Nói doanh nghiệp (DN) đang gặp hệ lụy từ vấn đề lãi suất là chuyện không mới vì bề ngoài, tình hình hiện nay có vẻ giống như hồi quý IV/2009, khi lãi suất và tỷ giá cũng tăng cao, duy có điều thời điểm hiện nay, căng thẳng về tín dụng dường như đã lên đến đỉnh điểm.
Hệ lụy này đang “ăn mòn” nhiệt huyết của các DN lớn nhỏ trong và ngoài nước bởi các khoản vay cũ, vay mới, hay chờ vay… đều khiến người kinh doanh cảm thấy chán nản.
Mỗi cây mỗi hoa…
Những người may mắn được vay trước đó thì nay họ cũng đang kém vui bởi hầu hết các ngân hàng (NH) thương mại đều tăng lãi suất đối với các khoản vay cũ lên đến 18 – 19%/năm.
Ai may mắn chưa đến ngày đáo hạn thì “thở phào”, ai đó đến kỳ nhưng không có khả năng trả nợ, phải vay nóng bên ngoài để lấy tiền trả cho NH, rồi sau đó mượn lại với lãi suất mới cao hơn vài phần trăm. Cứ như thế, khách hàng không bao giờ có thể cắt đứt được “mối duyên” với NH.
Theo nguồn tin từ một nhân viên phụ trách tín dụng của NH cho biết, hiện nay còn có những trường hợp khách hàng nộp đơn xin giảm lãi suất. Đây được đánh giá là khá hy hữu và chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây. “Một là khách hàng chạy tiền trả nợ chịu phạt trước hạn, hai là xin giảm lãi suất. Họ không chịu nổi mức lãi suất 18 – 20%”, ông này cho biết.
Đối với các khoản vay mới cũng “nhiêu khê” không kém. Ông Trần Minh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phúc, nói rằng, ngoài tìm cách xoay vốn, không ít DN phải tính đến việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất – kinh doanh, chấp nhận không có lợi nhuận.
Ngoài ra, DN đang chờ duyệt vay vốn lại tỏ ra dửng dưng vì họ biết rằng hiện nay, NH chủ yếu chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn ngắn hạn như: trả nợ, thanh toán tạm thời.
Do vậy, giới này cũng không mặn mà với việc vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, do chi phí vốn đã trở nên đắt đỏ: 17 – 19%/năm! Điều đó giải thích vì sao dù đứng về phía NH, nhưng Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bà Dương Thu Hương cũng phải thốt lên: “Lãi suất vay tới gần 20%/năm, DN nào chịu nổi!”.
… Mỗi nhà mỗi cảnh
Trước khó khăn của DN, người ta thường đổ lỗi cho NH. Nhưng NH cũng là một DN. Như vậy, NH và DN đều có hoạt động kinh doanh giống nhau, cả hai đều làm mọi cách để tìm kiếm lợi nhuận. DN khó khăn, NH cũng chẳng hơn gì.
Bằng chứng là lợi nhuận của NH đang sụt giảm rõ rệt trong hai năm vừa qua. Có thể NH cho vay với lãi suất “cắt cổ”, ngoài sức chịu đựng của DN thì NH cũng đang phải cắn răng chịu đựng mức lãi suất huy động do chính NH niêm yết.
Về nguyên tắc, các NH thương mại huy động vào với lãi suất 15%, cho vay 18% thì cũng có lãi được chút ít.
Nhưng các chuyên gia nhắc nhở rằng, lãi suất cơ bản được công bố hằng tháng và thay đổi tùy theo tình hình kinh tế. Vậy, điều gì sẽ xảy ra khi 2 hoặc 3 tháng nữa, trước nguy cơ giảm phát, NH Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống mức 8%, sau đó là 7% hoặc thấp hơn, lãi suất cho vay tối đa được phép cũng giảm xuống tương ứng 16%, 15% hoặc thấp hơn?
Như vậy, tiền trót huy động với lãi suất cao làm cách nào để tạo ra lợi nhuận?
Nhiều người hơi quá lời khi nói rằng, chẳng bao lâu nữa, những NH chạy theo lãi suất sẽ phải chết vì “sặc” tiền. Nói như thế bởi vì hàng loạt vụ đổ vỡ các quỹ tín dụng những năm 1989, 1990 đã từng xảy ra.
Nguyên nhân cũng vì trót huy động với lãi suất cao mà không sử dụng được. Nói đến đây có thể quy kết rằng trong bối cảnh này, không chỉ DN mà cả NH cũng phải “liệu cơm gắp mắm” để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vì Ngân hàng Quân đội (MB) đang cố kiềm lãi suất cho vay ở mức thấp nên lấy MB làm ví dụ. Khi được hỏi, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB thừa nhận, lãi suất tín dụng tăng cao, khó khăn của các NH thương mại lúc này là DN có thể chậm trả vì nếu trả nợ sau đó vay lại thì có thể chịu lãi cao hơn hoặc trả nợ thì khó được vay lại.
Theo đó, trong thời điểm này MB phải cơ cấu lại các khoản vay và đối tượng khách hàng. Đối với khách truyền thống, đối tác của NH thì sẽ vẫn được ưu tiên cho vay. Điểm nổi bật hiện nay là MB được đánh giá là một trong những NH có lãi suất cho khách hàng DN vay thấp.
Bà Nga nói thêm là việc giữ lãi suất thấp của MB không phải là đánh tiếng hay chơi trội trong thời điểm này, mà MB xác định, kể cả trong giai đoạn khó khăn của thị trường, NH vẫn phải đồng hành và thực hiện các cam kết với DN, thậm chí có khoản vay MB chỉ hòa vốn.
“Với việc cho vay lãi suất thấp hiện nay, chúng tôi một mặt giữ được khách hàng, mặt khác vẫn có thể bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng. Bởi nếu NH cho vay lãi suất cao, khách hàng có thể bị rủi ro trong kinh doanh và tất yếu sẽ tác động dây chuyền gây rủi ro cho NH”, bà Nga chia sẻ.
Thực vậy, ông Nguyễn Quốc Sỹ, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Tây (WesternBank), cũng chia sẻ rằng, tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của NH, nhưng thời điểm này các NH buộc phải cân nhắc các khoản vay và mức vay như thế nào cho hợp lý và khó có thể cho vay nhiều trong thời điểm lãi suất cao, vì có thể dẫn đến rủi ro cho DN lẫn NH.
theo quantritructuyen
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông