Kiến thức Tài chính kế toán Để huy động vốn thành công

Để huy động vốn thành công

576
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamHuy động vốn đã khó, sử dụng số vốn đó sao cho hiệu quả còn khó hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch thật hoàn hảo trước khi huy động vốn. 
Nhu cầu huy động vốn luôn là vấn đề bức xúc không chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu mà ngay với cả các doanh nghiệp lớn trước áp lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Mặc dù hiện nay các kênh huy động vốn đã đa dạng hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn cần chuẩn bị rất nhiều để huy động và sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Liệu cơm gắp mắm
Ngoàicông cụ huy động vốn truyền thống như vay ngân hàng, vay vốn nội bộ, hiện nay doanh nghiệp đã có nhiều lựa chọn hơn để huy động vốn như phát hành cổ phiếu, trái phiếu tăng vốn, trái phiếu chuyển đổi…
Mỗi công cụ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, vì thế doanh nghiệp phải cân nhắc vào tình hình thực tại của mình để lựa chọn cho phù hợp. Ví dụ, với doanh nghiệp mới chưa tạo được vị thế trên thương trường thường sử dụng các công cụ truyền thống, nhưng với các doanh nghiệp lớn thì việc huy động vốn trong công chúng dễ dàng hơn thông qua hình thức phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu. Hai hình thức này được xem là hiệu quả khi huy động một lượng vốn lớn trong thời gian nhất định. Việc huy động bằng trái phiếu hay cổ phiếu cũng gây áp lực về hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp, nên phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định chọn loại công cụ nào.
Huy động từ nguồn vốn cũ vẫn tốt hơn
Trong nhiều trường hợp, khi huy động vốn doanh nghiệp không nhất thiết phải sử dụng những công cụ mới. Thực tế đã chứng minh, chi phí huy động vốn mới sẽ cao hơn chi phí huy động từ những nguồn sẵn có. Vì vậy, tại các ngân hàng thương mại, nhân viên luôn khuyến khích khách hàng tái gửi vào ngân hàng sau khi đáo hạn. Đối với doanh nghiệp, việc huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu bao giờ cũng dễ nhận được sự đồng tình và thuận lợi hơn khi huy động từ bên ngoài.
Nếu huy động từ nguồn sẵn có như cổ đông chẳng hạn, doanh nghiệp không phải tốn thêm chi phí quảng bá, cũng không tốn nhiều thủ tục phí, đồng thời tạo điều kiện để cổ đông gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Việc hàng loạt doanh nghiệp niêm yết thành công trong việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là một minh chứng cho việc sử dụng nguồn lực sẵn có. Đối với việc vay vốn ngân hàng đã thiết lập quan hệ tín dụng, việc tiếp tục các khỏan vay cũng giảm được nhiều chi phí thẩm định và thời gian cũng ngắn hơn. Vì thế, trước khi huy động vốn, doanh nghiệp nên đánh giá nguồn lực sẵn có để tận dụng triệt để cho việc huy động vốn.
Chuẩn bị tâm lý khi huy động vốn
Ngoài hồ sơ pháp lý và những điều kiện cần thiết, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm lý trước và sau khi huy động vốn. Áp lực tâm lý đầu tiên khi huy động vốn là sợ không huy động đủ số vốn cần thiết. Khi đó, các dự án hoặc kế hoạch kinh doanh có nguy cơ bị chậm trễ, dẫn đến thất bại của toàn bộ dự án. Vì vậy, cần chuẩn bị nhiều phương án huy động vốn dự phòng.
Sau khi huy động đủ số vốn cần thiết, doanh nghiệp còn phải chịu áp lực từ việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả. Sự chuẩn bị tâm lý này còn quan trọng hơn cả trước khi huy động vốn. Nếu là vốn vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, thì áp lực trả lãi vay rất lớn. Do đó, trong phương án kinh doanh, phải lường trước mọi rủi ro, kể cả những tình huống do chủ quan gây ra, dẫn đến việc sử dụng vốn huy động không hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn rủi ro này không được doanh nghiệp quan tâm đúng mức, hoặc chỉ đưa ra điều lệ theo yêu cầu của ngân hàng hoặc theo định luật. Như vậy, khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp thường trở tay không kịp. Hiệu quả sử dụng vốn kém cũng khiến cho những lần huy động kế tiếp khó khăn hơn.
Thông thường, doanh nghiệp chỉ tập trung nguồn lực ở khâu huy động vốn mà quên rằng, chuẩn bị nguồn lực để quản lý số vốn huy động được cũng quan trọng không kém. Nhiều doanh nghiệp sau khi huy động được vốn lại lúng túng trước nguồn vốn quá lớn so với khả năng quản lý hiện có, nhất là những doanh nghiệp huy động vốn qua hình thức phát hành cổ phiếu qua công chúng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp được nhà đầu tư đánh giá cao nên việc huy động vốn khá dễ dàng và phần thặng dư vốn đôi khi lớn gấp nhiều lần số vốn cần thiết.
Phương án sử dụng vốn hiệu quả
Một số doanh nghiệp sau khi huy động vốn mới phát hiện ra nguồn nhân lực của mình vừa thiếu lại vừa yếu về nghiệp vụ để quản lý số vốn lớn, dẫn đến một nghịch lý mà doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải là vừa thừa vừa thiếu vốn. Một số doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng, chưa có kế họach cho phần vốn thặng dư đành phải lấy phần thặng dư chia lại cho cổ đông, trong khi phải tăng lãi suất tiết kiệm để huy động thêm vốn. Hoặc một số doanh nghiệp đi vay ngân hàng để hưởng lãi suất thấp hơn. Vì thế, doanh nghiệp nên bắt đầu một kế họach tốt, có nhiều phương án sử dụng vốn cũng như chuẩn bị cả nguồn nhân sự và kỹ thuật để quản lý số vốn huy động hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp sau khi huy động vốn cho những dự án, kế hoạch kinh doanh cụ thể không nhất thiết phải rập khuôn theo những gì đã cam kết mà có thể linh hoạt sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn này phải tuân thủ pháp luật và được ghi rõ trong hợp đồng vay vốn hoặc trong bản cáo bạch, nhất là trong các phương án sử dụng vốn dự phòng. Doanh nghiệp có thể sử dụng vốn huy động ban đầu để đầu tư vào các dự án và dùng chính những dự án này để huy động vốn tiếp theo. Chình vì vậy, khâu chuẩn bị phương án sử dụng vốn là rất quan trọng, không phải chỉ để huy động một lần duy nhất, mà chính thành công trong huy động vồn lần đầu sẽ tạo được tiền đề tốt cho những lần huy động kế tiếp.

Theo nhipcau

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không