Kiến thức Tài chính kế toán CEO phân bổ ngân sách đào tạo sao cho hợp lý

CEO phân bổ ngân sách đào tạo sao cho hợp lý

1061
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDoanh nghiệp cần sử dụng ngân sách đào tạo như thế nào để đạt kết quả tối ưu? Câu hỏi xem ra không dễ trả lời…!

Cắt giảm ngân sách: đào tạo trước tiên

Bà Angeline Teo, Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực dOz International ở Singapore, cho biết khá nhiều doanh nghiệp chỉ biết chi tiền để thấy hoạt động đào tạo của họ đang diễn ra sôi nổi, chứ không cần quan tâm đến tính hiệu quả. Theo một khảo sát gần đây do dOz International tiến hành trên toàn cầu, các tổ chức hoạt động thành công sẽ chi trung bình 8% tổng doanh thu cho công tác đào tạo. Riêng trong năm 2007, 46% các tổ chức sẽ tăng ngân sách đào tạo, trong nhóm này có 51% chỉ tăng ngân sách 5% nhưng có đến 21% sẽ tăng ngân sách hơn 25%. Bên cạnh đó, một phần ba các tổ chức sẽ giữ nguyên ngân sách đào tạo như năm rồi, 16% sẽ cắt giảm ngân sách đào tạo trong năm nay và 5% chưa có kế hoạch cụ thể. Theo bà Teo, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ phó thác công tác đào tạo nhân viên cho người phụ trách nhân sự, vì cho rằng việc tạo ra lợi nhuận quan trọng hơn. Thế nên khi công ty làm ăn thua lỗ, ngân sách dành cho đào tạo sẽ bị cắt giảm đầu tiên. “Họ như đi vào vòng luẩn quẩn, thua lỗ liền cắt giảm đào tạo, cắt giảm xong lại càng thua lỗ hơn và phải cắt giảm tiếp… Lẽ ra, họ nên hiểu đào tạo nhân viên là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp”, bà Teo nói. 
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, việc đào tạo nhân viên theo chỉ tiêu, ngân sách dự chi trong năm vẫn còn khá phổ biến. Đã có tình trạng nhiều doanh nghiệp cuối năm hối hả “đón thầy” về đào tạo, hoặc cấp ngân sách ào ạt cho nhân viên đi học… để sử dụng cho hết số tiền đào tạo dự chi trong năm. Rốt cuộc, việc học chỉ để lấy có chứ không quan tâm đến mục tiêu, chất lượng! Ông Nguyễn Hoài Phương-một chuyên viên trong lĩnh vực đào tạo cho doanh nghiệp cho biết đã rất khó khăn để thuyết phục lãnh đạo một số công ty thay đổi quan điểm về đào tạo nhân viên vào hai ngày cuối tuần. Ông Phương cho rằng doanh nghiệp nên xem việc đi học của nhân viên như là thời gian mà họ đang làm việc và không nên ép nhân viên học vào ngày nghỉ vì sẽ chẳng ai có hứng thú học, dẫn đến kết quả đào tạo không như mong đợi. Ngoài ra, cũng không nên mở các lớp đào tạo tại trụ sở làm việc, vì như vậy cả sếp lẫn nhân viên đều dễ “dính” vào các công việc đang diễn ra từng phút ở đơn vị.

Đào tạo thế nào?

Theo các chuyên gia tư vấn nhân lực, kết quả đầu tiên về đào tạo có thể thấy là nhân viên sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp trong công ty. Đây không phải là vấn đề ngôn ngữ, mà là chuyện trao đổi và tiếp nhận thông tin sao cho mạch lạc, thông suốt giữa đồng nghiệp, các cấp với nhau. Kế đến, việc đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện ra những tài năng “ẩn mình”. Đơn giản là vì các khóa đào tạo cho doanh nghiệp thường được thiết kế trên các tình huống gắn với thực tế, qua đó nhân viên dễ bộc lộ những kỹ năng riêng trong giải quyết vấn đề, nhất là những người vì cần việc đã xin vào làm ở những vị trí không phù hợp với năng khiếu hoặc trái chuyên môn. Các lợi ích tiếp theo của đào tạo đã được chứng minh như: làm việc nhất quán, tập trung vào công việc; tăng cường tinh thần làm việc với đội nhóm; có hứng khởi và động lực làm việc; tăng năng suất làm việc… 
Để đạt được những kết quả trên, doanh nghiệp phải chọn cho mình một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy. Các tiêu chí để chọn một dịch vụ đào tạo chất lượng bao gồm: chương trình học, danh sách giảng viên, lĩnh vực chuyên môn, danh sách khách hàng của dịch vụ, ý kiến phản hồi từ các khách hàng. Bên cạnh đó, việc chọn dịch vụ đào tạo không nên dựa trên mức học phí thấp; chương trình học nặng tính hàn lâm; giảng viên là những tên tuổi về bằng cấp học thuật nhưng thiếu kinh nghiệm làm việc… 
Theo ông Võ Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ đào tạo quản trị doanh nghiệp, trường Đại học Bách khoa TPHCM, doanh nghiệp nên chọn các khóa học ngắn hạn, mời giảng viên có bằng cấp chuyên môn không quá cao nhưng nhất thiết phải có kinh nghiệm thực tế, biết cách nắm bắt các vấn đề thời sự để giảng dạy thì chất lượng đào tạo sẽ cao hơn. 
Bên cạnh đó, cá nhân theo học các chương trình đào tạo cần có thái độ tích cực để việc học đạt kết quả trọn vẹn. Trước tiên, đó phải là những người biết tìm kiếm các cơ hội đào tạo. Có nhân viên cho rằng đã làm việc lâu năm ở công ty, biết rành rẽ mọi chuyện thì không cần phải học nữa. Những người này nếu được chọn đào tạo sẽ chỉ thụ động tham gia và sẽ chẳng có thay đổi tích cực gì sau đào tạo. Có lẽ các doanh nghiệp chỉ nên ưu tiên cho những nhân viên dám chủ động đưa ra đề nghị với lãnh đạo: “Hãy đào tạo tôi để tôi làm việc tốt hơn”! Kế đến, đó phải là những người biết đặt ra mục tiêu cá nhân. 
Các chuyên gia về nhân lực đã đưa ra những bước phát triển kỹ năng của con người thông qua đào tạo. Theo đó, chúng ta sẽ khởi đầu ở mức “không biết mình không có kỹ năng”, tiến đến “biết mình không có kỹ năng”, rồi phát triển lên “biết mình có kỹ năng” và sau cùng đạt ngưỡng “không biết mình có kỹ năng”. Vì thế, một dịch vụ đào tạo hiệu quả sẽ có những khóa học thích hợp để đáp ứng nhu cầu của từng tầng kỹ năng này. Doanh nghiệp rất nên đầu tư vào các chương trình kỹ năng và phát triển cá nhân. Cá nhân qua đào tạo sẽ được tiếp động lực, làm việc có hiệu quả và năng suất cao hơn trong tinh thần phối hợp đội nhóm. Chính nhân tố này sẽ giúp phát triển một môi trường làm việc hiệu quả trong tổ chức doanh nghiệp.

Theo thoibaokinhtesaigon

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không