinh doanh bất động sản, đầu tư chứng khoán,… trong khi vẫn phải tiếp tục phải thực hiện mục tiêu tăng vốn với tốc độ cao.
Cùng với đó, cuộc canh tranh đua nhau mở chi nhánh, phòng giao dịch trong khi năng lực quản lý điều hành không được cải thiện. Không chỉ có vậy, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ, cổ đông chính, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập và cổ đông đóng vai trò chi phối phải tìm cách “xoay tiền”, nhiều người còn tìm cách cho vay và đi vay chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, với tài sản đảm bảo tiền vay chủ yếu là bất động sản, bởi trong số nhiều thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại cổ phần cũng chính là những nhà kinh doanh bất động sản tầm cỡ.
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại lại chính là các công ty “sân sau” của chính thành viên hội đồng quản trị ngân hàng thương mại đó, trong đó, không ít công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Năm 2012 chính sách tiền tệ sẽ vẫn chặt chẽ và hàng loạt các dự án BĐS ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đang thi công sẽ không thể tiếp tục, ngay những dự án sẽ hoàn thành trong năm sau cũng rất khó bán và thị trường BĐS sẽ tiếp tục “bất động” khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng, số tiền có khả năng mất trắng của hệ thống NH còn có thể cao hơn nữa.
Có thể nói, quản trị yếu kém dẫn đến những nguy cơ về thanh khoản, huy động với lãi suất “ngất ngưởng” nên buộc các NH phải cho vay vào những dự án rủi ro cao dẫn tới nguy cơ mất vốn, nợ xấu tăng.
Cũng cần khẳng định rằng ngoại trừ một vài NH lớn, đa số các NH sống nhờ vào tín dụng truyền thống, còn các sản phẩm, dịch vụ NH rất nghèo nàn. Nguồn thu dịch vụ ít, tín dụng truyền thống thì lại tập trung cho vay vào những dự án có độ rủi ro cao cũng khiến nợ xấu của các NH thêm khó khăn. Bên cạnh đó, về mặt nào đó, có thể thấy từ những yếu kém và bất ổn trên thị trường chính thức đã khiến thị trường tín dụng đen phát triển với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Cùng với tài chính, chứng khoán, bất động sản…bảo hiểm cũng đang phải đối mặt với khó khăn khi mà những năm gần đây, mặc dù doanh thu về kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mạnh song kết quả kinh doanh lại có chiều hướng xấu, đặc biệt là ở nhóm các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi kinh doanh nghiệp vụ có chiều hướng xấu thì rủi thay hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn do môi trường đầu tư bất lợi. Với hoàn cảnh này, hoạt động đầu tư khó có thể làm tròn vai trò “hậu thuẫn” cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm nữa. Biểu hiện rõ nét nhất là thị trường chứng khoán giảm sâu liên tục, kinh doanh bất động sản đóng băng, nợ xấu tăng ảnh hưởng rất lớn đến tài sản đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Chính vì thế, đại phẫu hệ thống Ngân hàng – Bảo hiểm – Chứng khoán là điều chắc chắn phải làm.

Tái cấu trúc đồng bộ

Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/10/2011, số lượng NH ở Việt Nam là quá nhiều so với tiềm lực kinh tế thể hiện qua GDP. Đây là điều vô lý bởi nhiều NH được hình thành từ những tập đoàn kinh tế và trong nhiều trường hợp là để thu hút vốn phục vụ cho chính tập đoàn đó, hoàn toàn trái với nguyên tắc kinh doanh ngân hàng là dùng tiền huy động được để cho người khác vay.
Do vậy, khi tái cơ cấu nên ưu tiên loại bỏ những ngân hàng nhỏ và yếu kém, những ngân hàng hình thành từ các tập đoàn kinh tế, sáp nhập, hợp nhất những NH nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả. Theo đó, sau tái cơ cấu nên có khoảng 15 ngân hàng được chia làm 3 bậc: 4 ngân hàng đầu đàn với vốn quy định là 3 tỷ USD và khi tái cơ cấu xong phải có tối thiểu là 2 tỷ USD; 6 ngân hàng hạng trung có mức vốn tối thiểu là 1 tỷ USD; cuối cùng, 5 ngân hàng nhỏ còn lại có mức vốn tối thiểu là 500 triệu USD.
Cũng cần phải khẳng định, không phải vì Việt Nam hiện có quá nhiều ngân hàng nhỏ mà đặt ra nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Minh chứng cho điều này, PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng cho biết, một số quốc gia duy trì hệ thông ngân hàng lớn như Đài Loan có gần 100 ngân hàng/20 triệu dân, Indonesia có 121 ngân hàng, hoặc như Mỹ là 6.413 ngân hàng.
Nếu căn cứ về quy mô tổng tài sản, thì ngay cả ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam cũng không hề thua kém ngân hàng trung bình của Mỹ. Thống kê cho thấy, Mỹ có đến 35% ngân hàng có tổng tài sản dưới 100 triệu USD (dưới 2.100 tỷ đồng), chưa vượt qua 1/3 tổng tài sản của ngân hàng có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam.
Ngay cả nhóm ngân hàng có tổng tài sản từ 100 triệu USD đến 1 tỷ USD ( từ 2.100 tỷ đến 21.000 tỷ đồng) – chiếm 56,6 tổng số ngân hàng của Mỹ – cũng chỉ có tổng tài sản trung bình là 6.035 tỷ đồng, thấp hơn ngân hàng có tổng tài sản nhỏ nhất Việt Nam.
Nói cách khác, trên cả 3 tiêu chí vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản thì các ngân hàng Việt Nam không hề nhỏ so với mặt bằng chung của các ngân hàng Mỹ.
Về vấn đề này, theo TS.Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội thì lại nên giảm số lượng ngân hàng quá nhỏ bởi trên thế giới có 2 xu hướng ngân hàng: hoặc quá lớn không thể đổ vỡ, hoặc là quá nhỏ, cần phải chuẩn hóa. Vì thế, không nên đặt ra mục tiêu mà phải tạo ra các thực thể mạnh mới là quan trọng, nên tạo các “sân chơi”chuẩn mực riêng cho 2 nhóm ngân hàng này.
Mặt khác, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của một số ngân hàng không đạt chuẩn, trong đó có cả những ngân hàng lớn; tiêu chí phân loại nợ chưa sát với chuẩn mực quốc tế…Vì vậy, đây là thời điểm không thể chậm hơn nữa để có thể tái cấu trúc toàn bộ hệ thống ngân hàng tài chính. Trong đó, giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại trước hết phải là chấn chỉnh lại công tác quản trị điều hành của từng ngân hàng thương mại. Đặc biệt, không đầu tư quá nhiều vốn vào các lĩnh vực rủi ro, như chứng khoán, bất động sản…
“Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động ban hành các quy định, đừng để tình trạng cho vay kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản đã quá lớn, rủi ro cao… thì mới ban hành.” – PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.
Thực tế, hệ thống ngân hàng nhạy cảm và có khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế, do đó, tái cấu trúc hệ thống này cần được làm thận trọng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta tiến hành một cách vội vàng trước khi xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh. Kế hoạch tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng phải được coi là một chương trình trung hạn. Vì thế cần có một lộ trình thận trọng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nước, không nên rập khuôn, nóng vội, duy ý chí.
Điều quan trọng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không thể tách rời với tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp bởi chính những yếu kém của hệ thống doanh nghiệp là tác nhân chủ yếu đem đến những khoản nợ xấu, nợ quá hạn và tạo ră căng thẳng về thanh khoản cũng như hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tài chính. Mặc dù vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đặt hàng ưu tiên cao hơn bởi chính hệ thống ngân hàng sẽ thiết lập những bộ tiêu chí chặt chẽ thận trọng hơn trong việc thẩm định các dự án và các khoản vay, làm cơ sở cho việc lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải thiết lập được một bộ tiêu chí rõ ràng để có thể phân loại được các tổ chức tài chính ngân hàng cần phải tái cơ cấu, những ngân hàng tổ chức tài chính cần được củng cố, những ngân hàng, tổ chức tài chính nào cần phải loại bỏ. Đây là việc làm khó nhưng lại tối quan trọng bởi nếu làm không khéo sẽ bị lái theo những ý đồ chính trị cá nhân hoặc bị tác động bởi lợi ích nhóm khiến cho quá trình tái cơ cấu ít có cơ hội thành công.
Một thực tế đặt ra là lấy tiền ở đâu để tái cấu trúc bởi số tiền cần có cho lần tái cấu trúc tới đây chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều và nếu dùng tiền từ ngân sách nhà nước thì sẽ rất khó khăn bởi ngân sách đã “thâm thủng” quá lớn. Còn nếu dùng tiền từ nhà máy in tiền quốc gia thì sẽ đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ, làm thổi bùng thêm “ngọn lửa” lạm phát. Trong trường hợp này hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) được coi như một giải pháp cứu cánh cho sự sống còn và tồn tại của các ngân hàng thương mại.
Đặc điểm nổi bật của các thương vụ M&A trong trong giai đoạn trước 2004 là bắt buộc để khác phục hậu quả kinh doanh yếu kém của các NH liên quan chứ chưa hẳn dựa trên tinh thần tự nguyện với một chiến lược để tạo ra những NH quy mô vốn lớn nhằm tăng năng lực cạnh tranh.
Khác với xu hướng M&A giai đoạn trước, hoạt động M&A trong giai đoạn này mang tính tự nguyện và có tính chiến lược trước yêu cầu “đổi mới mình” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Bằng cách hợp tác với các ngân hàng thương mại nước ngoài trong việc trao đổi, mua bán cổ phần và trở thành các cổ đông chiến lược, các ngân hàng thương mạiCP trong nước đã tận dụng được công nghệ và trình độ quản lý hiện đại với chi phí thấp.
Hiện nay, các giao dịch M&A trong ngành ngân hàng chủ yếu là các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài mua lại từ 10-20% cổ phần của ngân hàng Việt Nam. Điển hình là IFC mua 10% sở hữu của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Standard Chartered Plc mua 15% sở hữu của Ngân hàng Á Châu ACB, hay đỉnh điểm là Societe Generale, Maybank, HSBC Holdings Plc lần lượt mua lại 20% sở hữu của các ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng An Bình (ABBank) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Mới đây nhất, cuộc hợp nhất giữa các Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (VNTN Bank), Ngân hàng Đệ Nhất (Ficom Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sau hợp nhất là gần 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản trên 150.000 tỷ đồng và trên 200 đơn vị, chi nhánh, phòng giao dịch…được coi là rất đúng thời điểm.
Điều đáng nói là cả 3 ngân hàng trên, trước khi hợp nhất, đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản tạm thời. Sự tự nguyện hợp nhất với sự hỗ trợ thanh khoản của BIDV đã khiến điều lo ngại nhất, đó là khách hàng hoang mang, rút tiền hàng loạt gây bất ổn không chỉ với chính các ngân hàng đó, mà còn có thể ‘lây lan’ cho toàn hệ thống ngân hàng, đã không xảy ra.
Tới đây, theo Dự thảo Thông tư về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý, việc các nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 30% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam dự đoán sẽ khiến thị trường M&A trở nên sôi động với giá trị lớn hơn bao giờ hết.
Một số ý kiến cho rằng nên cho nước ngoài chi phối các ngân hàng tại Việt Nam để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng cần tránh xu hướng sính ngoại trong quá trình tái cấu trúc bởi thị trường tài chính – ngân hàng của Việt Nam đã được coi là quá mở so với một số nước và không nên coi các ngân hàng nước ngoài là cứu cánh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro bị nước ngoài chi phối ngành này của nước ta.
Cần khẳng định lại, M&A là một trong những biện pháp có thể được sử dụng trong chiến lược tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đây là biện pháp duy nhất có tính tối ưu để tăng năng lực hoạt động cho các ngân hàng thương mạiCP. Tái cơ cấu ngân hàng thành công đòi hỏi cần phải có một hệ thống các biện pháp đồng bộ như rà soát lại nợ xấu để có những biện pháp xử lý thích hợp; xắp xếp lại cơ cấu tổ chức để bộ máy hoạt động không quá cồng kềnh làm tăng chi phí hoạt động; xu hướng đa năng hóa hoạt động cần phải phù hợp với năng lực tài chính cũng như khả năng quản trị của ngân hàng; tăng cường cơ chế giám sát nội bộ và năng lực quản trị ngân hàng…
 Thu Hương

Theo eFinance

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không