6 tháng đầu năm, khi xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng cao, thì các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng trưởng xuất khẩu rất thấp, còn nhập khẩu liên tiếp tăng trưởng âm.
Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tháng 1 giảm tới trên 35% so với cùng kỳ năm trước. Các con số tương ứng của 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 6 tháng giảm 6,4%; 10,9%; 11,9%; 7,7% và 8,2%. Nhập khẩu giảm, kéo theo sản xuất suy giảm, xuất khẩu tăng chậm là điều rất dễ hiểu, nhất là đối với một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam. Bởi thế, các chuyên gia bình luận, nhìn nhập khẩu giảm, nhập siêu được kiềm chế (6 tháng, nhập siêu ước khoảng 685 triệu USD, chỉ bằng gần 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), mà lo nhiều hơn mừng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm tới nay, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chỉ khoảng 4%/tháng, cá biệt tháng 1/2012 giảm mạnh, còn tháng 3 chỉ tăng 0,05%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI luôn ở mức 30-40%. Thậm chí, 6 tháng đầu năm, dù không tính dầu thô, thì khối doanh nghiệp này vẫn xuất siêu trên 830 triệu USD.
Điều này, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, cho thấy hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp. “Các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn về thị trường và sức cạnh tranh so với doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Sinh nói.
Thực tế, những khó khăn trong xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được đề cập từ cuối năm trước, khi các đơn hàng được ký một cách dè dặt, ít đơn hàng lớn. Càng về cuối năm, đơn hàng càng khan hơn.
Giám đốc một công ty may mặc ở TP.HCM cho biết, không giống như mọi năm, đơn hàng được ký cả năm, năm nay, đơn hàng chỉ ký từng tháng, làm tới đâu biết tới đó. “Năm nay, đơn hàng của công ty đã giảm 30% và chúng tôi cũng mới có đơn hàng đến tháng 8, còn sau đó thì chưa biết sẽ thế nào”, vị giám đốc này nói.
Tương tự, một doanh nghiệp da giày ở KCN Tân Đông Hiệp A cho biết, 6 tháng đầu năm, công ty chỉ xuất khẩu được 1,5 triệu đôi giày vải, tương ứng khoảng 15 triệu USD. Đơn hàng đã giảm, chỉ bằng 70% so với năm ngoái và tất cả các thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ đều rút bớt đơn hàng, khiến doanh nghiệp này không khỏi quan ngại cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 triệu USD trong năm nay.
Lâu nay, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước phần lớn tập trung vào gia công hàng hóa dệt may, da giày và nông, thủy sản. Tuy nhiên, dệt may, da giày đã khó, nông, thủy sản càng khó hơn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, gạo – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ đạt kim ngạch 1,688 tỷ USD, giảm 15,3% về giá trị và cũng giảm 9,4% về lượng. Các thông tin gần đây cho thấy, việc Thái Lan đang mở kho gạo dự trữ để bán cho các nhà nhập khẩu sẽ gây sức ép lên xuất khẩu gạo của Việt Nam, không chỉ về giá mà cả về lượng. Trong khi đó, có doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ trông chờ vào các hợp đồng đã ký, bởi chưa có hợp đồng mới.
Còn cá tra, cũng là một mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Sức mua của thị trường EU đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua giảm, giá giảm đã đành, cái khó của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam còn vì chính bản thân các doanh nghiệp đua nhau phá giá và tự làm khó mình.
“Khi tham dự các hội chợ quốc tế về xuất khẩu cá tra, các doanh nhân Việt Nam đi chung chuyến bay, ngủ chung một khách sạn, thậm chí cùng phòng, nhưng khi thương thảo hợp đồng thì mạnh ai nấy định giá, giá nào cũng bán, không tuân thủ quy định giá sàn. Đó là nguyên nhân vì sao cứ sau mỗi lần hội chợ, giá xuất khẩu lại rớt thảm hại”, một doanh nhân chuyên xuất khẩu cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) bức xúc.
Trong khi đó, giá vốn dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao và không dễ tiếp cận, khiến các doanh nghiệp trong nước ngày càng đuối sức trong “cuộc đua” xuất khẩu. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng
Nguyên Đức
Theo Báo Đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông