Kiến thức Tài chính kế toán Bất cập trong chính sách thuế mới

Bất cập trong chính sách thuế mới

196
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời hạn đóng quỹ đang đến gần, trong khi chính sách thuế quá bất hợp lý khiến số lượng các quỹ đầu tư trên TTCK đứng trước nguy cơ “teo” lại.
Theo kế hoạch, ngày 3/7 tới, UBCK sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Thông tư hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán. Góp ý cho dự thảo Thông tư, các công ty quản lý quỹ (QLQ) nhìn nhận, nếu các quy định trong dự thảo không được điều chỉnh hợp lý hơn, thì ngành quỹ vẫn bị “bóp nghẹt”.

Nên giảm thuế TNDN

Ngành QLQ đầu tư Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn: thời hạn đóng quỹ của khá nhiều quỹ đầu tư đang cận kề, trong khi do thiếu các chính sách hỗ trợ, nhất là cơ chế thuế, nên việc huy động thêm quỹ mới gần như không thể. Theo các công ty QLQ, nếu không có chính sách hỗ trợ thỏa đáng kịp thời, thì nguy cơ số lượng các quỹ đầu tư “teo” đi là hiện hữu. Đáng nói, đây là điều hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Bộ Tài chính, UBCK, bởi cơ quan quản lý đang trông chờ lực lượng quỹ đầu tư đóng vai trò then chốt trong triển khai quyết sách tái cơ cấu cơ sở NĐT theo hướng nâng cao số lượng, chất lượng NĐT tổ chức chuyên nghiệp.
Theo dự thảo Thông tư, khi quỹ đầu tư chứng khoán, bất động sản chia lợi tức cho các NĐT, thì phần lợi tức được chia (trừ phần lợi tức được chia đã chịu thuế TNDN ở khâu trước và lãi trái phiếu thu được từ trái phiếu thuộc diện miễn thuế theo quy định) của NĐT, không phân biệt NĐT là tổ chức, cá nhân đầu tư trong nước hay tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài phải chịu thuế TNDN theo thuế suất 25%…
Xuất phát từ lý do ngành QLQ Việt Nam còn non trẻ và cần sử dụng chính sách thuế như một công cụ khuyến khích phát triển, ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Bông Sen nhìn nhận, mức thuế suất thuế TNDN 25% đánh vào các công ty QLQ như dự thảo Thông tư là quá cao và không hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian đầu, nếu không được miễn, thì nên giảm mức thuế này xuống còn một nửa. “Khi giảm bớt được gánh nặng thuế, các công ty QLQ mới có thể thu hút được NĐT, nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm trách vai trò của NĐT chuyên nghiệp”, ông Tài chia sẻ.
Cũng liên quan đến nghĩa vụ thuế TNDN, lãnh đạo một công ty QLQ đề nghị, dự thảo Thông tư cần quy định chi tiết các loại chi phí cơ bản trong hoạt động đầu tư chứng khoán như tiền lương, tiền thưởng, chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán… Dự thảo cũng cần bổ sung các quy định về phương pháp xác định giá chứng khoán tại thị trường tập trung và phi tập trung; đồng thời định nghĩa rõ ràng thế nào là thị trường tập trung và phi tập trung. Đặc biệt, đối với quỹ đầu tư chứng khoán được thành lập theo Luật Chứng khoán Việt Nam, dự thảo Thông tư cần đưa ra các khái niệm cụ thể về quỹ đóng, quỹ mở, quỹ bất động sản, trên cơ sở đó định ra phương pháp thu thuế đối với các loại hình đầu tư này hợp lý hơn. Với phương pháp tính thuế TNDN như trong dự thảo Thông tư, công ty QLQ trong nước sẽ rất khó huy động được vốn để lập quỹ vì thuế đánh lên NĐT góp vốn là quá cao. Ngành QLQ đã yếu sẽ càng yếu hơn.

Thuế TNCN: quá bất hợp lý

Cũng theo lãnh đạo một số công ty QLQ, điều rất bất hợp lý cần điều chỉnh là dự thảo Thông tư quy định, trường hợp quỹ đầu tư chứng khoán, bất động sản chia lợi tức cho NĐT cá nhân thì công ty QLQ có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế TNDN theo thuế suất 25% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế TNCN trước khi chi trả cho NĐT. Mức thuế này quá cao nếu so sánh với việc NĐT đầu tư vào DN sản xuất – kinh doanh và chỉ chịu 5% thuế cổ tức. Nếu quy định này thành hiện thực, thì có lẽ không một NĐT nào đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Khi đó, các công ty QLQ sẽ phải làm gì để lập quỹ và ngành công nghiệp QLQ trong nước sẽ ra sao? Theo thông lệ thế giới, ngành công nghiệp QLQ trong nước đóng vai trò then chốt trong hoạt động đầu tư chứng khoán, nên thường có chính sách ưu đãi thuế để cho ngành này phát triển, còn ở Việt Nam thì ngược lại.
Một bất hợp lý khác, theo các công ty QLQ là dự thảo Thông tư quy định: thu nhập từ chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phần của CTCP chưa đại chúng) được xác định bằng 20% trên thu nhập tính thuế đối với cá nhân cư trú hoặc 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại Việt Nam. Thực tế, phương pháp tính thuế 20% trên thu nhập, mà bản chất là lấy giá mua trừ giá bán trừ chi phí đã thất bại, bởi không tính được chi phí đầu tư, nên đã bộc lộ nhiều bất hợp lý.
Dự thảo thông tư quy định: đối với cổ tức trả bằng cổ phiếu thưởng thì cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu… Theo nhiều ý kiến, cũng sẽ là điều bất hợp lý nếu thực thi trong tương lai. Đánh thuế hay không thì cần phải căn cứ vào bản chất của nghiệp vụ đó có phát sinh thu nhập hay không. Trong khi trả cổ tức bằng cổ phiếu không phát sinh thu nhập, không làm thay đổi giá trị DN (vốn chủ sở hữu không thay đổi).
Tân Văn

Theo Tin nhanh chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không