Kiến thức Tài chính kế toán Hải quan Hà Nội gặp khó trong chuyện thu thuế

Hải quan Hà Nội gặp khó trong chuyện thu thuế

115
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTheo Cục Hải quan Hà Nội, tính đến trung tuần tháng 5-2012, tại đơn vị còn hơn 822 tỉ đồng thuế nợ quá hạn. Với chỉ tiêu thu hồi nợ thuế quá hạn năm 2012 là 432 tỷ đồng, Cục Hải quan Hà Nội đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thu hồi nợ.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Nội, số nợ quá hạn trên 90 ngày đơn vị đã thu được từ đầu năm đến nay là 17,94 tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với chỉ tiêu 432 tỷ đồng cần phải thu hồi.
Từ đầu năm đến trung tuần tháng 5-2012, Cục Hải quan Hà Nội đã thu được hơn 5.800 tỷ đồng vào NSNN, đạt 31,34% kế hoạch được giao.
Tổng số nợ đọng hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó số nợ quá hạn là hơn 822 tỷ đồng, phát sinh so với số liệu năm 2011 khoảng 196 tỷ đồng.

Kẽ hở

Mặc dù trong giai đoạn 2007-2011, số thu NSNN tại Cục Hải quan Hà Nội tăng 150%, tốc độ thu NSNN tăng bình quân 30%/năm; tỷ lệ giữa nợ thuế quá hạn trên tổng số thu NSNN hàng năm có xu hướng giảm xuống từ 9,1% năm 2007 xuống còn 3,7% năm 2011; nhưng trên thực tế những kẽ hở trong quản lý vẫn khiến cho các DN lợi dụng gây thất thu một lượng lớn NSNN. Đặc biệt, khoản nợ 321,4 tỷ đồng theo chính sách nội địa hóa xe máy năm 2001 là khoản nợ khó có khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, địa bàn quản lý của Hải quan Hà Nội trải dài trên 6 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Hòa Bình) khiến cho công tác thu NSNN tại Cục Hải quan Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn.
Tại Chi cục Hải quan Bắc Ninh, số nợ thuế quá hạn năm sau so với năm trước tuy đã giảm cả về số tuyệt đối và tỉ lệ, nhưng số nợ khó thu hồi chiếm tỷ trọng cao. Trong tổng số nợ quá hạn trong năm 2011 thì có tới 100,6 tỷ đồng/109,8 tỷ đồng là nợ khó thu. Báo cáo của Chi cục Hải quan Bắc Ninh cho thấy, có đến 99,7% số nợ khó thu là của các DN xe máy.
Nguyên nhân dẫn đến việc các DN cố tình chây ỳ, nợ thuế là do chính sách thuế trước 31-12-2006 khi Quốc hội chưa ban hành Luật Quản lý thuế. Ở thời điểm đó, các DN XNK hàng hóa đều được hưởng chính sách ân hạn thuế, tuy nhiên sau khi Luật Quản lý thuế được ban hành, những tờ khai phát sinh trước 1-7-2007 sẽ bị truy thu thuế. Tuy nhiên đến hạn truy thu, các DN này cố tình chây ỳ và cho rằng ở thời điểm mở tờ khai DN đã hoàn thành các thủ tục.
Bên cạnh đó, không loại trừ việc một số DN đã lợi dụng những chính sách ưu đãi về thuế như quy định ân hạn thời gian nộp thuế, khai báo sai tên tên hàng, thành phần, nguồn gốc… nhằm gian lận thuế, trốn thuế khiến cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức thu thuế, áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý nợ thuế đối với những DN này.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN đã làm ăn thua lỗ không có khả năng thanh toán tiền thuế cố tình chây ỳ hoặc bỏ trốn.

Đồng bộ các giải pháp

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thu thế, theo các chi cục hải quan cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng, giao và thực hiện dự toán thu NSNN, xác định trị giá và phân loại hàng hóa, quản lý hải quan và xuất xứ hàng hóa, tăng cường công tác quản lý rủi ro… Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, giảm thiểu tối đa những kẽ hở DN lợi dụng gian lận thuế.
Theo Chi cục Hải quan Bắc Ninh, cần sửa Luật Quản lý thuế theo hướng hàng hóa XNK chưa nộp thuế, nhưng có bảo lãnh của tổ chức tín dụng thì được thông quan nhưng phải trả lãi chậm nộp để hạn chế tình trạng nợ đọng thuế.
Đồng thời, bổ sung các quy định về phân loại hàng hóa, xác định trị giá, xác định xuất xứ trước khi làm thủ tục để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính pháp lý của quy định này, khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa, xác định trị giá, xác định xuất xứ chưa thống nhất, nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận, trốn thuế qua phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ.
Bên cạnh việc xây dựng chế tài nghiêm khắc cần phải tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời chế độ chính sách pháp luật của hải quan đến DN, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế tối đa mức độ rủi ro trong thu ngân sách.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng, như cơ quan Thuế, Công an và chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng thuế.
N.Linh

Theo báo Hải Quan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không