Kiến thức Tài chính kế toán Kế toán giá vốn hàng hóa – Hạch toán chuyên sâu tài...

Kế toán giá vốn hàng hóa – Hạch toán chuyên sâu tài khoản 632

8144
Kế toán giá vốn hàng hóa là gì? Hạch toán chuyên sâu tài khoản 632 có vai trò quan trọng như thế nào trong kinh doanh?… Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho bạn khái niệm giá vốn hàng bán là gì, các phương pháp tính giá vốn hàng bán cũng như những cách khắc phục khi giá vốn bị sai.
 
 

1. Kế toán giá vốn hàng hóa

 
1.1 Giá vốn hàng bán là gì? 
 
Giá vốn hàng bán hàng hiểu một cách đơn giản là giá trị vốn của hàng bán đã tiêu thụ trong một khoảng thời gian cụ thể (trong một kỳ). Giá vốn hàng bán bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm.
 
1.2. Cách tính giá vốn hàng bán
 
Hiện nay đang tồn tại 3 cách tính giá vốn hàng bán như sau:
* Công thức tính giá vốn hàng bán LIFO (Nhập sau xuất trước)
Cách tính giá vốn hàng bán LIFO (nhập sau xuất trước) ngày nay rất ít khi được sử dụng, giờ chỉ còn 2 nước là Mỹ và Nhật chấp nhận cách tính này. Tuy nhiên, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) tại Mỹ họ lại phủ nhận vì cho rằng công thức tính giá vốn hàng bán như trên thiếu sự chính xác.
Một nhược điểm rất rõ ràng trong cách tính giá vốn hàng bán LIFO là định giá hàng tồn kho không đáng tin cậy, trong trường hợp hàng tồn kho là sản phẩm cũ và có giá trị lỗi thời với giá hiện hành.
* Công thức tính giá vốn hàng bán Bình quân gia quyền
Phương pháp tính giá vốn hàng bán này gọi là Bình quân gia quyền, hiện đang được Phần mềm kế toán MISA SME.NET sử dụng để tính toán giá trị hàng tồn kho và đây cũng là phương pháp tính giá vốn hàng bán phổ biến nhất mà các phần mềm tân tiến ngày nay đang áp dụng.
Theo phương pháp tính giá vốn hàng bán này, mỗi lần nhập hàng thì giá vốn sẽ được tính lại theo công thức:
MAC = ( A + B ) / C
Với :
– MAC : Giá vốn của sản phẩm tính theo bình quân tức thời
– A : Giá trị kho hiện tại trước nhập = Tồn kho trước nhập * giá MAC trước nhập
– B : Giá trị kho nhập mới = Tồn nhập mới * giá nhập kho đã phân bổ chi phí
– C : Tổng tồn = Tồn trước nhập + tồn sau nhập
Với phương pháp tính giá vốn hàng bán này, cần đảm bảo thông tin số hàng tồn kho của bạn phải chính xác tuyệt đối
 
Kế toán giá vốn hàng hóa
 

2. Hạch toán chuyên sâu tài khoản 632

 
Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư; giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp (Đối với doanh nghiệp xây lắp) bán trong kỳ.
Ngoài ra, tài khoản này còn dùng để phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (Trường hợp phát sinh không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư. . .
Kế toán giá vốn hàng hóa
 
Cách hạch toán giá vốn bán hàng một số nghiệp vụ:
 
a. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên:
 
* Khi xuất các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 154, 155, 156, 157
* Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán
– Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154 – Chi phí SXKD dỡ dang; hoặc
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.
– Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 156, 138 (1381),. . .
– Phản ánh chi phí tự xây dựng, tự chế TSCĐ vượt quá mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 241- Xây dựng cơ bản dỡ dang (Nếu tự xây dựng)
Có TK 154- Chi phí SXKD dỡ dang (Nếu tự chế).
* Hạch toán khoản trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm (Do lập dự phòng năm nay lớn hoặc nhỏ hơn khoản dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết).
Cuối năm, doanh nghiệp căn cứ vào tình hình giảm giá hàng tồn kho ở thời điểm cuối kỳ tính toán khoản phải lập dự phòng giảm giá cho hàng tồn kho so sánh với số dự phòng giảm giá hàng tồn đã lập kho năm trước chưa sử dụng hết để xác định số chênh lệch phải trích lập thêm, hoặc giảm đi (Nếu có):
– Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập năm nay lớn hơn số dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch lớn hơn được trích bổ sung, ghi:
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán
Có TK 159- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
– Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn lập, ghi:
Nợ TK 159 – Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
* Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư:
– Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư đang nắm giữ chờ tăng giá, đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng (Chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 2147 – Hao mòn BĐS đầu tư.
– Khi phát sinh chi phí liên quan đến BĐS đầu tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thoả mãn điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (Nếu phải phân bổ dần)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 334,. . .
– Các chi phí liên quan đến cho thuê hoạt động BĐS đầu tư (Đối với các chi phí phát sinh không lớn), ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có các TK 111, 112, 331, 334,. . .
– Kế toán giảm nguyên giá và giá trị hao mòn của BĐS đầu tư do bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – Hao mòn BĐS đầu tư)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
– Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (Nguyên giá).
– Các chi phí bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng (Chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331
* Trường hợp dùng sản phẩm sản xuất ra chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang.
* Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:
Nợ các TK 155, 156
Có TK 632 – Giá vốn bán hàng.
* Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hoá, bất động sản, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
 
b. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai định kỳ:
 
* Đối với doanh nghiệp thương mại:
– Cuối kỳ, xác định và kết chuyển trị giá vốn của hàng hoá đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:
Nợ 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 611 – Mua hàng.
– Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hoá đã xuất bán được xác định là đã bán vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
* Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ:
– Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ vào Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 155 – Thành phẩm.
– Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán vào Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.
– Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập kho, giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 631 – Giá thành sản xuất.
– Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ Tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
– Cuối kỳ, xác định trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
– Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
 

Để hạn chế sai sót, nhầm lẫn tài khoản hay chứng từ khi thực hiện công việc, kế toán cần tìm đến các công cụ, phần mềm hỗ trợ. MISA SME.NET là phần mềm được lựa chọn nhiều nhất hiện nay khi đáp ứng mọi nghiệp vụ cho công việc kế toán và quản lý doanh nghiệp.

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ tài chính kế toán, giúp kế toán tiết kiệm thời gian và công sức. Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME.NET mới nhất, kế toán vui lòng click xem tại đây

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không