Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho việc tăng lãi suất huy động, gián tiếp cho phép lách lãi suất huy động 13 tháng có thể trên 9%. Thế là các Ngân hàng Thương mại bắt đầu chính sách tăng lãi huy động 13 tháng lên đến 13,5%/năm. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Cho phép tăng lãi suất huy động là để hút tiền trong lưu thông nhằm tăng năng lực đầu tư cho các Ngân hàng (mà cũng có thể tăng khả năng thanh khoản ngân hàng). Chính sách này có thể làm cho Ngân hàng có điều kiện về vốn huy động dài hạn, nhưng có điều ngân hàng nhà nước không biết là các Ngân hàng đang “đói” ngắn hạn, cho nên thay vì huy động thời hạn 3 năm là trên 9%, các Ngân hàng thương mại huy động vượt trần bằng cách kéo thời hạn thành 13 tháng. Quá đẹp để lách luật. 1 tháng thì có là bao kia chứ. Gửi 12 tháng hưởng 9%, gửi 13 tháng hưởng đến gần 15%, người gửi nào cũng muốn thế. Có nghĩa là, sắp tới, toàn bộ người gửi tiền sẽ gửi 13 tháng. Chính sách giảm lãi huy động của ngân hàng nhà nước xuống 9% tháng trở nên không còn tác dụng.
Liệu có một cuộc đua lãi suất huy động 13 tháng !
Nếu Ngân hàng Thương mại huy động 13 tháng là 15% thì mức cho vay 13 tháng là 21% cũng chẵng ai dám làm gì ngân hàng thương mại, bởi là do Doanh nghiệp (DN) vay 12 tháng thì không có nguồn cho vay 12 tháng đâu, mà phải vay trên 12 tháng.
Trừ khi có một chuyện kế tiếp xảy ra, đó là ngân hàng nhà nước ban hành trần cho vay của tất cả các loại hình vay ngắn hạn hay dài hạn hay ..v.v. là 13%/năm, thì khi đó ngân hàng thương mại đâu có dám lách huy động 13 tháng.
Cùng với quyết định giảm lãi suất huy động VND xuống 9%/năm kể từ hôm nay, ngân hàng nhà nước cũng áp mức trần cho vay 13%/năm đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải thích cho quyết định này, ngân hàng nhà nước nói: Nếu áp dụng một mức trần lãi suất cho vay chung sẽ dẫn đến tình trạng cào bằng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng khách hàng, không phân biệt được các đối tượng cần khuyến khích và đối tượng không khuyến khích. Các lĩnh vực ưu tiên cần có một mức lãi suất thấp hơn; trong khi đó, đối với các lĩnh vực không khuyến khích, là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải kiểm soát chặt chẽ theo chủ trương của Chính phủ, thì lãi suất cho vay có thể cao hơn.
Có nghĩa là các loại hình khác có thể cho vay đến 25%/năm! ngân hàng nhà nước không ấn định mức trần cho các loại hình khác, bằng cách giải thích …”lãi suất cho các ngành khác có thể cao hơn do tiềm ẩn rủi ro….” Là một lý giải không thuyết phục. Đúng là các lĩnh vực cần ưu tiên phải có một mức lãi cho vay thấp, nhưng những lĩnh vực khác không cần ưu tiên cũng phải có một hạn mức lãi chứ không thể giao cho các ngân hàng thương mại tự ấn định lãi vay vào các đối tượng khác. Vì nếu như vậy thì ngân hàng thương mại sẽ chỉ huy động 13 tháng và cho vay các đối tượng khác mà không cho vay các đối tượng ưu đãi. Thế là mọi chuyện sẽ trở về như trước đây mà thôi. ngân hàng nhà nước đang “lầm tưởng” các ngân hàng thương mại đang rất “nhiệt huyết vì nền kinh tế”. Nếu họ nhiệt huyết và trách nhiệm thì từ trước đâu cần ngân hàng nhà nước dùng “hành chính” hạ lãi huy động!
Một ngày kia, khi một khách hàng DN nhỏ đến vay, Cán bộ tín dụng sẽ “chào” : Lãi ưu đãi em không có nguồn, nhưng em có nguồn vay lãi cao. Anh thấy thế nào!
Vậy ngân hàng nhà nước sắp tới sẽ làm gì ?
Có khả năng ngân hàng nhà nước sắp tới sẽ ấn định trần lãi suất cho vay cho tất cả các đối tượng còn lại. Nếu ngân hàng thương mại nào đang huy động quá cao và nhiều thì sẽ “hố hàng”. Cách thức bất ngờ của ngân hàng nhà nước kiểu này không phải là kiểu quản lý tường minh, nhưng nếu không làm thế thì lại vô tình vô hiệu hóa các chính sách đã ban hành.
Theo Tài chính doanh nghiệp
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông