Các hành vi vi phạm của các DN bảo hiểm sẽ được công bố công khai tên trên Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu.
Tại Hội nghị CEO DN bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Cục QLBH) có xin ý kiến các DN bảo hiểm về việc công bố công khai tên và hành vi vi phạm của các DN bảo hiểm trên Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu. Đây có thể là động thái thể hiện mong muốn siết chặt hơn nữa việc phòng chống và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm của cơ quan quản lý.
Tăng cường công khai DN vi phạm
Trên thực tế, thông tin về các vi phạm của DN bảo hiểm đã được đăng trên Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu của Cục QLBH. Tuy nhiên, mật độ đăng chưa nhiều, và trong những lần đó, có DN bảo hiểm đề nghị bỏ họ ra khỏi danh sách các DN vi phạm. Lần này, Cục QLBH xin ý kiến của các DN bảo hiểm về việc công bố công khai tên và hành vi vi phạm của các doanh nghiệp bảo hiểm trên Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu có lẽ là theo hướng đăng liên tục hơn, cụ thể hơn. Bởi lẽ, việc công khai này đã được pháp luật quy định (tại Nghị định số 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm), Cục QLBH với tư cách là cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động của các DN bảo hiểm… cứ thế mà làm.
Điều 38, Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ghi rõ: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được công bố công khai trên website của Bộ Tài chính, Trang thông tin của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) và báo cáo thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam”.
Thời gian gần đây, các DN bảo hiểm có xu hướng vi phạm các quy định về kinh doanh bảo hiểm ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành. Thực trạng này khiến cơ quan quản lý không khỏi băn khoăn.
Nâng cao năng lực quản lý, giám sát
Việc công khai các vi phạm của DN có ý nghĩa răn đe các DN khác và tăng cường hiệu quả xử lý với chính DN vi phạm, qua đó tăng áp lực buộc các DN phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, ngay công tác giám sát và thanh kiểm tra của cơ quan quản lý đối với các DN bảo hiểm để phát hiện hành vi vi phạm cũng còn nhiều hạn chế.
Theo Cục QLBH, việc quản lý giám sát được thực hiện qua 2 hình thức là giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ. Tuy nhiên, Cục mới chỉ tập trung giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật, chứ chưa thực hiện giám sát trên cơ sở đánh giá rủi ro đối với DN. Hoạt động giám sát từ xa còn thụ động, chủ yếu dựa trên báo cáo do DN cung cấp. Do vậy, phần lớn vụ việc được phát hiện trong quá trình thanh kiểm tra DN hoặc nhờ vào nguồn tin khác.
Trong khi đó, mặc dù hầu hết cán bộ quản lý đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng để có thể soi xét tường tận hoạt động của các DN đa năng tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, cán bộ quản lý phải có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng thì không có nhiều người làm được.
Theo quy định, hiện có 12 chỉ tiêu giám sát DN bảo hiểm phi nhân thọ và 14 chỉ tiêu giám sát DN bảo hiểm nhân thọ. Các chỉ tiêu này tập trung đánh giá những thay đổi về vốn, quy mô kinh doanh, khả năng tài chính, khả năng thanh toán, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ và tính thanh khoản trong hoạt động kinh doanh, nguy cơ rủi ro, khả năng giải quyết rủi ro… Tuy nhiên, các chỉ tiêu này được nghiên cứu từ các chỉ tiêu giám sát IRIS (Hoa Kỳ) nên còn một vài bất cập.
Ngoài ra, các DN kinh doanh dịch vụ tài chính có bảo hiểm đang chịu sự quản lý giám sát của nhiều cơ quan chức năng như Cục QLBH, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được quyền phối hợp với nhau trong việc giám sát, kiểm tra công ty con trong bảo hiểm/ngân hàng, nhưng trên thực tế vẫn chưa triển khai.
Được biết, sắp tới, AVI sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế khen thưởng các DN bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, Điều lệ Hiệp hội, tăng trưởng hiệu quả và có nhiều đóng góp cho thị trường bảo hiểm, đồng thời kiến nghị xử phạt nghiêm minh DN bảo hiểm vi phạm. Cần thiết AVI sẽ đề nghị Bộ Tài chính xử phạt hành chính đối với DN bảo hiểm.
Hơn 17 DN bảo hiểm sẽ bị “soi” trong năm nay
Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, trong năm 2012, Cục QLBH sẽ thực hiện thanh tra 4 DNBH, kiểm tra 13 DNBH và kiểm tra theo chuyên đề một số DNBH. Cụ thể, Cục sẽ thanh tra chính thức 3 DN bảo hiểm (ABIC, Manulife Việt Nam và AON), thanh tra dự phòng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI). Còn về kiểm tra, sẽ kiểm tra 5 DN bảo hiểm phi nhân thọ (Bảo hiểm NHTMCP Công thương Việt Nam; Hùng Vương; Chartis Việt Nam; Groupama và Fubon) và 5 DN bảo hiểm nhân thọ (Generali; Fubon; Cathay; Vietcombank- Cardif và Vietinbank Aviva).
Ngoài ra, trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm, Cục sẽ kiểm tra 3 DN là Jardine Lloyd Thompson; Cimeico và Sao Việt.
Còn việc kiểm tra theo chuyên đề lĩnh vực kinh doanh, Cục sẽ kiểm tra bảo hiểm xe cơ giới và hoa hồng bảo hiểm, đối tượng là các doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới lớn, nhưng không nằm trong danh sách đối tượng đã thanh tra và kiểm tra toàn diện. Cục sẽ kiểm tra chuyên đề chi hoa hồng đại lý bảo hiểm đối với Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Theo Tin nhanh chứng khoán
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông