Kiến thức Tài chính kế toán Quy trình kế toán các khoản phải thu

Quy trình kế toán các khoản phải thu

4366

Khái niệm kế toán phải thu khách hàng

Các DN hoạt động SXKD sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ kinh tế như: thanh toán với nhà nước, với cán bộ công nhân viên, thanh toán trong nội bộ, thanh toán với người mua, người cung cấp, … Tuy nhiên, hoạt động thường xuyên nhất là quan hệ với người mua hàng.
Các khoản phải thu của khách hàng là một loại tài sản của công ty tính dựa trên tất cả các khoản nợ, các giao dịch chưa thanh toán hoặc bất cứ nghĩa vụ tiền tệ nào mà các con nợ haykhách hàng chưa thanh toán cho công ty.
Các khoản phải thu của khách hàng được kế toán của công ty ghi lại và phản ánh trên bảng cân đối kế toán, bao gồm tất cả các khoản nợ công ty chưa đòi được, tính cả các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán.
Các khoản phải thu được ghi nhận như là tài sản của công ty vì chúng phản ánh các khoản tiền sẽ được thanh toán trong tương lai.

Nguyên tắc kế toán phải thu khách hàng

 a) Dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với khách hàng về tiền bán sản phẩm, hàng hóa, BĐSĐT, TSCĐ, các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ.
Tài khoản này còn dùng để phản ánh các khoản phải thu của người nhận thầu XDCB với người giao thầu về khối lượng công tác XDCB đã hoàn thành. Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ thu tiền ngay.
b) Khoản phải thu của khách hàng cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng, từng nội dung phải thu, theo dõi chi tiết kỳ hạn thu hồi (trên 12 tháng hay không quá 12 tháng kể từ thời điểm lập báo cáo) và ghi chép theo từng lần thanh toán.
Đối tượng phải thu là các khách hàng có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp về mua sản phẩm, hàng hóa, nhận cung cấp dịch vụ, kể cả TSCĐ, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính.
c) Bên giao ủy thác xuất khẩu ghi nhận trong tài khoản này đối với các khoản phải thu từ bên nhận ủy thác xuất khẩu về tiền bán hàng xuất khẩu như các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ thông thường.
d)Trong hạch toán chi tiết tài khoản này, kế toán phải tiến hành phân loại các khoản nợ, loại nợ có thể trả đúng hạn, khoản nợ khó đòi hoặc có khả năng không thu hồi được, để có căn cứ xác định số trích lập dự phòng phải thu khó đòi hoặc có biện pháp xử lý đối với khoản nợ phải thu không đòi được.
Khoản thiệt hại về nợ phải thu khó đòi sau khi trừ dự phòng đã trích lập được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Khoản nợ khó đòi đã xử lý khi đòi được, hạch toán vào thu nhập khác.
đ) Trong quan hệ bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng, nếu sản phẩm, hàng hóa, TSCĐ, BĐSĐT đã giao, dịch vụ đã cung cấp không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế thì người mua có thể yêu cầu doanh nghiệp giảm giá hàng bán hoặc trả lại số hàng đã giao.

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 131 – phải thu của khách hàng

Bên Nợ:
  • Số tiền phải thu của khách hàng phát sinh trong kỳ khi bán sản phẩm, hàng hóa, BĐSĐT, TSCĐ, dịch vụ, các khoản đầu tư tài chính;
  • Số tiền thừa trả lại cho khách hàng;
  • Đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập BCTC (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá ghi sổ kế toán).
Bên Có:
  • Số tiền khách hàng đã trả nợ;
  • Số tiền đã nhận ứng trước, trả trước của khách hàng;
  • Khoản giảm giá hàng bán trừ vào nợ phải thu của khách hàng;
  • Doanh thu của số hàng đã bán bị người mua trả lại (có thuế GTGT hoặc không có thuế GTGT);
  • Số tiền chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại cho người mua;
  • Đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng là khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập BCTC (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá ghi sổ kế toán).
Số dư bên Nợ:
  • Số tiền còn phải thu của khách hàng.
  • Tài khoản này có thể có số dư bên Có: Số dư bên Có phản ánh số tiền nhận trước hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng chi tiết theo từng đối tượng cụ thể.
  • Khi lập Báo cáo tình hình tài chính, phải lấy số dư chi tiết theo từng đối tượng phải thu của tài khoản này để ghi cả hai chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn”.

Kế toán thuế GTGT được khấu trừ – Tài khoản 133

Để hiểu hơn về kế toán thuế GTGT được khấu trừ. MISA xin thống kê lại các kiến thức về thuế GTGT được khấu trừ, sơ đồ Kế toán thuế GTGT được khấu trừ, và trình tự kế toán thuế GTGT được khấu trừ – tài khoản kế toán 133 theo Thông tư 200/2014/TT-BTC. Đồng thời cho bạn phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong bài viết này.

Thuế GTGT được khấu trừ

Khấu trừ thuế được áp dụng với loại hình thuế giá trị gia tăng – là việc doanh nghiệp xác định số thuế GTGT cần phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở lấy số thuế GTGT đầu ra trừ đi số thuế GTGT đầu vào.

Hiểu một cách cụ thể, khi doanh nghiệp mua hàng hóa – sẽ phải chịu mức thuế GTGT cho hàng hóa (là thuế GTGT đầu vào). Nhưng khi doanh nghiệp đem hàng hóa đó đi bán lại thì chủ thể mua hàng sẽ chịu mức thuế GTGT tính trên giá trị của hàng hóa đó (là thuế GTGT đầu ra).

Khi đó, số thuế GTGT mà doanh nghiệp mua hàng ban đầu cần phải nộp sẽ được tính bằng = thuế GTGT đầu ra – thuế GTGT đầu vào. Bản chất của thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng sản phẩm – dịch vụ cuối cùng, không để cùng một món hàng nhưng lại bị thu thuế trùng lặp nên mới cần đến hoạt động khấu trừ thuế.

Trình tự kế toán thuế GTGT được khấu trừ – tài khoản kế toán 133

Theo khoản 1 Điều 19 Thông tư 200/2014/TT-BTC khi hạch toán tài khoản 133 phải tuân theo 04 nguyên tắc kế toán sau:

  • Nguyên tắc 1: Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.
  • Nguyên tắc 2: Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.

Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.

  • Nguyên tắc 3: Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
  • Nguyên tắc 4: Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản kế toán 133

Theo khoản 2 Điều 19 Thông tư 200/2014/TT-BTC tài khoản 133 có kết cấu như sau:

Bên Nợ:

  • Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Bên Có:

  • Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
  • Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;
  • Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
  • Tài khoản 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

Kế toán phải thu các khoản phải thu nội bộ

Phải thu nội bộ là khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới với nhau. Bài viết này MISA sẽ cung cấp các thông tin về Kế toán phải thu nội bộ- TK 136 và trình tự Kế toán phải thu nội bộ.

Khái niệm về phải thu nội bộ

Phải thu nội bộ là khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

Cấp trên là Tổng Công ty, công ty phải là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh độc lập, không phải là cơ quan quản lý.

Cấp dưới là các đơn vị thành viên trực thuộc hoặc phụ thuộc tổng công ty, công ty nhưng là đơn vị có tổ chức kế toán riêng.

Nội dung các khoản phải thu nội bộ

  • Cấp phát điều chuyển vốn
  • Kinh phí giữa cấp trên với cấp dưới và giữa cấp dưới với nhau
  • Các khoản phải trả, phải nộp theo quy định
  • Các khoản thu hộ , chi hộ
  • Các khoản phải thu vãng lai khác

Do các đơn vị nội bộ cùng một đơn vị độc lập, cho nên khoản phải thu của đơn vị này sẽ là khoản phải trả của đơn vị nội bộ khác vì vậy cuối kỳ kế toán phải kiểm tra đối chiếu, xác nhận số phát sinh và số dư theo từng nội dung phải thu, phải trả nội bộ, tiến hành thanh toán bù trừ theo từng đối tượng

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, thì: Tài khoản 136 – Phải thu nội bộ dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới trực thuộc doanh nghiệp độc lập.

Tài khoản 136 – Phải thu nội bộ, có 4 tài khoản cấp 2

– Tài khoản 1361 – Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc: Tài khoản này chỉ mở ở doanh nghiệp cấp trên để phản ánh số vốn kinh doanh hiện có ở các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp cấp trên giao.

Tài khoản này không phản ánh số vốn công ty mẹ đầu tư vào các công ty con hoặc số vốn doanh nghiệp đầu tư các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập. Vốn đầu tư vào các đơn vị trên trong trường hợp này phản ánh trên tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.

  • Tài khoản 1362 – Phải thu nội bộ về chênh lệch tỷ giá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập BQLDA, dùng để phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh ở các BQLDA chuyển lên.
  • Tài khoản 1363 – Phải thu nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập BQLDA, dùng để phản ánh khoản chi phí đi vay được vốn hóa phát sinh tại BQLDA.
  • Tài khoản 1368 – Phải thu nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải thu khác giữa các đơn vị nội bộ.

Trình tự Kế toán phải thu nội bộ

Kế toán ở đơn vị cấp trên

1) Khi đơn vị cấp trên cấp hoặc giao vốn kinh doanh hoặc kinh phí sự nghiệp trực tiếp cho các đơn vị cấp dưới, ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
  • Có TK 111, 112, 152, 153,,,,

2) Trường hợp cấp vốn kinh doanh cho đơn vị cấp dưới bằng tài sản cố định, ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
  • Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
  • Có TK 211 –TSCĐ hữu hình (Nguyên giá)

3) Khi đơn vị cấp trên uỷ quyền cho đơn vị cấp dưới nhận vốn hoặc kinh phí trực tiếp từ ngân sách

– Kế toán đơn vị cấp trên ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
  • Có TK 411- Nguồn vốn kinh doanh

4) Tăng do nhận hàng viện trợ không hoàn lại, mua TSCĐ bằng vốn đầu tư XDCB hoặc quỹ đầu tư phát triển

Khi nhận báo cáo của của đơn vị cấp dưới nộp lên về số kinh doanh tăng do nhận hàng viện trợ không hoàn lại, mua TSCĐ bằng vốn đầu tư XDCB hoặc quỹ đầu tư phát triển, ghi:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
  • Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.

5) Vốn kinh doanh được bổ sung từ kết quả SXKD cho đơn vị cấp dưới

Khi duyệt báo cáo tài chính của đơn vị cấp dưới về số vốn kinh doanh được bổ sung từ kết quả SXKD cho đơn vị cấp dưới

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)
  • Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh

6) Nhận được tiền do đơn vị cấp dưới nộp lên

Trường hợp đơn vị cấp dưới phải hoàn lại vốn kinh doanh cho đơn vị cấp trên, khi nhận được tiền do đơn vị cấp dưới nộp lên:

  • Nợ TK 111, 112 – Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng
  • Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1361)

7) Khi phát sinh các khoản phải thu của đơn vị cấp dưới để lập quỹ quản lý cấp trên, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng phúc lợi hoặc về lãi kinh doanh phải nộp

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 353, 421

8) Khi phát sinh các khoản chi hộ cho các đơn vị cấp dưới:

  • Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 111, 112

9) Khi nhận được tiền của đơn vị cấp dưới nộp về các khoản cấp trên chi hộ:

  • Nợ TK 111, 112
  • Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)

10) Bù trừ các khoản nợ phải thu và nợ phải trả

  • Nợ TK 336 –Phải trả nội bộ
  • Có TK 136 – Phải thu nội bộ (1368)

11) Tổng hợp và duyệt quyết toán cho cấp dưới về các khoản chi sự nghiệp:

  • Nợ TK 161 – Chi sự nghiệp
  • Có TK 136 – Phải thu nội bộ

Kế toán phải thu nội bộ ở đơn vị cấp dưới

1) Khi chi hộ, trả hộ cho đơn vị cấp trên và các đơn vị nội bộ khác

  • Nợ TK 136- Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 111,112

2) Khi có văn bản, thông báo về số quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển hoặc số lỗ sẽ được cấp trên cấp bù đắp, ghi;

  • Nợ TK 136- Phải thu nội bộ (1368)
  • Có các TK 414, 353, 421…

3) Khi bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cho các đơn vị nội bộ khác hoặc cấp trên chưa thanh toán, ghi:

  • Nợ TK 136- Phải thu nội bộ (1368)
  • Có TK 512- Doanh thu bán hàng nội bộ
  • Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp

4) Khi nhận được các khoản thanh toán của cấp trên, của các đơn vị nội bộ khác:

  • Nợ TK 111, 112
  • Nợ TK 152,153…
  • Có TK 136- Phải thu nội bộ (1368)

5) Khi bù trừ các khoản phải thu và phải trả :

  • Nợ TK 336- Phải trả nội bộ
  • Có TK 136- Phải thu nội bộ (1368)

Kế toán các khoản phải thu khác

Các khoản phải thu khác là gì và nguyên tắc kế toán các khoản phải thu khác?

Phải thu khác trong tiếng Anh là Other receivables. Phải thu khác là các khoản phải thu ngoài các khoản phải thu của khách hàng, phải thu nội bộ như:

  • Giá trị tài sản thiếu đã được phát hiện nhưng chưa xác định được nguyên nhân, phải chờ xử lí;
  • Các khoản phải thu về bồi thường vật chất do cá nhân, tập thể gây ra như mất mát, hư hỏng vật tư, hàng hóa, tiền vốn,… đã được xử lý bắt bồi thường
  • Các khoản cho bên khác mượn bằng tài sản phi tiền tệ (nếu cho mượn bằng tiền thì phải kế toán là cho vay trên TK 1283)
  • Các khoản đã chi cho hoạt động sự nghiệp, chi dự án, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), chi phí sản xuất, kinh doanh nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thu hồi
  • Các khoản chi hộ phải thu hồi, như các khoản bên nhận uỷ thác xuất nhập khẩu chi hộ, cho bên giao uỷ thác xuất khẩu về phí ngân hàng, phí giám định hải quan, phí vận chuyển, bốc vác, các khoản thuế, …
  • Các khoản phải thu phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, như: Chi phí cổ phần hoá, trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, hỗ trợ đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá,…
  • Tiền lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận phải thu từ các hoạt động đầu tư tài chính
  • Các khoản phải thu khác ngoài các khoản trên.

Tài khoản kế toán 138

Để theo dõi tình hình hiện tại và biến động của các khoản phải thu ngoài phải thu khách hàng và phải thu nội bộ, kế toán sử dụng Tài khoản 138 – Phải thu khác

Kết cấu tài khoản kế toán 138

Bên Nợ:

  • Giá trị tài sản thiếu chờ giải quyết
  • Phải thu của cá nhân, tập thể đối với tài sản thiếu đã xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xử lý ngay
  • Số tiền phải thu về các khoản phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
  • Phải thu về tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các hoạt động đầu tư tài chính
  • Các khoản chi hộ bên thứ ba phải thu hồi, các khoản nợ phải thu khác
  • Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam)

Bên Có:

  • Kết chuyển giá trị tài sản thiếu vào các tài khoản liên quan theo quyết định ghi trong biên bản xử lý
  • Kết chuyển các khoản phải thu về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
  • Số tiền đã thu được về các khoản nợ phải thu khác
  • Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam)

Số dư bên Nợ:

Các khoản nợ phải thu khác chưa thu được.

Số dư bên Có:

Tài khoản này có thể có số dư bên Có. Số dư bên Có phản ánh số đã thu nhiều hơn số phải thu (trường hợp cá biệt và trong chi tiết của từng đối tượng cụ thể).

Nội dung tài khoản 138

Tài khoản 138 – Phải thu khác, có 3 tài khoản cấp hai:

Tài khoản 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý: Phản ánh giá trị tài sản thiếu chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý.

Về nguyên tắc trong mọi trường hợp phát hiện thiếu tài sản, phải truy tìm nguyên nhân và người phạm lỗi để có biện pháp xử lý cụ thể.

Chỉ hạch toán vào tài khoản 1381 trường hợp chưa xác định được nguyên nhân về thiếu, mất mát, hư hỏng tài sản của doanh nghiệp phải chờ xử lý.

Trường hợp tài sản thiếu đã xác định được nguyên nhân và đã có biên bản xử lý ngay trong kì thì ghi vào các tài khoản liên quan, không hạch toán qua tài khoản 1381.

Tài khoản 1385 – Phải thu về cổ phần hóa: Phản ánh số phải thu về cổ phần hóa mà doanh nghiệp đã chi ra, như: Chi phí cổ phần hoá, trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, hỗ trợ đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá,…

Tài khoản 1388 – Phải thu khác: Phản ánh các khoản phải thu của doanh nghiệp ngoài phạm vi các khoản phải thu phản ánh ở các TK 131, 133, 136 và TK 1381, 1385, như: Phải thu các khoản cổ tức, lợi nhuận, tiền lãi; Phải thu các khoản phải bồi thường do làm mất tiền, tài sản;…

Trình tự Kế toán các khoản phải thu khác

Tài sản cố định hữu hình dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát hiện thiếu, chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381) (giá trị còn lại của TSCĐ)
  • Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
  • Có TK 211 – Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá).

TSCĐ hữu hình dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hoặc hoạt động phúc lợi phát hiện thiếu, chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi giảm TSCĐ:

  • Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
  • Nợ TK 466 – Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại) (TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án)
  • Nợ TK 3533 – Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại) (TSCĐ dùng cho hoạt động phúc lợi)
  • Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá).

