Kiến thức Tài chính kế toán Cách tính thuế TNCN và GTGT theo phương pháp khoán

Cách tính thuế TNCN và GTGT theo phương pháp khoán

459
Nộp thuế TNCN và thuế GTGT theo phương pháp khoán là phương pháp dành cho các hộ kinh doanh, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn hoặc không đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế. Dưới đây là hướng dẫn cách tính thuế GTGT và TNCN theo phương pháp khoán. 
 

1. Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

Theo Điều 38 Luật Quản lý thuế 2006 các trường hợp nộp thuế theo phương pháp khoán gồm:
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ;
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.
Theo Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ:
+ Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh.
+ Cá nhân cho thuê tài sản.
+ Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, cá nhân chỉ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN khi có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
 
cách tính thuế TNCN và GTGT theo phương pháp khoán
 

2. Cách tính thuế GTGT và TNCN theo phương pháp khoán

Điểm c khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC số thuế GTGT và thuế TNCN được xác định như sau:
Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT 
Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó,
Doanh thu tính thuế
  • Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
  • Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề…
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
  • Phân phối, cung cấp hàng hóa:
+ Tỷ lệ thuế GTGT là 1%;
+ Tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%.
 
  • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu:
+ Tỷ lệ thuế GTGT là 5%;
+ Tỷ lệ thuế TNCN là 2%.
 
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu:
+ Tỷ lệ thuế GTGT là 3%;
+ Tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%.
– Hoạt động kinh doanh khác:
+ Tỷ lệ thuế GTGT là 2%;
+ Tỷ lệ thuế TNCN là 1%.

Lưu ý:

  • Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
  • Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.

3. Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

 
  • Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.
  • Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.
  • Đối với doanh thu theo hóa đơn thì thời điểm xác định như sau:
– Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng nếu thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa.
– Đối với hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ nếu thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ.
– Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành.
 
Phần mềm kế toán MISA SME.NET thực hiện đầy đủ và chính xác các nghiệp vụ cần thiết và kịp thời theo đúng quy định và dễ dàng truy xuất nguồn gốc chứng từ chi tiết từ các sổ sách, báo cáo.
dùng thử phần mềm
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không