Trước những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, mới đây, Cục Quản lý công sản, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội kinh doanh bất động sản về vấn đề này nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý công sản – Phạm Đình Cường; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Phạm Đình Thi đã lắng nghe ý kiến, thảo luận về các giải pháp do Hiệp hội đưa ra, đồng thời giải đáp một số thắc mắc của Hiệp hội kinh doanh bất động sản.
Toàn cảnh buổi làm việc
Liên quan đến vấn đề giảm tiền thuê đất nộp trong năm 2012, đại diện Hiệp hội kinh doanh bất động sản cho rằng, hiện nay các đơn vị làm dịch vụ, thương mại được Nhà nước cho thuê đất được giảm 50% tiền thuê đất, nhưng các doanh nghiệp bất động sản lại không được đưa vào đối tượng này và kiến nghị Nhà nước bổ sung các doanh nghiệp bất động sản vào đối tượng được hưởng ưu đãi trên.
Về vấn đề Hiệp hội kinh doanh bất động sản này, ông Phạm Đình Cường cho biết, đối với nguồn thu từ đất (trừ thuế, phí, lệ phí), Nhà nước thực hiện 2 khoản thu là thu về giao đất và thu về cho thuê đất và được thực hiện theo giá đất của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chi phí tiền thuê đất đang là quá thấp. Do đó, theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP, đã sửa đổi tăng tiền cho thuê đất lên gần bằng tiền giao đất, nhằm phản ánh đúng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tránh hiện tượng lợi dụng đất thuê của NN để cho thuê lại với giá cao hơn. Tuy nhiên, Nghị định 121/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành vào lúc nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, do đó Chính phủ đã cho lùi tiền thuê đất trong năm 2011, 2012 đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất (trừ các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ), sau đó, tại Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ đã mở rộng ưu đãi thêm cho cả đối tượng kinh doanh thương mại, dịch vụ. Như vậy, đến năm 2012, tất cả các đối tượng đều được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội kinh doanh bất động sản cũng cho rằng, hiện nay, tại các thành phố, địa phương, các doanh nghiệp đang thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất đối với các Dự án được Nhà nước giao đất ngay sau khi có thông báo của cơ quan thuế (xác định tiền sử dụng đất tại thời điểm có Quyết định cho thuê đất hoặc thời điểm bàn giao đất thực tế), tuy nhiên, trên thực tế, nhiều Dự án mới được bàn giao đất chưa được triển khai cũng đã phải nộp đầy đủ tiền sử dụng đất sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư, đại diện HHBBĐS đã kiến nghị, nên để cho dự án hình thành đến đâu thì đóng tiền theo tỷ lệ đó (đóng theo tiến độ của dự án). Ngoài ra, đối với vấn đề về xác định thu tiền sử dụng đất, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang bị lúng lúng ở khâu này.
Trước kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh bất động sản, ông Phạm Đình Cường cho biết, tại Thông tư 192/2009/TT-BTC đã quy định rõ, chủ đầu tư được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng. Do đó, đề nghị Hiệp hội kinh doanh bất động sản thông báo tới các doanh nghiệp về thông tư này để thực hiện cho tốt.
Đối với vấn đề về thu tiền sử dụng đất, ông Cường không đồng tình với quan điểm của Hiệp hội kinh doanh bất động sản Tp HCM cho rằng “việc thu tiền sử dụng đất của các dự án theo giá thị trường là thu 2 lần vì nhà đầu tư thoả thuận chuyển nhượng với dân, sau đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt lại phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà mới”. Theo ông Cường, Nhà nước chỉ thu tiền sử dụng đất 1 lần khi chuyển mục đích sử dụng đất và mức thu chỉ là chênh lệch giữa giá đất theo mục đích cũ và mục đích mới. Trường hợp nhận chuyển nhượng mà không chuyển mục đích thì Nhà nước không thu. Như vậy, không thể có vấn đề “Nhà nước thu 2 lần”. Đối với ý kiến đề nghị khi tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất, Nhà nước cho phép trừ toàn bộ số tiền nhà đầu tư trả để nhận chuyển nhượng, ông Cường cho rằng, không có cơ sở vì khi nhận chuyển nhượng, nhà đầu tư hoàn toàn thảo thuận với dân. Số “thoả thuận” có thể cao hơn hoặc thấp. Do đó, nhà nước không thể trừ theo số thoả thuận được mà chỉ có thể trừ tương ứng mức đền bù nếu thu hồi của dân. Theo cách này, nếu nhà đầu tư nhận chuyển nhượng thấp hơn mức đền bù thì được lợi, ngược lại nhận chuyển nhượng cao hơn mức đền bù thì chịu thiệt. (Tuy nhiên cần lưu ý, nhiều nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vào thời gian trước nên giá sẽ thấp hơn giá đền bù tính vào thời gian chuyển mục đích sử dụng đất). Như vậy khi có việc chuyển mục đích sử dụng đất (từ mục đích sử dụng cũ sang mục đích sử dụng mới giá trị cao hơn) thì Nhà nước thực hiện thu chênh lệch theo giá thị trường giữa mục đích sử dụng mới và mục đích sử dụng cũ tại thời điểm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, về vấn đề thuế GTGT đối với nhà ở, Hiệp hội kinh doanh bất động sản cho rằng, đối với diện tích nhà ở nhỏ thì đề nghị giảm thuế GTGT; đối với nhà thu nhập thấp thì đề nghị miễn thuế GTGT nhằm kích thích nguồn cầu cho thị trường.
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi khẳng định, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thuế GTGT là thuế gián thu hay còn gọi là thuế tiêu dùng áp dụng phổ biến ở các nước, thu vào hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân kinh doanh là người thu gom tiền thuế thông qua giá tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ để kê khai nộp vào NSNN. Do thu theo hàng hoá, dịch vụ và tính chất gián thu của thuế GTGT nên việc giảm thuế để hỗ trợ theo đối tượng doanh nghiệp không thể thực hiện được. Giá mặt hàng là do quan hệ cung cầu quyết định, cho nên miễn, giảm thuế GTGT nhằm giảm giá bán nhà rất khó đạt được mục tiêu vì không có cơ sở để kiểm soát và buộc doanh nghiệp giảm giá, khi đó nếu miễn, giảm thuế GTGT chưa chắc đã đến được với người tiêu dùng. Do đó, để hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt đối với nhà đất cho người thu nhập thấp, học sinh sinh viên và công nhân các khu công nghiệp thì có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác (có thể áp dụng mức lãi suất 0% đối với người vay mua nhà).
Cuối buổi thảo luận, đại diện Hiệp hội kinh doanh bất động sản bày tỏ sự đồng tình với giải đáp từ phía Bộ Tài chính, đồng thời đề nghị tiếp tục đối thoại để làm rõ và xứ lý các vướng mắc của doanh nghiệp. Đại diện Cục QLCS và Vụ Chính sách Thuế đã đồng tình với các đề nghị này theo tinh thần hợp tác, thẳng thắn và thật sự cầu thị./.
Theo MOF
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông