Kiến thức Tài chính kế toán Công minh khi xử lý nợ xấu ngân hàng

Công minh khi xử lý nợ xấu ngân hàng

172
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã công bố số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện là 10% tổng dư nợ, tương đương 280.000 tỷ đồng, gấp 3 lần số nợ cũ do Ngân hàng Nhà nước công bố. Có không ít ý kiến đồng tình với quan điểm ngân sách Nhà nước nên chi tiền để xử lý nợ xấu. Nhưng nhìn từ vị trí của người đóng thuế vào ngân sách, thì thấy hướng đi này có nhiều điều đáng lo ngại.
Chắc chắn phải xử lý nợ xấu, nhưng lấy tiền ở đâu để xử lý là chủ đề nóng mà giới chuyên gia kinh tế đang tranh luận. Có luồng ý kiến ủng hộ chi vài tỷ USD ngân sách ra xử lý nợ xấu. Thế nhưng, đa số người đóng thuế lại kịch liệt phản đối cách làm này. Vì trách nhiệm gây ra nợ xấu trước tiên thuộc về doanh nghiệp và ngân hàng. Không thể đồng tình với việc ngân hàng chỉ có một đồng, nhưng huy động tới vài chục đồng của xã hội, quản lý vốn yếu kém, rồi lại đổ cục nợ đó cho xã hội.
Xin nói rằng, nhiều đánh giá cho thấy có đến 2/3 nợ xấu hiện nay là do doanh nghiệp Nhà nước gây nên. Họ được ngân sách giao vốn lớn hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng quản lý vốn yếu kém, đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, thì không có lý gì lại chi tiền ngân sách ra mua cục nợ xấu khổng lồ đó, để họ thoát nợ, thoát trách nhiệm. Nói cách khác, không thể quýt làm, cam chịu.
Thêm nữa, nếu chi ngân sách xử lý nợ thì phải tính đến cơ chế vẫn khá phổ biến ở nước ta là cơ chế xin – cho. Các nhóm lợi ích có thể chi phối những đơn vị xét duyệt mua nợ để thoát nợ, thoát trách nhiệm. Những người có trách nhiệm xét duyệt có thể ham lợi, vi phạm đạo đức, ký duyệt mua những khoản nợ đáng lẽ ra không được mua. Cái gốc của nguy cơ này chính là bởi tiền chi ra mua nợ là tiền ngân sách, có mua nhầm nợ xấu cũng chẳng tội vạ gì.
Những quan điểm ủng hộ có thể dẫn kinh nghiệm chi ngân sách xử lý nợ xấu của Mỹ trong năm 2008. Tuy có một số thành công, nhưng hệ lụy của giải pháp này kéo dài đến hôm nay. Bởi một trong những lý do của phong trào Chiếm phố Wall tại Mỹ vừa rồi chính là việc người dân cảm thấy bất công khi ngân hàng hưởng lương cao, sử dụng vốn tràn lan, nay lại đổ gánh nặng nợ nần vào ngân sách. Và nếu làm theo cách này, theo một dự đoán, Việt Nam có thể phải mất đến 7 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là, liệu số tiền chi ra có phải chỉ 7 tỷ USD hay không, khi mà ngay Ngân hàng Nhà nước có thể cũng chưa nắm chắc chắn con số nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng. Soi vào kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, lúc đầu họ cũng chi ngân sách xử lý nợ xấu, nhưng rồi như muối bỏ bể. Cuối cùng, Nhật Bản đành quốc hữu hóa ngân hàng và để ngân hàng có nhiều nợ xấu tự sụp đổ. Có điều ở nước ta, chính việc chưa từng có ngân hàng nào bị phá sản, nên nhiều ngân hàng có tâm lý dựa dẫm vào Nhà nước. Vậy có nên chấp nhận cho phá sản như cách của Nhật Bản từng làm không?
Thật kịp thời khi tại Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII, ĐBQH đã đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về chuyện này. Và thật mừng khi câu trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là không ủng hộ quan điểm dùng ngân sách xử lý nợ xấu.
Thế nhưng sẽ xử lý nợ xấu bằng cách nào vẫn là bài toán khó khiến các bộ, ngành rối bời. Rất nhiều kế sách, giải pháp được đưa ra, trong đó, hướng nhận được sự ủng hộ nhất là phải thật nhanh chóng hình thành thị trường mua bán nợ, với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Chỉ có thị trường mới chọn lọc chính xác nhất khoản nợ nào nên mua, khoản nợ nào thì không. Có thể có nhiều khoản nợ xấu không ai mua, và điều đó làm ảnh hưởng tới an nguy của ngân hàng. Nhưng đó là trách nhiệm của ngân hàng, ngân hàng phải chấp nhận, kể cả phá sản.

Theo NĐB

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không