Kiến thức Tài chính kế toán Châu Âu trước khe cửa hẹp

Châu Âu trước khe cửa hẹp

64
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamPhân nửa các quốc gia trong khu vực đồng euro đã loan báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng để cân bằng thâm hụt ngân sách. Biểu tình diễn ra khắp nơi do người dân không chịu cảnh nhà nước “cắt phần ăn”. IMF, Mỹ và Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về khả năng nền kinh tế thế giới đang phục hồi có nguy cơ bị kéo trở lại do khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Đáng lo ngại hơn cả là mâu thuẫn và sự nghi kị nội bộ giữa các thành viên khu vực đồng euro đang gia tăng. Tất cả những yếu tố trên đang khiến đồng euro mất giá thê thảm và đưa đến giả thuyết về sự sụp đổ của tờ bạc này.

Chính sách khắc khổ lan rộng khắp châu Âu

Bất chấp châu Âu sử dụng “vũ khí hạng nặng” khi kế hoạch huy động 750 tỉ euro để hỗ trợ cho vùng euro được thông qua vào ngày 9/5, thì lòng tin của các nhà đầu tư tài chính vào đồng euro vẫn tiếp tục đi xuống. Sau Hy Lạp là hàng loạt các nước châu Âu khác thông báo chính sách khắc khổ. Mới đây nhất, ngày 26/5, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi thông báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng giảm chi 30 tỉ USD để duy trì đồng euro và bảo đảm an toàn cho tương lai của nước Italia.
Kế hoạch khắc khổ này gồm các biện pháp ngưng tăng lương cho công chức trong 3 năm và cắt giảm lương của một số giới chức chính phủ được hưởng lương cao. Cũng sẽ có các biện pháp cắt giảm ngân quỹ chính phủ trung ương dành cho các chính phủ địa phương và truy lùng những vụ trốn thuế. Những vụ cắt giảm chi tiêu nhằm giúp cắt giảm thâm hụt công từ 5,3% GDP trong năm 2009 xuống còn 2,7% GDP năm 2012, đáp ứng được giới hạn 3% của EU.
Trước Italia là Anh. Ngay trong cuộc họp đầu tiên của tân nội các, ngày 24/5, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã công bố chi tiết những vụ cắt giảm trị giá 8,9 tỉ USD, trong các dịch vụ công cộng tại Anh để cân bằng ngân sách đang bị thâm hụt của nước này.
Đối với ông Osborne, người đã từ lâu thúc đẩy đảng Bảo thủ theo đuổi chiến lược cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh mẽ, thì việc hạn chế, phong tỏa và hủy bỏ các khoản chi tiêu là nỗ lực đầu tiên thuyết phục công chúng rằng nước Anh cũng cần phải cắt giảm thâm hụt ngân sách giống như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước khác tại châu Âu.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chi tiêu của Chính phủ Anh hiện đang chiếm 53% GDP – cao hơn cả mức chi tiêu của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Được biết, kế hoạch cắt giảm chi tiêu gồm có 1 tỉ bảng Anh tiền cắt giảm quảng cáo công, hạn chế du lịch của công chức nhà nước…
Khi các tổ chức thẩm định rủi ro như Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch bắt đầu hạ thấp khả năng thanh toán của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thì cũng là lúc chính phủ hai nước này thông báo kế hoạch khắc khổ. Hôm 5/5, Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero khẳng định là nước này sẽ nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách, xuống còn 3% GDP vào năm 2013, thay vì 11,2% như hiện nay.
Ngay từ 2010, tổng chi ngân sách cho khu vực công của Tây Ban Nha sẽ giảm 5 tỉ euro. Còn tại Bồ Đào Nha, chính phủ và phe đối lập thông báo phối hợp làm việc với nhau để đối phó với những khoản nợ công và đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP vào năm 2013.
Ngày 24/5, IMF yêu cầu Chính phủ Tây Ban Nha phải thực hiện ngay các cải cách để cải thiện việc làm và hệ thống ngân hàng. Kế hoạch do IMF đề xuất có mục tiêu củng cố hệ thống ngân hàng để tránh các vụ phá sản. Trước đó 2 ngày, Ngân hàng Tây Ban Nha đã đặt quỹ tiết kiệm Cajasur, một quỹ địa phương đang gặp khó khăn, dưới sự bảo trợ, với kế hoạch cứu viện trị giá 2,7 tỉ euro.
Khuyến nghị này được đưa ra sau khi tổ chức này tiến hành các nghiên cứu tại Tây Ban Nha. Báo cáo của IMF nhấn mạnh đến sự vận hành lệch lạc của thị trường lao động tại nước này. Tỉ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha đã vượt quá 20% trong quý đầu năm nay.

