Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm là những yếu tố mà kế toán vô cùng quan tâm. Vậy khái niệm, bản chất của chi phí sản xuất là gì? Giá thành sản phẩm ra sao? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!
1. Khái niệm chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất là toàn bộ hao phí về lao động sống, lao động vật hóa và các chi phí cần thiết khác mà doanh nghiệp bỏ ra có liên quan đến việc chế tạo sản phẩm, loại dịch vụ trong một thời kỳ nhất định.
Chi phí sản xuất kinh doanh là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các hao phí về lao động sống và lao động vật hóa mà doanh nghiệp bỏ ra có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm). Nói cách khác, bản chất chi phí sản xuất là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
>> ĐỌC THÊM: Kế toán tổng hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố
2. Các cách phân loại chi phí sản xuất chủ yếu
Có nhiều cách để phân loại chi phí sản xuất tùy theo từng đặc trưng của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Cụ thể:
Phân loại chi phí sản xuất theo tính chất kinh tế (yếu tố chi phí):
Để phục vụ cho việc tập hợp, quản lý chi phí theo nội dung kinh tế địa điểm phát sinh, chi phí được phân theo yếu tố. Cách phân loại này giúp cho việc xây dựng và phân tích định mức vốn lưu động cũng như việc lập, kiểm tra và phân tích dự toán chi phí.
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, toàn bộ chi phí được chi làm 7 yếu tố sau:
- Yếu tố nguyên liệu, vật liệu bao gồm toàn bộ giá trị nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, phụ tùng thay thế, công cụ dụng cụ… sử dụng vào sản xuất kinh doanh (loại trừ giá trị dùng không hết nhập lại kho và phế liệu thu hồi cùng với nhiên liệu, động lực).
- Yếu tố nhiên liệu, động lực sử dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh trong kỳ (trừ số dùng không hết nhập lại kho và phế liệu thu hồi).
- Yếu tố tiền lương và các khoản phụ cấp lương: phản ánh tổng số tiền lương và phụ cấp mang tính chất lượng phải trả cho người lao động.
- Yếu tố BHXH, BHYT, KPCĐ trích theo tỷ lệ quy định trên tổng số tiền lương và phụ cấp lương phải trả lao động.
- Yếu tố khấu hao TSCĐ phản ánh tổng số khấu hao TSCĐ phải trích trong kỳ của tất cả TSCĐ sử dụng cho sản xuất kinh doanh trong kỳ.
- Yếu tố chi phí dịch vụ mua ngoài phản ánh toàn bộ chi phí dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất kinh doanh.
- Yếu tố chi phí khác bằng tiền gồm toàn bộ chi phí khác bằng tiền chưa phản ánh vào các yếu tố trên dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Phân loại chi phí sản xuất theo công dụng kinh tế chi phí (khoản mục chi phí):
Căn cứ vào ý nghĩa của chi phí trong giá thành sản phẩm và để thuận tiện cho việc tính giá thành toàn bộ, chi phí được phân theo khoản mục cách phân loại này dựa vào công dụng của chi phí và mức phân bổ chi phí cho từng đối tượng.
Giá thành toàn bộ của sản phẩm bao gồm 5 khoản mục chi phí sau:
– Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
– Chi phí nhân công trực tiếp
– Chi phí sản xuất chung
– Chi phí bán hàng
– Chi phí quản lý doanh nghiệp
Trong đó:
+ Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là toàn bộ chi phí nguyên vật liệu được sử dụng trực tiếp cho quá trình sản xuất chế tạo sản phẩm, lao vụ, dịch vụ.
+ Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm tiền lương và các khoản phải trả trực tiếp cho công nhân sản xuất, các khoản trích theo tiền lương của công nhân sản xuất như kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
+ Chi phí sản xuất chung là các khoản chi phí liên quan đến việc phục vụ và quản lý sản xuất trong phạm vi các phân xưởng đội sản xuất, chi phí sản xuất chung bao gồm các yếu tố sau.
- Chi phí nhân viên phân xưởng: Bao gồm chi phí tiền lương, các khoản phải trả, các khoản trích theo lương của nhân viên phân xưởng và đội sản xuất.
- Chi phí vật liệu: Bao gồm chi phí vật liệu dùng chung cho phân xưởng sản xuất với mục đích là phục vụ quản lý sản xuất.
- Chi phí dụng cụ: Bao gồm về chi phí công cụ, dụng cụ ở phân xưởng để phục vụ sản xuất và quản lý sản xuất.
- Chi phí khấu hao TSCĐ: Bao gồm toàn bộ chi phí khấu hao của TSCĐ thuộc các phân xưởng sản xuất quản lý sử dụng.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: Gồm các chi phí dịch vụ mua ngoài dùng cho hoạt động phục vụ và quản lý sản xuất của phân xưởng và đội sản xuất.
- Chi phí khác bằng tiền: Gồm các khoản trực tiếp bằng tiền dùng cho việc phục vụ và quản lý và sản xuất ở phân xưởng sản xuất.
+ Chi phí bán hàng là chi phí lưu thông và chi phí tiếp thị phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, lao vụ, dịch vụ loại chi phí này có: chi phí quảng cáo, giao hàng, giao dịch, hoa hồng bán hàng, chi phí nhân viên bán hàng và chi phí khác gắn liền đến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa…
+ Chi phí quản lý doanh nghiệp là các khoản chi phí liên quan đến việc phục vụ và quản lý sản xuất kinh doanh có tính chất chung của toàn doanh nghiệp. Chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm:
- Chi phí nhân viên quản lý chi phí vật liệu quản lý.
- Chi phí đồ dùng văn phòng, khấu hao TSCĐ dùng chung toàn bộ doanh nghiệp.
- Các loại thuế, phí có tính chất chi phí.
- Chi phí tiếp khách, hội nghị.
Phân loại chi phí sản xuất theo công dụng:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Là chi phí nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ trực tiếp để chế tạo ra sản phẩm.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Bao gồm toàn bộ các khoản tiền lương, các khoản trích lương, phụ cấp mang tính chất lương của công nhân trực tiếp sản xuất.
- Chi phí sản xuất chung: Bao gồm toàn bộ những chi phí liên quan tới hoạt động quản lý phục vụ sản xuất trong phạm vi phân xưởng, tổ đội (chi phí nhân viên phân xưởng, nguyên vật liệu, chi phí công cụ, dụng cụ; chi phí khấu hao thiết bị sản xuất, nhà xưởng; dịch vụ mua ngoài; chi phí bằng tiền khác)
Phân loại theo nội dung của chi phí:
- Chi phí nguyên vật liệu, bao gồm các khoản chi phí phát sinh trong kỳ kinh doanh.
- Chi phí nhân công, gồm các khoản tiền lương, thưởng, khoản trích lương tính vào chi phí trong kỳ phục vụ cho quá trình sản xuất.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định, gồm giá trị hao mòn của tài sản cố định được sử dụng trong kỳ sản xuất của doanh nghiệp.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài.
- Chi phí bằng tiền.
Phân loại chi phí theo mối quan hệ với sản lượng sản xuất:
- Chi phí cố định: là những chi phí mà tổng số không thay đổi khi có sự thay đổi về mức độ hoạt động của đơn vị.
- Chi phí biến đổi: là những chi phí thay đổi tỷ lệ với mức độ hoạt động sản xuất của đơn vị.
Phân loại chi phí theo mối quan hệ với lợi nhuận:
- Chi phí thời kỳ: Là chi phí phát sinh sẽ làm giảm lợi nhuận kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Chi phí sản phẩm: Là các khoản chi phí phát sinh tạo thành giá trị của vật tư, tài sản hoặc thành phẩm và nó được coi là một loại tài sản lưu động của doanh nghiệp và chỉ trở thành phí tổn khi sản phẩm được tiêu thụ.
Phân loại chi phí theo đối tượng tập hợp chi phí và phương pháp tập hợp chi phí:
- Chi phí trực tiếp: Là những khoản chi phí phát sinh được tập hợp trực tiếp cho một đối tượng tập hợp chi phí.
- Chi phí gián tiếp: Là loại chi phí liên quan đến nhiều đối tượng, do đó người ta phải tập hợp sau đó tiến hành phân bổ theo những tiêu thức thích hợp.
3. Khái niệm về giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để sản xuất và tiêu thụ một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ. Giá thành bao gồm các khoản mục chi phí trực tiếp (như nguyên vật liệu, nhân công) và chi phí gián tiếp (như chi phí sản xuất chung). Đây là chỉ tiêu kinh tế quan trọng, phản ánh hiệu quả quản lý chi phí và quá trình tổ chức sản xuất của doanh nghiệp.
Vai trò của giá thành sản phẩm:
- Đánh giá hiệu quả sản xuất: Giá thành là cơ sở để đo lường hiệu quả sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp, từ đó cải thiện quy trình sản xuất và quản lý.
- Hỗ trợ định giá sản phẩm: Dựa trên giá thành, doanh nghiệp có thể xác định giá bán hợp lý để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đạt được lợi nhuận mục tiêu.
- Cơ sở để đưa ra các quyết định kinh doanh: Giá thành cung cấp thông tin cần thiết cho việc lập kế hoạch, lựa chọn chiến lược kinh doanh, hoặc đưa ra các quyết định mở rộng, cắt giảm sản xuất.
4. Phân loại giá thành sản phẩm
Có 2 cách phân loại giá thành sản phẩm thường được sử dụng bao gồm:
Theo thời điểm và nguồn số liệu:
- Giá thành kế hoạch: Là giá thành được tính trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch và sản lượng kế hoạch.
- Giá thành định mức: Là giá thành được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành và được tính cho một đơn vị sản phẩm.
- Giá thành thực tế: Là giá thành sản phẩm do kế toán tính toán dựa trên chi phí sản xuất thực tế và sản lượng thực tế xác định.
Theo chi phí phát sinh:
- Giá thành sản xuất
- Giá thành tiêu thụ
5. Cách tính giá thành cơ bản
PP1: Phương pháp trực tiếp (Phương pháp giản đơn)
Phương pháp này được áp dụng trong các doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất đơn giản, số lượng mặt hàng ít, sản xuất với số lượng lớn và chu kỳ ngắn.
Giá sản phẩm hoàn thành = CP SXKD DD đầu kỳ + Tổng CP SX SP – CP SX DD Ckỳ
Giá thành sản phẩm = Tổng Giá thành SP hoàn thành / Số lượng SP hoàn thành
PP2: Phương pháp tổng cộng chi phí
Áp dụng trong những doanh nghiệp mà quá trình sản xuất sản phẩm được thực hiện ở nhiều bộ phận sản xuất, nhiều giai đoạn và nhiều công nghệ, chi phí là các bộ phận chi tiết SP hoặc giai đoạn công nghệ hay bộ phận sản xuất.
Giá thành = Z1 + Z2 + … + Zn
PP3: Phương pháp hệ số
Với doanh nghiệp mà trong một chu kỳ sản xuất cùng sử dụng một thứ vật liệu và một lượng lao động nhưng thu được đồng thời nhiều sản phẩm Khác nhau và chi phí ko tập hợp riêng cho từng sản phẩm.
Giá thành đơn vị SP Gốc = Tổng giá thành của tất cả các loại SP / Tổng số sản phẩm gốc (Kể cả quy đổi)
Giá thành Đơn vị SP Từng loại = Giá thành Đơn vị SP Gốc * Hệ số quy đổi từng loại
Tổng giá thành sản xuất của các loại SP = Giá trị SP dở dang đầu kỳ + Tổng CP phát sinh trong kỳ – Giá trị sản phẩm DD cuối kỳ
PP4: Phương pháp tỷ lệ chi phí
Căn cứ vào tỷ lệ chi phí sản xuất thực tế với kế hoạch, kế toán sẽ tính ra giá thành đơn vị và tổng giá thành sản xuất từng loại
Giá thành Thực tế từng loại sản phẩm = Giá thành kế hoạch (Định mức) * Tỷ lệ CP
Tỉ lệ CP =Tổng giá thành thực tế của tất cả Sản phẩm / Tổng giá thành kế hoạch (Định mức) của tất cả sản phẩm
PP5: Phương pháp loại trừ giá trị sản phẩm phụ
Tổng giá thành SP chính = Giá trị SP Chính DD ĐKỳ + Tổng chi phí phát sinh trong kỳ – Giá trị SP phụ thu hồi ước tính- Giá trị SP Chính DD Ckỳ
PP6: Phương pháp liên hợp
Kết hợp nhiều phương pháp để tính giá thành sản phẩm.
Kế toán giá thành xác định đầy đủ các loại chi phí, từ đó xác định giá thành thực tế của sản phẩm làm cơ sở để xác định giá bán. Nhờ đó góp phần quản lý một cách chặt chẽ, nhằm tiết kiệm được vật tư, nhân công, góp phần làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
6. Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm
Chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có mối liên hệ chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Sự tác động qua lại giữa chi phí và giá thành: Chi phí sản xuất là yếu tố nền tảng để hình thành giá thành sản phẩm. Mỗi thay đổi trong chi phí sản xuất, dù nhỏ, đều tác động trực tiếp đến giá thành, làm tăng hoặc giảm mức giá bán ra. Ví dụ, khi chi phí nguyên vật liệu tăng, nếu không có các biện pháp kiểm soát, giá thành sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Cách tối ưu hóa chi phí để giảm giá thành: Tối ưu hóa chi phí là giải pháp quan trọng để giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể đạt được điều này bằng cách tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực như lao động, máy móc, nguyên vật liệu. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sẽ giúp giảm thời gian sản xuất, hạn chế sai sót và tối ưu hóa năng suất, từ đó tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
- Các chiến lược giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm: Để giảm chi phí mà vẫn duy trì chất lượng, doanh nghiệp cần chú trọng tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu ổn định với giá hợp lý. Bên cạnh đó, tối ưu hóa các quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu lãng phí và tiết kiệm năng lượng là một chiến lược hiệu quả. Đào tạo đội ngũ nhân sự có tay nghề cao cũng là yếu tố quan trọng, giúp giảm thiểu sai sót trong sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
7. Giải pháp quản lý chi phí và giá thành hiệu quả
Việc quản lý chi phí và giá thành hiệu quả là yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao lợi nhuận và năng lực cạnh tranh. Các giải pháp không chỉ tập trung vào cắt giảm chi phí mà còn cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và sự phát triển bền vững.
- Ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất: Việc áp dụng công nghệ hiện đại, như hệ thống ERP, và tự động hóa sản xuất, giúp doanh nghiệp giám sát và tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Công nghệ không chỉ giảm thiểu sai sót mà còn tăng tính minh bạch, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, từ đó tối ưu hóa chi phí hiệu quả.
- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý và sản xuất: Đào tạo đội ngũ nhân sự giúp nâng cao kỹ năng chuyên môn và năng lực quản lý, đảm bảo vận hành sản xuất hiệu quả hơn. Khi nhân viên được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, họ có thể kiểm soát tốt hơn các nguồn lực, hạn chế lãng phí và cải thiện chất lượng sản phẩm.
- Xây dựng hệ thống định mức và dự toán chi phí: Việc xây dựng hệ thống định mức và dự toán chi phí chi tiết giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu ngay từ đầu. Điều này không chỉ tạo cơ sở để đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định tài chính chính xác và hợp lý hơn.
- Tăng cường kiểm soát và báo cáo tài chính: Thực hiện kiểm soát tài chính thường xuyên và minh bạch hóa các báo cáo tài chính là giải pháp quan trọng để đảm bảo quản lý chi phí hiệu quả. Điều này giúp phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường, ngăn chặn thất thoát và tạo cơ sở cho các chiến lược tối ưu hóa chi phí trong dài hạn.
Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ yêu cầu của kế toán chi phí sản xuất và giá thành như:
– Tự động tổng hợp chi phí phát sinh trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí; tự động phân bổ chi phí sản xuất chung liên quan đến nhiều đối tượng tập hợp chi phí và tự động tính giá thành theo từng phương pháp tính giá thành
– Tự động cập nhật giá thành tính được vào chứng từ nhập kho thành phẩm, tự động tính ra giá cho các thành phẩm khi xuất kho
– Tự động nghiệm thu các công trình vụ việc, đơn hàng, hợp đồng.
Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME mới nhất cũng như trải nghiệm phần mềm miễn phí, anh/chị vui lòng điền form dưới đây: