Có tới 42% DN niêm yết trên HOSE không nộp báo cáo tài chính đúng hạn. Các vi phạm công bố thông tin khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 8 – 31%.
“Chênh lệch báo cáo tài chính trước và sau khi kiểm toán của nhiều công ty niêm yết là rất lớn, thậm chí có trường hợp “chênh” tới 60%…”, bà Hồ Thị Phương Tú, Phó giám đốc Phòng Quản lý niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cảnh báo.
Yếu hay vi phạm?
Một trong những yêu cầu hàng đầu của các công ty niêm yết (CTNY) là tính công khai và minh bạch. Thế nhưng theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM – HOSE, hiện tại có tới 42% doanh nghiệp (DN) niêm yết trên HOSE không nộp báo cáo tài chính đúng hạn. Các vi phạm công bố thông tin khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 8 – 31%.
Phó giám đốc Phòng Quản lý niêm yết HNX, bà Hồ Thị Phương Tú, đã liệt kê một loạt những hạn chế về quản trị công ty của nhiều CTNY hiện nay. Đơn cử, theo quy định các công ty phải tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trong vòng 4 tháng, chậm nhất là 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thế nhưng chỉ còn 1 tháng nữa là hết hạn chót, vẫn còn khoảng 20% công ty nữa vẫn chưa tiến hành ĐHĐCĐ; nhiều ĐHĐCĐ trao quyền cho HĐQT quyết định những nội dung quan trọng như sửa điều lệ, bổ nhiểm kiểm toán độc lập, phát hành tăng vốn..; nhiều công ty chưa có chính sách, chương trình quan hệ với cổ đông…
Theo quy định, các công ty phải có quy trình công bố thông tin và bổ nhiệm cán bộ chuyên trách để công công bố thông tin…, thế nhưng thực tế cán bộ phụ trách công bố thông tin đa số đều là kiêm nhiệm, cá biệt có công ty còn yêu cầu người truy cập phải có account và password để xem tin (!?). Báo cáo thường niên của nhiều công ty còn sơ sài, bỏ sót nội dung, như mức thù lao, thưởng của HĐQT cùng với đánh giá mối tương quan giữa thù lao và hiệu quả hoạt động của DN, tỷ lệ sở hữu cổ phần của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc, cổ đông lớn…
Đặc biệt, trong báo cáo tài chính còn chưa chủ động giải trình về lỗ lãi, các khoản ngoại trừ của kiểm toán, chênh lệch giữa báo cáo tự lập và báo cáo đã được kiểm toán; báo cáo còn sai sót, sơ sài, không cập nhật trên website kịp thời và đăng báo theo quy định…
Quản trị càng tốt, cổ phiếu càng có giá
Kết quả nghiên cứu qua dự án “Thẻ điểm QTCT” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Diễn đàn quản trị công ty toàn cầu (GCGF) và Ủy bán chứng khoán Nhà nước công bố mới đây cũng cho biết 80% công ty được khảo sát có mức điểm trung bình về quản trị.
Theo nghiên cứu của Scorecard IFC, các công ty có điểm quản trị DN cao được thị trường đánh giá cao hơn hẳn phần còn lại. Cụ thể, trong nhóm 25% công ty có điểm số cao, cổ phiếu được thị trường định giá cao hơn giá trị sổ sách 2,5 lần, vượt trội so với nhóm trung bình và yếu (với các con số tương ứng 1,7 và 1,6 lần).
“Quản trị công ty tốt đem lại lợi ích lâu dài cho công ty trong việc nâng cao hình ảnh, uy tín, huy động nguồn vốn dễ dàng với chi phí thấp là điều không còn bàn cãi. Ở cấp độ quốc gia, quản trị tốt còn đem lại hình ảnh tốt về một môi trường đầu tư minh bạch và an toàn. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại, thì quản trị công ty tại Việt Nam cần được cải tiến từ chính từng công ty chứ không chỉ bằng các quy định mang tính bắt buộc của luật pháp…”- ông Lê Minh Tâm- Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kim Eang Việt Nam khẳng định.
Ông David Gerald J, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore cũng cho rằng cổ phiếu của các công ty được quản trị tốt luôn hứa hẹn mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các cổ đông. Theo chuyên gia này, một công ty quản trị tốt được hình thành từ nhiều yếu tố: tính độc lập và năng lực của HĐQT; hệ thống kế toán và ban kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả, việc trao đổi thông tin thường xuyên với các NĐT…
Theo cafef
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông