Kiến thức Tài chính kế toán Gỡ nút thắt vốn trong mô hình tổ hợp tác

Gỡ nút thắt vốn trong mô hình tổ hợp tác

110
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDo không có tư cách pháp nhân nên các tổ hợp tác không thể vay vốn (đặc biệt là từ ngân hàng), không được tham gia đấu thầu, đăng ký kinh doanh, mua sắm tài sản chung với tư cách là tổ hợp tác mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động này với tư cách từng thành viên… Chính điều này, đã làm giảm nghiêm trọng hiệu quả hợp tác của tổ hợp tác.

Hình thức Tổ hợp tác năng động

Ông Nguyễn Minh Tú – Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao vai trò tổ hợp tác: Trong những năm qua, từ khi các HTX kiểu cũ tan rã, loại hình tổ hợp tác (có nơi gọi là các nhóm sở thích) trong nông nghiệp nông thôn ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Chỉ trong thời gian ngắn – 10 năm, tổ hợp tác đã phát triển một cách bùng nổ. Năm 2000, cả nước mới chỉ có xấp xỉ 150.000 tổ hợp tác, nhưng đến năm 2011, theo con số thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, con số này đã tăng tới 369.000 tổ, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, hình thức tổ hợp tác khá năng động và thích hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động kinh tế khác, nhất là ở nông thôn và trên lĩnh vực nông nghiệp. Đây là hình thức hợp tác dựa trên cơ sở tự nguyện của người tham gia và tôn trọng tính độc lập của thành viên.
Tại hội thảo “Phát triển tổ hợp tác Việt Nam” ngày 27/6, ông Phùng Quốc Chí- Vụ phó Vụ HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động của tổ hợp tác thường đúng với bản chất đích thực của hợp tác xã. Tuy nhiên, tổ hợp tác phát triển mạnh mẽ và lành mạnh hơn hợp tác xã. Tổ hợp tác chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như: trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống mới, kỹ thuật mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng quỹ tương trợ giúp nhau vốn sản xuất…
Như vậy, tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất; tăng sức cạnh tranh thị trường. Phát huy tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, nhiều tổ thực sự đã giúp tăng thu nhập cho các hộ thành viên thông qua hợp tác, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời còn là cầu nối giữa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội với người nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tổ hợp tác phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đất nước trong khi hầu như chưa được sự hỗ trợ đáng kể của Nhà nước.

Khó trong tiếp cận vốn

Cùng với Hợp tác xã, năm 2009, tổ hợp tác đã đóng góp 5,45%GDP Việt Nam. Tuy nhiên, con số này ngày càng có dấu hiệu giảm dần. Việc phát triển mô hình tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong thực tế hoạt động, vẫn mang tính tự phát, tổ chức thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo, không đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Bà Vũ Thị Thu Hương – Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, hiện nay, tổ hợp tác không được công nhận là một thực thể hợp pháp/ không có tư cách pháp nhân… nên nhìn chung tổ hợp tác gặp nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch kinh tế, trong việc tranh thủ các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng quan điểm trên, đại diện Tổ hợp tác tại Điện Biên – mô hình tổ hợp tác nhân giống Gà xương đen, cho biết, do chưa có tư cách pháp nhân nên việc giao dịch, ký kết các hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, tổ hợp tác đã bỏ lỡ cơ hội bán được rất nhiều giống cho các chương trình khuyến nông, hoặc các dự án của Ngân hàng Thế giới. Ngay cả tài khoản riêng, tổ hợp tác cũng không có, vì thế khi cung cấp hàng trị giá quá 5 triệu đồng, khách hàng yêu cầu phải chuyển khoản thì tổ hợp tác lại không có số tài khoản. Khi đấu thầu các chương trình khuyến nông của tỉnh để cung cấp giống thì bị loại ngay lập tức vì các chương trình của Nhà nước chỉ cho các đơn vị có tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu.
Không chỉ có vậy, tổ hợp tác cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Muốn mở rộng quy mô sản xuất thì lại không có tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng. Tổ hợp tác muốn vay thì chỉ vay dưới tư cách cá nhân hoặc hộ gia đình. Vay theo tư cách cá nhân thì không vay được nhiều tiền và không được vay với lãi suất ưu đãi. Đây cũng là một trong những khó khăn của các tổ hợp tác khi phát triển quy mô sản xuất.
“Như vậy, để có thể vận hành như một loại hình kinh tế chính thống, tổ hợp tác cần có con dấu được đăng ký với UBND cấp xã hoặc cấp huyện, vấn đề này rất phức tạp và có thể liên quan đến giá trị gia tăng – VAT”. – Chuyên gia quốc tế – ông Robert Mellor cho biết.
Ngoài ra, việc thiếu năng lực và kỹ năng, đặc biệt trong việc quản lý và kế hoạch kinh doanh, cũng là 1 trong những khó khăn gặp phải của tổ hợp tác gặp khi vận hành các văn bản luật, các điều khoản và hướng dẫn.
Như vậy, để thúc đẩy phát triển tổ hợp tác mạnh mẽ, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư – ông Đặng Huy Đông, cho biết, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ xây dựng đề án về phát triển các loại tổ hợp tác từ nay đến năm 2020 trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của kinh tế thành viên, nhu cầu và lợi ích chung của thành viên tổ hợp tác. Đặc biệt, sẽ xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, phát triển các tổ hợp tác trở thành những hạt nhân ban đầu hình thành những tổ chức kinh tế tập thể cao hơn.
T.Hương

Theo eFinance

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không