Đồng thời phản ánh phần giá trị còn lại của tài sản thiếu chờ xử lý, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)
  • Có TK 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
  • Có TK 338- Phải trả, phải nộp khác (TSCĐ dùng cho sự nghiệp, DA).

Trường hợp tiền mặt tồn quỹ, vật tư, hàng hóa ,… phát hiện thiếu khi kiểm kê:

a) Khi chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)
  • Có các TK 111, 152, 153, 155, 156.

b) Khi có biên bản xử lý của cấp có thẩm quyền đối với tài sản thiếu, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:

  • Nợ TK 111 – Tiền mặt (cá nhân, tổ chức nộp tiền bồi thường)
  • Nợ TK 1388 – Phải thu khác (cá nhân, tổ chức phải nộp tiền bồi thường)
  • Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị hao hụt mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ số thu bồi thường theo quyết định xử lý)
  • Nợ TK 811 – Chi phí khác (phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu qua kiểm kê phải tính vào tổn thất của doanh nghiệp)
  • Có TK 1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý.

c) Trường hợp tài sản phát hiện thiếu đã xác định được ngay nguyên nhân và người chịu trách nhiệm thì căn cứ nguyên nhân hoặc người chịu trách nhiệm bồi thường, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388 – Phải thu khác) (số phải bồi thường)
  • Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ số thu bồi thường theo quyết định xử lý)
  • Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
  • Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung
  • Có các TK 152, 153, 155, 156
  • Có các TK 111, 112.

Các khoản cho mượn tài sản tạm thời, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)
  • Có các TK 152, 153, 155, 156,…

Các khoản chi hộ bên thứ ba phải thu hồi, các khoản phải thu khác, ghi

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)
  • Có các TK liên quan.

Kế toán giao dịch ủy thác xuất – nhập khẩu tại bên nhận ủy thác:

a) Khi bên nhận uỷ thác chi hộ cho bên giao uỷ thác, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388) (nếu bên giao ủy thác chưa ứng tiền)
  • Nợ TK 3388- Phải trả phải nộp khác(trừ vào tiền nhận của bên giao ủy thác)
  • Có các TK 111, 112,…

b) Khi được doanh nghiệp uỷ thác xuất khẩu thanh toán bù trừ với các khoản đã chi hộ, kế toán doanh nghiệp nhận uỷ thác xuất khẩu ghi:

  • Nợ TK 338 – Phải trả khác (3388)
  • Có TK 138 – Phải thu khác (1388).

c) Kế toán chi tiết các giao dịch thanh toán xuất – nhập khẩu ủy thác được thực hiện theo hướng dẫn của tài khoản 338 – Phải trả khác;

Kế toán các khoản thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế nhập khẩu tại bên giao và nhận ủy thác thực hiện theo hướng dẫn của tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

Định kỳ khi xác định tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận được chia phải thu, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112,…. (số đã thu được tiền)
  • Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)
  • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

Khi thu được tiền của các khoản nợ phải thu khác, ghi:

  • Nợ TK 111 – Tiền mặt
  • Nợ TK 112 – Tiền gửi Ngân hàng
  • Có TK 138 – Phải thu khác (1388).

Khi có quyết định xử lý nợ phải thu khác không có khả năng thu hồi:

  • Nợ TK 111 – Tiền mặt (số bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan)
  • Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
  • Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (nếu được bù đắp bằng khoản dự phòng phải thu khó đòi)
  • Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (số hạch toán vào chi phí)
  • Có TK 138 – Phải thu khác (1388 – Phải thu khác).

Khi các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục bán các khoản phải thu khác (đang được phản ánh trên Bảng Cân đối kế toán) cho công ty mua bán nợ, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112,…. (số tiền thu được từ việc bán khoản nợ phải thu)
  • Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (số chênh lệch được bù đắp bằng khoản dự phòng phải thu khó đòi)
  • Nợ các TK liên quan (số chênh lệch giữa giá gốc khoản nợ phải thu khó đòi với số tiền thu được từ bán khoản nợ và số đã được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi)
  • Có TK 138 – Phải thu khác (1388).

Khi phát sinh chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ghi:

  • Nợ TK 1385 – Phải thu về cổ phần hóa (chi tiết chi phí cổ phần hóa)
  • Có các TK 111, 112, 152, 331,…

Khi kết thúc quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp phải báo cáo và thực hiện quyết toán các khoản chi về cổ phần hóa với cơ quan quyết định cổ phần hóa.

Tổng số chi phí cổ phần hóa, chi trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, chi hỗ trợ đào tạo lại lao động,… được trừ (-) vào số tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ghi:

  • Nợ TK 3385 – Phải trả về cổ phần hóa (tiền thu bán cổ phần thuộc vốn NN)
  • Có TK 1385 – Phải thu về cổ phần hóa.

Các khoản chi cho hoạt động sự nghiệp, dự án, chi đầu tư XDCB, chi phí SXKD nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thu hồi, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác
  • Có các TK 161, 241, 641, 642,…

Khi lập Báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu khác có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:

Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:

  • Nợ TK 138 – Phải thu khác
  • Có TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).

Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:

  • Nợ TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
  • Có TK 138 – Phải thu khác

Kế toán dự phòng nợ phải thu khó đòi

Tài khoản kế toán 139 – Dự phòng phải thu khó đòi

Tài khoản 139 dùng để phản ánh tình hình trích lập, sử dụng và hoàn nhập khoản dự phòng các khoản phải thu khó đòi hoặc có khả năng không đòi được vào cuối niên độ kế toán.

Bên Nợ:

  • Hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
  • Xoá các khoản nợ phải thu khó đòi.

Bên Có:

  • Số dự phòng nợ phải thu khó đòi được lập tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp.

Số dư bên Có:

  • Số dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi hiện có cuối kỳ.

Quyết định xóa nợ cần chuẩn bị những loại hồ sơ, chứng từ

  • Biên bản của hội đồng xử lý nợ của doanh nghiệp: Ghi rõ giá trị từng khoản nợ phải thu, giá trị nợ đã thu hồi được, giá trị thiệt hại thực tế ( sau khi đã trừ đi các khoản thu hồi được ).
  • Bảng kê chi tiết các khoản nợ phải thu đã xoá => căn cứ hạch toán.
  • Quyết định của toà án cho xử lý phá sản doanh nghiệp.
  • Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với người nợ đã chết nhưng không có tài sản thừa kế để trả nợ.
  • Giấy xác nhận của chính quyền địa phương đối với người còn sống nhưng không có khả năng trả nợ.
  • Lệnh truy nã của cơ quan pháp luật với người nợ bỏ trốn
  • Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý xoá nợ không thu hồi được.

Những điều kiện, căn cứ để trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

Những điều kiện, căn cứ để trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Theo Khoản 1, Điều 6 Thông tư 228/2009/TT-BTC quy định điều kiện: là các khoản nợ phải thu khó đòi như sau:

– Khoản nợ được xác định là các khoản phải thu khó đòi phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của bên nợ về số tiền còn nợ, bao gồm: hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ và các chứng từ khác.

Theo đó, các khoản không đủ căn cứ xác định là nợ phải thu theo quy định này phải xử lý như một khoản tổn thất.

Căn cứ để xác định là khoản nợ phải thu khó đòi là:

  • Các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn phải thanh toán ghi trên hợp đồng kinh tế giữa hai bên, các khế ước vay nợ hoặc các cam kết vay nợ khác.
  • Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Phương pháp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Khi có bằng chứng tin cậy về tổn thất nợ phải thu, kế toán tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh các khoản nợ khó đòi, cụ thể:

Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:

  • Đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ trên 6 tháng đến dưới 1 năm trích lập 30% giá trị.
  • Đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm trích lập 50% giá trị.
  • Đối với khoản nợ phải thu khó đòi quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm. Trích lập 70% giá trị
  • Đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên được trích lập 100% giá trị.

Quy định về trích lập dự phòng Nợ phải thu khó đòi

– Doanh nghiệp được dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng.trong trường hợp với nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết…

– Sau khi tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi của mình, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết. Lấy đó, làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp mình.

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ tài chính kế toán như:

– Tự động hạch toán các chứng từ thu, chi tiền theo từng loại tiền (nội tệ, ngoại tệ) giúp tiết kiệm thời gian nhập liệu

– Dự báo dòng tiền thu, chi trong tương lai giúp doanh nghiệp tối ưu vòng quay vốn.

– Dịch vụ ngân hàng điện tử: Chuyển tiền điện tử; Tra cứu số dư tài khoản; Tra cứu lịch sử giao dịch; Tự động đối chiếu sổ phụ ngân hàng, tự động hạch toán các giao dịch thu, chi tiền tiền gửi ngay trên phần mềm.

– Cho phép tổng hợp công nợ phải thu theo từng khách hàng, nhân viên bán hàng, bộ phận bán hàng, thị trường, hợp đồng, đơn đặt hàng; hóa đơn, hạn nợ…

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không