Kiến thức Tài chính kế toán Ngân hàng nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng

Ngân hàng nhà nước phân bổ hạn mức tín dụng

347
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamĐến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên “room” tăng trưởng tín dụng cho năm 2012. Từ nay đến cuối năm, các nhà băng sẽ làm gì với chỉ tiêu “room” mà Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ?
Tín dụng hầu như không tăng
Hiện tại, hoạt động cho vay của các ngân hàng có phần được cải thiện, do mặt bằng lãi suất giảm. Vì thế, tăng trưởng tín dụng dần trở lại trạng thái dương, thay vì âm trong hơn 5 tháng qua. Thế nhưng, so với chỉ tiêu tín dụng năm 2012 nhận được, thì 6 tháng đầu năm, các nhà băng chỉ mới sử dụng một phần nhỏ hạn mức và “room” tín dụng tại nhiều ngân hàng còn nguyên.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ông Đặng Quang Minh, Tổng giám đốc ABBank cho biết, đến thời điểm này, Ngân hàng chỉ mới sử dụng một phần rất nhỏ. Ngân hàng kỳ vọng dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện trong những tháng còn lại của năm.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, mặc dù tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã thoát khỏi tình trạng âm kể từ tháng 5 đến nay, song tiến độ giải ngân vốn vẫn chậm, kể cả khi lãi suất giảm. Hiện lãi suất cho vay tiền đồng tại OCB là 13 – 14%/năm, ngoại tệ là 5 – 6%/năm. Theo ông Tùng, nhu cầu vốn của DN có sức khỏe tốt và dự án khả thi trong bối cảnh hiện nay không nhiều, do thị trường trong nước cũng như xuất khẩu bị thu hẹp, khi mãi lực tiêu dùng của người dân sụt giảm.
Theo lãnh đạo các nhà băng, trong số khách hàng DN, thì xuất khẩu luôn được xem là lĩnh vực tiềm năng để cho vay, nhất là khi DN cam kết mang ngoại tệ về cho ngân hàng. Các DN xuất khẩu được vay vốn ngoại tệ, nên lãi suất trả cho ngân hàng chỉ bằng 1/3 hoặc thấp hơn phân nửa so với vay tiền đồng. Thế nhưng, ông Tùng cho biết, thị trường xuất khẩu hiện nay cũng bị thu hẹp. Doanh số xuất khẩu của các DN giảm nên nhu cầu về vốn vay không còn cao. Do đó, các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt về lãi suất cho vay ngoại tệ, nhiều ngân hàng giảm xuống còn 4 – 5%/năm, thậm chí thấp hơn.
Lãi suất giảm khiến nhu cầu vay vốn tăng dần
Khó cho vay đối với khách hàng DN, thời gian qua, các nhà băng đã đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà, ô tô và vay tiêu dùng. Lãi suất cho vay đối với khối khách hàng này cũng từng bước được cắt giảm, khi trần lãi suất huy động ngắn hạn hạ xuống chỉ còn 9%/năm. Một số ngân hàng hiện áp dụng lãi suất cho vay 12%/năm đối với cá nhân. Thế nhưng, nhu cầu vay vẫn chưa nhiều.
Báo cáo của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2012, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất – kinh doanh trên địa bàn Thành phố chiếm khoảng 85% tổng dư nợ cho vay, song nợ xấu của các ngân hàng tăng lên 6,03% trên tổng dư nợ cho vay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, nợ xấu tăng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của tổ chức tín dụng, mà còn là tác động đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đối với nền kinh tế. Ước tính, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đến cuối tháng 6/2012 đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 1,96% so với cuối năm 2011.
Ngân hàng vẫn thận trọng cho vay
OCB đang nỗ lực đưa vốn rẻ tới DN, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng. Cụ thể, với gói vốn 25 triệu USD nhận được từ IFC và BNP Paribas, OCB đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành triển khai cho vay đối với DN vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ hiện nay của OCB là 5 – 6%/năm, bằng tiền đồng là 13 – 14 %/năm. Tuy nhiên, ông Tùng chia sẻ, tìm khách hàng tốt trao vốn trong lúc này khá khó khăn. Đáng chú ý, xu hướng nợ quá hạn đang tăng lên, các ngân hàng không thể cho vay một cách bừa bãi, nên OCB cũng rất thận trọng, dù tăng trưởng dư nợ đang âm.
Tại Eximbank, đến cuối tháng 5/2012, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng dương 2,4% so với mức âm 5% của tháng trước đó. Theo lãnh đạo Eximbank, tăng trưởng dư nợ âm là chuyện bình thường và không đáng lo ngại. Vì trước diễn biến nợ xấu gia tăng hiện nay, ngân hàng phải biết giữ an toàn, không thể đẩy tín dụng bằng mọi giá. Do đó, với chỉ tiêu tín dụng nhận được 17% cho năm nay, ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank nhận định, Ngân hàng sẽ dư “room”.
Để hỗ trợ cá nhân, DN bổ sung vốn SXKD, Eximbank đã triển khai chương trình cho vay VND có bảo hiểm tỷ giá, với lãi suất 7%/năm, kèm theo đó là thỏa thuận: nếu tỷ giá USD/VND trong kỳ vay tăng dưới 3%, khách hàng bù đắp phần tăng đó cho Ngân hàng; còn tỷ giá tăng cao hơn, Eximbank sẽ chịu phần tỷ giá tăng trên mức 3% đó. Các khoản vay là ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2012.
Theo lãnh đạo Eximbank, để có được lãi suất trên cùng cơ chế thỏa thuận về tỷ giá đi kèm là do Eximbank thực hiện chuyển đổi vốn ngoại tệ để cho vay. Sau 2 tuần triển khai, lượng vốn giải ngân lãi suất 7%/năm nói trên vào khoảng 2.700 tỷ đồng, với 234 khách hàng (35 cá nhân, 199 DN).
Tổng giám DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho rằng, lãi suất giảm là cơ hội để DN tiếp cận vốn vay, ngân hàng có thêm điều kiện tăng trưởng dư nợ. Nhưng trong bối cảnh sức mua của thị trường chưa cải thiện, hàng tồn kho chưa giảm, thì DN không mặn mà vay vốn đầu tư mới. Mặt khác, ngân hàng cũng ngại rủi ro nợ xấu nên chặt chẽ hơn khi cho vay.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng của DongA Bank từ đầu năm đến nay chỉ đạt 3%, song không vì thế mà Ngân hàng đẩy mạnh cho vay để đạt tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho phép là 15% trong năm 2012. “Quan điểm của HĐQT và Ban điều hành DongA Bank là không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá hay chạy đua lợi nhuận, mà quản trị tốt rủi ro để tạo lợi nhuận bền vững”, ông Bình nói.
Theo đánh giá của ông Bình, từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn giảm, nhưng điều đó chưa hẳn sẽ kích thích được tăng trưởng dư nợ tín dụng. Bởi lẽ, điều mà các DN quan tâm hơn là sức tiêu thụ của thị trường, khơi thông đầu ra cho sản phẩm.

Theo đầu tư chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không