Khi người dân bị “cắt phần ăn”

Các kế hoạch khắc khổ trên khi được chính phủ các nước châu Âu thông qua đã tác động trực tiếp tới chi tiêu của người dân địa phương. Tại Hy Lạp, kể từ khi chính sách hà khắc được thông qua đến nay đã có đến 4 cuộc tổng đình công làm tê liệt đất nước này. Ít nhất 3 người đã chết do bị kẹt trong một ngân hàng bị bốc cháy vì người biểu tình ném bom xăng. Cảnh sát Athens luôn được đặt trong tình trạng báo động.
Trong khi kế hoạch khắc khổ tại Anh mới chỉ gây phản đối cho các nghiệp đoàn thì tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha những làn sóng phản đối đã biến thành những cuộc biểu tình quy mô lớn. Chủ tịch Nghiệp đoàn UNISON của Anh là Dave Prentis tuyên bố rằng thật sai lầm khi chính phủ bắt những thành phần dễ bị xâm hại nhất trong xã hội phải đứng ra trả các món nợ mà họ không gây ra qua kế hoạch cắt giảm các dịch vụ công cộng tại Anh trong tài khóa tới.
Ngày 29/5, hàng trăm nghìn người Bồ Đào Nha đã xuống đường ở thủ đô Lisbon để phản đối kế hoạch hà khắc của chính phủ. Còn tại Đức, mặc dù chính phủ chưa thông báo biện pháp thắt chặt chi tiêu nhưng việc Thủ tướng Merkel “mang tiền của dân Đức” đi giải cứu cho Hy Lạp và các nước châu Âu khác đã bị cử tri nước này “trừng phạt” thông qua cuộc bầu cử vùng hôm 9/5.

Vì sao giới đầu tư không tin?

Sau khi quyết định tài trợ 110 tỉ euro cho Hy Lạp trong vòng 3 năm, lãnh đạo khối đồng euro nghĩ rằng, mọi việc sẽ từng bước ổn thỏa. Thế nhưng, thị trường tài chính không yên tâm chút nào, thậm chí, hiện nay còn có tin đồn là ngoài Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thì có thể cả Italia và Pháp cũng gặp khó khăn. Ngân hàng Natixis của Pháp nêu ra những con số chóng mặt: từ nay đến 2012, Bồ Đào Nha sẽ cần 65 tỉ euro, Tây Ban Nha 410 tỉ.
Vậy, nước nào có thể giúp và chấp nhận rủi ro? Và thế là bất chấp những kế hoạch cứu nguy tài chính và bất chấp những chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước châu Âu đang bị thâm hụt ngân sách, giá trị đồng euro tiếp tục rớt giá, lòng tin của các nhà đầu tư tài chính vào khu vực này tiếp tục giảm sau khi các công ty thẩm định tài chính liên tiếp đưa ra những đánh giá bất lợi cho khu vực đồng euro.
Đồng euro rớt xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD, ở mức 1 euro ăn 1,23 USD vào cuối ngày 25/5. Nguyên nhân là vì các nhà kinh doanh tiền tệ sợ rằng những vấn đề về nợ công của các nước khu vực đồng euro về lâu dài sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của toàn châu Âu. Một số người còn lo ngại đồng tiền chung châu Âu sẽ không tồn tại lâu dài.
Tương lai của đồng euro có thể sẽ hạn hẹp – đó là nhận định của người được giải thưởng Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz. Trong khi đó, kinh tế gia Jean Jacquess Rosa đánh giá rằng, đã đến lúc phải thừa nhận sự thất bại của đồng euro. Kịch bản phá sản dây chuyền là nỗi ám ảnh các ngân hàng hiện đang cầm giữ một khối lượng khổng lồ công trái của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Ví dụ, các ngân hàng Pháp nắm giữ tới 170 tỉ euro công trái của Tây Ban Nha. Các ngân hàng Đức còn nhiều hơn thế. Từ nhiều tuần qua, một số kinh tế gia bi quan dự báo khu vực đồng euro đến “ngày tận thế”, tức là phải trục xuất một số thành viên không đủ khả năng thực hiện quy định ràng buộc của Hiệp ước Maastricht bảo đảm sự ổn định của đồng euro.
Trong lịch sử quan hệ kinh tế quốc tế, sự tồn tại và lưu hành một đồng tiền luôn gắn liền với việc quản lý một ngân sách. Khu vực đồng euro là trường hợp độc nhất vô nhị: 16 nước dùng một đồng tiền và việc quản lý ngân sách thuộc thẩm quyền quốc gia. Nói một cách khác, chưa có được một cơ chế điều tiết chung cho toàn khối đồng euro.
Hậu quả của việc trục xuất sẽ rất lớn, không chỉ đối với những nước bị trục xuất mà còn đối với cả toàn khu vực dùng đồng tiền này. Đó là chưa nói đến tác động chính trị. Do vậy, giới lãnh đạo châu Âu không muốn nhắc tới kịch bản này.

Châu Âu trước khe cửa hẹp

Trong vở bi kịch khủng hoảng nợ công tại châu Âu hiện nay, các diễn viên là thị trường, công chúng, các nghiệp đoàn, chính khách, cơ chế EU và các nước thành viên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hay IMF. Và vì có IMF, diễn viên trong vở kịch này cũng là chính quyền Mỹ.
Và quy luật khắc nghiệt mà ta gọi là vô tình, chính là luật lệ của EU, của ECB, khối euro, là vai trò của Mỹ trong IMF và những tính toán về quyền lợi của chính quyền Mỹ. Tổng thống Obama được dân Mỹ bầu lên không để đi cứu Hy Lạp hay châu Âu.
Xưa nay, Hy Lạp vốn đã rộng chi cho xã hội bao cấp của mình nên không thể cắt giảm công chi hơn nữa. Tính đi tính lại, người ta quay lại thị trường: dự án cứu nguy Hy Lạp có thể lên tới 110 tỉ euro, khối EU mà có được 30 tỉ thì IMF sẽ có 15 tỉ, phần còn lại, 73 tỉ euro sẽ do các ngân hàng chung góp? Nhưng ngân hàng được lập ra để kiếm tiền, không để cứu nguy các chính quyền bất cẩn. Vấn đề lại quay về cái vòng luẩn quẩn, giao trách nhiệm giải cứu cho thị trường.
Trong bi kịch Hy Lạp, Đức là quốc gia chủ chốt vì đã gánh phần chính cho sự ra đời của đồng euro, khi các nước bất cẩn tiêu xài bừa phứa thì Đức lại phải è cổ chuộc nợ nên dân không đồng ý. Chính quyền Đức đã bắn tiếng là có thể phải cho Hy Lạp ra khỏi khối euro – chuyện không dễ vì chưa có luật lệ cho trường hợp này. Còn dư luận Đức thì có người nói ngược là Đức nên ra khỏi khối euro.
Không có đại gia trường vốn nhất là Đức, đồng euro coi như mất giá trị và khó tồn tại. Vì vậy, thay vì cấp cứu Hy Lạp, chính quyền Đức phải nói đến ổn định euro: mục tiêu không chỉ là giải quyết chuyện Hy Lạp mà là trấn an thị trường khiến cơn khủng hoảng khỏi lan qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đánh sụp khối euro.
Châu Âu là một câu lạc bộ kinh tế có tham vọng tiến tới thể chế liên bang châu Âu, với đồng tiền thống nhất, tiếng nói ngoại giao thống nhất, thậm chí còn đòi có lực lượng quân sự thống nhất… Đến khi khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Hy Lạp, phản ứng chung và mãnh liệt nhất lại là tinh thần quốc gia dân tộc cục bộ, vì quyền lợi của từng nước.
Nếu không khéo xử thì chẳng những các nước không cứu được Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha mà cả cơ chế EU sẽ bị chấn động. Như một nhắc nhở u ám và đáng sợ, trong khi Hy Lạp lâm nạn thì chính quyền của Thủ tướng Bỉ – Yves Leterme – bị sụp đổ vào ngày 28/4. Biến cố chính trị rất mờ nhạt này thật ra có thể đưa tới việc Bỉ vỡ đôi giữa hai khối sắc tộc là Flamand – gần Hà Lan – và Wallons, gần Pháp.
Nguy cơ manh nha từ lâu và nay đã tới hồi nguy kịch. Nếu Bỉ mà phải chia đôi – phân nửa dân Wallons đòi sáp nhập vào Pháp – thì châu Âu khốn khổ. Sau tháng 6, đến lượt Bỉ sẽ là Chủ tịch luân phiên EU. Với một chính phủ lâm thời đầy bấp bênh vì phản ứng sắc tộc cục bộ, Bỉ sẽ khó khăn trong vai trò Chủ tịch EU có thể lèo lái con thuyền châu Âu ra khỏi cơn sóng gió của phản ứng quốc gia cục bộ?
Trong bối cảnh như thế, ngày 30/5, Hy Lạp tuyên bố sẽ không áp dụng thêm các biện pháp khắc khổ nữa vì tin rằng nước này sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Trước đó, ngày 26/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, đã lên tiếng hối thúc các Bộ trưởng Tài chính châu Âu hãy nhanh chóng có hành động mạnh để trấn an các thị trường rằng sẽ không để cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu lan rộng.
Một ngày sau đó, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) bày tỏ lo ngại về đồng tiền chung châu Âu. Với mức dự trữ ngoại tệ được ước tính lên tới khoảng 2.450 tỉ USD trong đó tỉ lệ đồng euro chiếm từ 20 đến 25%, việc đồng euro mất giá làm người giữ đồng tiền này không yên.
Rõ ràng, các nước EU đang trong tình thế rất nan giải: không giảm thâm thủng ngân sách thì nguy cơ vỡ nợ sẽ thành hiện thực, mà cắt giảm thâm thủng thì sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục kinh tế, còn đang rất yếu ớt, sau khi vừa ra khỏi khủng hoảng.
Nguyễn Bảo

Theo Quản trị tài chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không