Thảo luận về các phương án miễn, giảm, giãn thuế mà Chính phủ đề xuất tại phiên họp sáng 13.7, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức, đối tượng đề xuất miễn giảm. Một số các lý do chính được xem như sau :
Miễn thuế TNCN quá ít
Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 1.8 đến hết ngày 31.12.2011 (trong 5 tháng) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh của các cá nhân có thu nhập đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1. Cụ thể, các cá nhân thuộc diện miễn thuế bao gồm cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có 1 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tháng…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH – ông Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến trong ủy ban này cho rằng, trong điều kiện khó khăn, cần có sự động viên các đối tượng nộp thuế nên đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn thuế, bởi “việc miễn thuế TNCN đối với thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 như phương án Chính phủ đề xuất chỉ mang tính động viên, sức lan tỏa của chính sách không lớn, chưa bảo đảm tính công bằng, không giúp nhiều cho các cá nhân vượt qua khó khăn vì mức thuế được miễn quá ít”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu sau đó giãi bày: Tác động từ chính sách miễn thuế không lớn nhưng đây là đối tượng tạo ra của cải vật chất nên cũng muốn động viên, hỗ trợ. Vấn đề này tùy Ủy ban TVQH quyết định.
Chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Theo đề xuất của Chính phủ, ngoài các DN nhỏ và vừa được gia hạn nộp thuế theo Quyết định số 21 của Thủ tướng, sẽ tiếp tục mở rộng gia hạn nộp thuế TNDN trong 1 năm đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2011 tính trên phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.
Chính phủ cũng đề nghị QH cho phép giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với các DN thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN năm 2011 nêu trên.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH đề nghị chỉ xem xét miễn thuế đối với DN vừa và nhỏ (236.500 DN), không miễn đối với toàn bộ DN thuộc diện gia hạn nộp thuế vì các DN thuộc diện phải nộp thuế là các DN làm ăn có lãi, có thu nhập. “Khó khăn cần tháo gỡ hiện nay là cần tập trung vào việc tạo điều kiện cho DN có cơ hội tiếp cận được các nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm của ủy ban này.
Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết ông chưa yên tâm về giải pháp miễn, giảm thuế cho DN mà Chính phủ đề xuất vì giải pháp đó “chưa đúng bệnh”. “Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vốn nhưng lãi suất rất cao khiến họ không tiếp cận được. Đó là vấn đề bức xúc nhưng không giải quyết được”.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai lại đồng ý với kiến nghị của Chính phủ về việc mở rộng đối tượng DN được miễn thuế vì cho rằng, “có những DN sử dụng lao động lớn đang lâm vào khó khăn, thu nhập người làm công thấp dẫn tới đình công nhiều nơi, sắp tới lại thực hiện tăng lương cho người lao động theo lộ trình Chính phủ dự kiến thực hiện trong năm 2011 nên việc miễn thuế cũng là giải pháp hỗ trợ phần nào khó khăn cho các DN”. Đồng quan điểm này, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước đề nghị phải giám sát chặt quá trình thực hiện để đảm bảo việc miễn, giảm thuế đến đúng đối tượng cần được thụ hưởng.
Băn khoăn quản lý giảm thuế kinh doanh nhà trọ
Không ít thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ lo ngại về tính khả thi của phương án giảm 50% mức thuế khoán thuế VAT, thuế TNDN, thuế TNCN từ quý 3 năm nay đến hết năm 2011 mà Chính phủ đề xuất, áp dụng với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện cam kết giữ ổn định mức giá cho thuê, mức giá trông, giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm ngoái.
Đại diện cho cơ quan trình – Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, vừa rồi TP.HCM và một số tỉnh lân cận huy động các cấp chính quyền địa phương, cả các đoàn thể vận động thành công các hộ kinh doanh nói trên thực hiện cam kết việc giữ giá các dịch vụ. “Chúng tôi vào TP.HCM kiểm tra thấy hiệu quả nên mới trình QH cho giảm thuế”, Bộ trưởng nói. Tuy vậy, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng vẫn hoài nghi tính khả thi của phương án này khi cơ quan chức năng đang bất lực trước tình trạng các chủ nhà trọ thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn nhiều so với giá mua của ngành điện. “Hơn nữa, chúng ta không có chế tài gì xử lý nếu các hộ kinh doanh nói trên không thực hiện đúng cam kết giữ giá như cũ, dù được miễn thuế. Trong trường hợp đó, cùng lắm chỉ có thể áp dụng giải pháp không giảm thuế nữa”, ông Vượng cảnh báo.
Ủng hộ đề xuất của Chính phủ về thực hiện giảm thuế cho các đối tượng trên, tuy nhiên bà Trương Thị Mai đề nghị, về lâu dài không đưa chính sách xã hội vào thuế mà nên thực hiện trợ cấp trực tiếp với đối tượng cần trợ cấp.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh Ủy ban TVQH chỉ xem xét việc chuẩn bị tờ trình đề nghị miễn, giảm, giãn thuế còn thẩm quyền quyết định là của QH và đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra cân nhắc ý kiến các Ủy viên TVQH để hoàn chỉnh tờ trình báo cáo QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.
Theo Báo Thanh Niên
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông