Kiến thức Tài chính kế toán Bình luận: Chưa thế khẳng định xuất hiện giảm phát nền kinh...

Bình luận: Chưa thế khẳng định xuất hiện giảm phát nền kinh tế

52
Trong tháng 6, CPI giảm ở mức âm (-)0,26% với nhiều ý kiến cho rằng đã xuất hiện giảm phát ở nước ta, đang là vấn đề được dư luận, các chuyên gia kinh tế hết sức quan tâm, xung quanh vấn đề này, Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thoả trả lời phỏng vấn. 

PV: CPI tháng 6 giảm ở mức âm (-)0,26% nói lên điều gì và đây là điều đáng mừng hay đáng lo như dư luận xã hội đang trăn trở, thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả: Diễn biến của CPI tháng 6 như vậy nói lên các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đề ra là đúng và việc tổ chức triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (trong đó có Bộ Tài chính) là có hiệu quả.
Điều đáng mừng ở đây chính là việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những thành công. Giá cả trên thị trường giảm, người tiêu dùng có lợi hơn, thu nhập thực tế được bảo đảm hơn. Điều chưa mừng chính là giá giảm không hợp lý sẽ tiếp tục tác động gây ra những khó khăn nhất định cho sản xuất kinh doanh và đặc biệt là giá nông sản, thực phẩm giảm sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và làm giảm thu nhập thực tế của nông dân. Đây là những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng CPI tháng 6 giảm âm, như vậy tức là đã xuất hiện giảm phát ở nước ta. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả: Tôi chưa đồng tình với kết luận đó, vì khẳng định trong bối cảnh CPI diễn ra âm trong một tháng có thể hơi vội vàng, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, mặc dù CPI tháng 6 là -0,26% nhưng xét cả 6 tháng so với cùng kỳ năm 2011 ở mức 12,20% thì vẫn là ở mức lạm phát cao.
Thứ hai, về lý thuyết, giảm phát được hiểu là việc giảm liên tục mức giá chung của hàng hoá, dịch vụ nhưng CPI tháng 6 có 11 nhòm hàng thì chỉ có 5 nhóm hàng có CPI giảm mà giá giảm lại chủ yếu do yếu tố khách quan như: lương thực thực phẩm được mùa, cung lớn hơn cầu; xăng dầu, gas đo giá thế giới giảm tạo điều kiện để giảm được giá trong nước…..Vì vậy, việc CPI giảm trong tháng 6 là chưa thực sự bền vững.
Thứ ba, giá giảm có tác động của yếu tố cầu giảm. Tuy nhiên, nếu xét tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ thì vẫn ở mức tăng trưởng cao. Nếu năm 2011 so cùng kỳ năm 2010 tăng 22,6%, trừ yếu tố tăng giá thì tăng 5,7%. Năm 2012 so với 2011 tăng 19,88%, trừ yếu tố tăng giá vẫn tăng 6,8%.
Chính vì những lý do trên, nên cần được tiếp tục theo dõi thêm. Nhưng rõ ràng là nền kinh tế đang gặp khó khăn từ nhiều nguyên nhân, nếu không có biện pháp xử lý thì có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.

PV: Thưa ông, ông có thể dự báo lạm phát từ này đến cuối năm sẽ như thế nào và cần phải đưa ra những biện pháp gì để giữ ổn định và từng bước đưa nền kinh tế đang phải đối đầu với nhiều thách thức như hiện nay?

Năm nay lạm phát sẽ diễn biến theo chiều hướng: Quý I tăng cao; Quý II và Quý III giảm tốc độ tăng nhưng quý IV sẽ lại nhích lên. Như vậy, nguy cơ lạm phát vẫn ở phía trước, tuy nhiên, lạm phát năm nay sẽ không cao và có thể xoay quanh mức năm 2009 là 6,52%. Chúng ta vẫn phải kiểm soát lạm phát nhưng không được chủ quan, mất cảm giác với khả năng giảm phát xảy ra.
Về giải pháp, không nên vội vàng “nới lỏng” tài khoá, tiền tệ như một số ý kiến đã đề nghị nếu không có thể lại rơi vào vòng xoáy lạm phát; Cần thực hiện các mục tiêu của chính sách tài khoá, tiền tệ đã đặt ra; Đưa ra biện pháp ngăn chặn đà suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cả “đầu vào, đầu ra”. Đi liền với nó là triển khai các biện pháp dài hạn, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế – để giải quyết từ gốc sâu xa lạm phát ở nước ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Thu Hương (thực hiện)

Theo MOF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không