Kế toán chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản cố định, kế toán giao dịch bán và thuê lại là thuê tài chính, kế toán hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh… là những nghiệp vụ kế toán chi phí và thu nhập khác phát sinh ngoài các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường.
Bài viết “Các nghiệp vụ kế toán chi phí và thu nhập khác thường gặp” dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những phương pháp kế toán các nghiệp vụ chủ yếu này.
Chi phí khác là gì?
Chi phí khác là những khoản chi phí phát sinh do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động thông thường của các doanh nghiệp.
Chi phí khác có thể gồm:
- Chi phí về thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (gọi tắt: TSCĐ) và giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý, nhượng bán;
- Các khoản tiền bị phạt do vi phạm hợp đồng;
- Bị phạt khi truy nộp thuế;
- Các khoản chi phí do kế toán bị nhầm hoặc bỏ sót khi ghi sổ kế toán;
- Các khoản chi phí khác…
Thu nhập khác là gì?
Hiểu một cách ngắn gọn, thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế, mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:
- Chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán;
- Chuyển nhượng bất động sản;
- Quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản;
- Cho thuê tài sản dưới mọi hình thức; chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản; lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn;…..
Bên cạnh đó, cùng theo dõi ngay bài viết Các khoản thu nhập khác bao gồm những gì? của sme.misa.vn để nắm được chi tiết cách xác định các khoản thu nhập khác theo Điều 7 của TT 78/2014/TT-BTC và Khoản 2 Điều 5 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Phương pháp kế toán chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý
Khi thực hiện kế toán chi phí và thu nhập khác, kế toán chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý là một nghiệp vụ rất hay gặp tại các doanh nghiệp. Muốn nắm rõ phương pháp kế toán chi phí phát sinh trong quá trình thanh lý, ta cần hiểu được kĩ các nội dung của Tài khoản 811.
Kết cấu và nội dung Tài khoản 811 – Chi phí khác
Bên Nợ: Các khoản chi phí khác phát sinh.Bên Có: Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ vào tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 811 – Chi phí khác không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 811 – Chi phí khác không có tài khoản cấp 2.
Hạch toán chuyên sâu tài khoản 811 – chi phí khác
a) Hạch toán nghiệp vụ nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
Ghi nhận thu nhập khác do nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
Ghi giảm TSCĐ dùng vào SXKD đã nhượng bán, thanh lý, ghi:
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
- Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
- Có TK 213 – TSCĐ vô hình (nguyên giá).
Ghi nhận các chi phí phát sinh cho hoạt động nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
- Có các TK 111, 112, 141,…
Ghi nhận khoản thu từ bán hồ sơ thầu liên quan đến hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 138…
- Có TK 811 – Chi phí khác.
b) Khi phá dỡ TSCĐ, ghi:
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
- Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
- Có TK 213 – TSCĐ vô hình (nguyên giá).
c) Kế toán chi phí khác phát sinh khi đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết:
- Thực hiện theo quy định của các TK 221, 222, 228.
d) Trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) nếu được phép tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi, đối với các tài sản được đánh giá giảm ghi:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Có các TK liên quan.
đ) Hạch toán các khoản tiền bị phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt vi phạm hành chính, ghi:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Có các TK 111, 112
- Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)
- Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác.
e) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ chi phí khác phát sinh trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh, ghi:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
- Có TK 811 – Chi phí khác.
Phương pháp kế toán giao dịch bán và thuê lại là thuê tài chính
Khái niệm bán và thuê lại theo hình thức thuê tài chính
Để làm rõ được khái niệm này, trước hết ta cần hiểu được “bán và thuê lại là gì?”. Bán và thuê lại tài sản là hoạt được thực hiện khi tài sản được bán và được chính người bán thuê lại.
Cụ thể, trong hoạt động kinh doanh có nhiều doanh nghiệp thiếu vốn lưu động để khai thác TSCĐ hiện có, vì vậy họ sẽ bán một phần tài sản của mình cho ngân hàng hoặc công ty tài chính rồi thuê lại chính tài sản đó để sử dụng.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.
“Thuê tài chính” là hình thức thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.
Như vậy, giao dịch bán và thuê lại tài sản là thuê tài chính. Muốn kế toán giao dịch bán và thuê lại là thuê tài chính, bạn cần sử dụng Tài khoản 711 – Thu nhập khác để thực hiện.
Kết cấu và nội dung Tài khoản 711 – Thu nhập khác
Bên Nợ:
- Số thuế GTGT phải nộp (nếu có) tính theo phương pháp trực tiếp đối với các khoản thu nhập khác ở doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Bên Có:
- Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ.
- Tài khoản 711 – “Thu nhập khác” không có số dư cuối kỳ.
Hạch toán chuyên sâu tài khoản 711 – thu nhập khác
a) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ nghiệp vụ nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
Phản ánh số thu nhập về thanh lý, nhượng bán TSCĐ:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
- Có TK 711 – Thu nhập khác (số thu nhập chưa có thuế GTGT)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
Các chi phí phát sinh cho hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có các TK 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).
Đồng thời ghi giảm nguyên giá TSCĐ thanh lý, nhượng bán, ghi:
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
- Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
- Có TK 213 – TSCĐ vô hình (nguyên giá).
b) Kế toán thu nhập khác phát sinh khi đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ đưa đi đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, góp vốn đầu tư dài hạn khác:
Khi đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác dưới hình thức góp vốn bằng vật tư, hàng hóa, căn cứ vào giá đánh giá lại vật tư, hàng hoá, được thoả thuận giữa công ty mẹ và công ty con, giữa nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết, trường hợp giá đánh giá lại của vật tư, hàng hoá lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, ghi:
- Nợ các TK 221, 222, 228 (giá đánh giá lại)
- Có các TK 152, 153, 155, 156 (giá trị ghi sổ)
- Có TK 711 – Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá).
Khi đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết đầu tư dài hạn khác dưới hình thức góp vốn bằng TSCĐ, căn cứ vào giá trị đánh giá lại TSCĐ được thoả thuận giữa công ty mẹ và công ty con, giữa nhà đầu tư và công ty liên kết, trường hợp giá đánh giá lại của TSCĐ lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 221, 222, 228 (giá trị đánh giá lại)
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn luỹ kế)
- Có các TK 211, 213 (nguyên giá)
- Có TK 711 – Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại của TSCĐ lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
c) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính:
Trường hợp giao dịch bán và thuê lại TSCĐ với giá bán cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ, khi hoàn tất thủ tục bán tài sản cố định, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
- Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
- Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (nếu có)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
Trường hợp giao dịch bán và thuê lại với giá thấp hơn giá trị còn lại của TSCĐ, khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
- Có TK 711 – Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác (tính bằng giá bán TSCĐ)
- Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (nếu có)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
- Các bút toán ghi nhận tài sản thuê và nợ phải trả về thuê tài chính, trả tiền thuê từng kỳ thực hiện theo quy định tại TK 212 – Tài sản cố định thuê tài chính.
d) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động: Khi bán TSCĐ và thuê lại, căn cứ vào Hóa đơn GTGT và các chứng từ liên quan đến việc bán TSCĐ, kế toán phản ánh giao dịch bán theo các trường hợp sau:
Nếu giá bán được thỏa thuận ở mức giá trị hợp lý thì các khoản lỗ hay lãi phải được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh. Phản ánh số thu nhập bán TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Đồng thời, ghi giảm TSCĐ (như điểm c nêu trên).
Trường hợp giá bán và thuê lại TSCĐ thấp hơn giá trị hợp lý nhưng mức giá thuê thấp hơn giá thuê thị trường thì khoản lỗ này không được ghi nhận ngay mà phải phân bổ dần phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong thời gian thuê tài sản. Căn cứ vào Hoá đơn GTGT và các chứng từ liên quan đến việc bán TSCĐ, phản ánh thu nhập bán TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ như sau:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Nợ TK 242 – Chi phí trả trước
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (nếu có)
- Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
Định kỳ, phân bổ sỗ lỗ về giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động (chênh lệch giữa giá bán nhỏ hơn giá trị hợp lý) vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó dự kiến sử dụng, ghi:
- Nợ các TK 623, 627, 641, 642
- Có TK 242 – Chi phí trả trước.
Nếu giá bán và thuê lại tài sản cao hơn giá trị hợp lý thì khoản chênh lệch cao hơn giá trị hợp lý không được ghi nhận ngay là một khoản lãi trong kỳ mà được phân bổ dần trong suốt thời gian mà tài sản đó được dự kiến sử dụng, còn số chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị còn lại được ghi nhận ngay là một khoản lãi trong kỳ.
Căn cứ vào Hoá đơn GTGT bán TSCĐ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112, 131,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác (tính bằng giá trị hợp lý của TSCĐ)
- Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ)
- Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Đồng thời, ghi giảm giá trị TSCĐ bán và thuê lại (như điểm c nêu trên).
Định kỳ, phân bổ chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó dự kiến sử dụng, ghi:
- Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
- Có các TK 623, 627, 641, 642.
đ) Khi hết thời hạn bảo hành công trình xây lắp, nếu công trình không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp không sử dụng hết phải hoàn nhập, ghi:
- Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
e) Phản ánh các khoản thu tiền phạt
Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi giảm giá trị tài sản, ghi:
- Nợ các TK liên quan
- Có các TK 151, 153, 154, 156, 241, 211…
Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi nhận vào thu nhập khác, ghi:
- Nợ các TK liên quan
- Có TK 711 – thu nhập khác.
g) Phản ánh các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh…), ghi:
- Nợ các TK 111, 112,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm, ghi:
- Nợ TK 811 – Chi phí khác
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có các TK 111, 112, 152,…
h) Hạch toán các khoản phải thu khó đòi đã xử lý xóa sổ, nay thu lại được tiền:
Nếu có khoản nợ phải thu khó đòi thực sự không thể thu nợ được phải xử lý xoá sổ, căn cứ vào biên bản xử lý xoá nợ, ghi:
- Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (nếu đã lập dự phòng)
- Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (nếu chưa lập dự phòng)
- Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.
Khi truy thu được khoản nợ khó đòi đã xử lý xoá sổ, ghi:
- Nợ các TK 111, 112,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
i) Các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ, quyết định xoá và tính vào thu nhập khác, ghi:
- Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán
- Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
k) Kế toán các khoản thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm:
Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về số thuế được hoàn, được giảm, ghi:
- Nợ các TK 3331, 3332, 3333, 33381
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
Khi NSNN trả lại bằng tiền, ghi:
- Nợ các TK 111, 112
- Có các TK 3331, 3332, 3333, 33381.
l) Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng vật tư, hàng hoá, TSCĐ … ghi:
- Nợ các TK 152, 156, 211,…
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
m) Trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần), nếu được phép tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi, đối với các tài sản được đánh giá tăng, ghi:
- Nợ các TK liên quan
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
n) Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động thương mại được nhận hàng hoá (không phải trả tiền) từ nhà sản xuất, nhà phân phối để quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối. Khi hết chương trình khuyến mại, nếu không phải trả lại nhà sản xuất số hàng khuyến mại chưa sử dụng hết, kế toán ghi nhận thu nhập khác là giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại, ghi:
- Nợ TK 156- Hàng hoá (giá trị tương đương của sản phẩm cùng loại)
- Có TK 711 – Thu nhập khác.
o) Cuối kỳ kế toán, tính và phản ánh số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp của số thu nhập khác, ghi:
- Nợ TK 711- Thu nhập khác
- Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.
p) Cuối kỳ, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ vào tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
- Nợ TK 711 – Thu nhập khác
- Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ chủ yếu liên quan đến thu nhập khác, bạn có thể truy cập Hạch toán chuyên sâu tài khoản 711 – Thu nhập khác của misa.com.vn để được cung cấp những thông tin hữu ích.
Phương pháp kế toán hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh
Trong quá trình doanh nghiệp đi góp vốn vào công ty liên doanh, công tác kế toán hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh sẽ được thực hiện dựa vào nội dung Tài khoản 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Dưới đây là một số giao dịch thường gặp liên quan đến các nghiệp vụ kế toán chi phí và thu nhập khác trong hoạt động động đầu tư góp vốn liên doanh để bạn tham khảo.
1. Phương pháp kế toán chi phí khác trong hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh
Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn liên doanh, liên kết phát sinh trong kỳ như lãi tiền vay để góp vốn, các chi phí khác, ghi:
- Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
- Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
- Có các TK 111, 112, 152,…
2. Phương pháp kế toán thu nhập khác trong hoạt động đầu tư góp vốn liên doanh
Trường hợp góp vốn liên doanh bằng tài sản phi tiền tệ (hàng tồn kho hoặc TSCĐ), kế toán phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ (đối với vật tư, hàng hóa) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) và giá trị đánh giá lại của tài sản đem đi góp vốn do các bên đánh giá vào thu nhập khác.
Nếu giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
- Nợ TK 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
- Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ
- Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
- Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
- Có TK 711 – Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng)
Như vậy, sme.misa.vn đã hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ kế toán chi phí và thu nhập khác thường gặp. Để thực hiện tốt các nghiệp vụ quản trị tài chính – kế toán theo đúng thông tư 133/2016/TT-BTC và 200/2014/TT-BTC. Hiện nay đã có hơn 130.000 doanh nghiệp trên toàn quốc tin tưởng và sử dụng hiệu quả phần mềm này.