Đề nghị dừng lưu hành, kinh doanh mặt hàng xăng A83, hay còn gọi là RON 83, nhằm tránh tình trạng gian lận về chất lượng xăng dầu đã được Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ đệ trình lên Thủ tướng. Cần phải nhắc lại rằng, vào năm 2007, hai bộ này cũng đã tổ chức hội thảo và đưa ra đề nghị chấm dứt kinh doanh xăng A83 vào năm 2009.
Vì sao bị đề nghị “khai tử” lần nữa?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay xăng không chì A83 lưu hành trên thị trường trong nước không nhiều. Năm 2009, xăng A83 không chì được tiêu thụ trong nước là khoảng 486.000 m3, tương đương 8,59% lượng xăng các chủng loại được tiêu thụ của cả nước. Năm 2010, con số này là 511.000 m3, tương đương 8,67%. Còn năm 2011 là 540.000 m3, tương đương 8,64%. Việc kiên quyết hơn trong đề xuất dừng lưu hành xăng A83 không chì tại thời điểm này của hai bộ dựa trên lý do: thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường (như xăng dầu có trị số octan quá thấp so với tiêu chuẩn), đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng không tốt tới trật tự xã hội. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, bộ này hy vọng việc cấm lưu hành xăng A83 không chì sẽ có thể thực hiện ngay lập tức trong năm 2012 này.
Ai chịu ảnh hưởng?
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp đang chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước cho hay, do không tự sản xuất được xăng mà nhập khẩu hoàn toàn nên việc cơ quan chức năng cấm kinh doanh, lưu thông mặt hàng xăng A83 không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, bán hàng của doanh nghiệp. “Chính phủ cho phép lưu hành loại xăng nào, Petrolimex sẽ nhập khẩu đúng chủng loại đó để cung cấp cho thị trường”, ông Dũng nói.
Trong số 14 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì chỉ có 3 doanh nghiệp có kinh doanh mặt hàng xăng A83 là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro) và Công ty cổ phần Hóa dầu Nam Việt.
PV Oil hiện là nhà sản xuất xăng A83 lớn nhất tại Việt Nam với sản lượng 293.000 m3, vì vậy, việc dừng lưu hành, kinh doanh xăng A83 quả thực có gây ra những khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Mặc dù hiện tại, PV Oil đang có kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm của nhà máy chế biến condensate công suất 250.000 tấn/năm tại Cát Lái đạt 500.000 tấn/năm với sản phẩm là A92. Tuy nhiên, dự án này mới đang trong giai đoạn xin ý kiến của các cơ quan hữu trách với kế hoạch triển khai xong vào năm 2015.
Theo nhận xét của các chuyên gia dầu khí, việc nâng cấp nhà máy condensate hiện tại của PV Oil cũng có những khó khăn nhất định về mặt kinh tế. Nguyên do là xăng A83 hiện tại mà PV Oil sản xuất được pha chế từ condensate, vốn là sản phẩm lỏng bị lôi cuốn theo khí đồng hành hay khí thiên nhiên trong quá trình khai thác dầu khí, được ngưng tụ và thu hồi sau khi qua các bước xử lý, tách khí bằng các phương pháp làm lạnh ngưng tụ, chưng cất nhiệt độ thấp, hấp phụ… Hiện tại, nhà máy condensate Cái Lái có nguồn đầu vào từ quá trình khai thác khí đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà PV Oil là một thành viên lớn trong đó. Do thành phần sẵn có của condensate, việc pha chế thành xăng A83 hiện nay không tốn kém nhiều chi phí, bởi chỉ số octan cũng tương đương mức của xăng A83. Nhưng để pha chế thành xăng A92 sẽ phải bổ sung thêm một số chất thơm, phụ gia khác nhằm nâng chỉ số octan lên. Nhưng giá của các chất thơm, phụ gia này lại đắt hơn cả giá xăng A92. Nghĩa là bài toán kinh tế để chế tạo xăng A92 từ việc sử dụng nguồn condensate sẵn có cực kỳ khó giải. Đây có lẽ là lý do chính mà dự án nâng cấp xăng A83 lên thành xăng A92 của PV Oil tuy đã nằm trong kế hoạch nhiều năm nay, nhưng giờ vẫn đang trong những bước chuẩn bị triển khai.
Có đăng ký sản xuất và tiêu thụ 50.000 m3 xăng A83 trong tổng số 210.000 m3 xăng dầu các loại do công ty mình sản xuất và tiêu thụ trong năm 2012, nhưng ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro cho hay, Saigon Petro không quan tâm tới việc cấm hay không cấm tiêu thụ, lưu hành xăng A83, số lượng xăng A83 mà Saigon Petro sản xuất và tiêu thụ là khá nhỏ. “Nếu không cho lưu hành xăng A83 chúng tôi sẽ chuyển sang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng được phép lưu thông, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít các loại xe máy cũ, máy kéo, máy cày ở khu vực Tây Nguyên hay ghe xuồng ở khu vực miền Tây vẫn đang sử dụng xăng A83 để hoạt động. Mặt khác, một số nước trong khu vực ASEAN cũng đang sử dụng xăng A83. Như vậy vấn đề ở đây là việc quản lý chất lượng xăng A83 để tránh tình trạng pha chế thêm các chất phụ gia rẻ tiền vào xăng A83 để kiếm lời ở các cây xăng, chứ không phải bản thân chất lượng xăng có vấn đề”, ông Sang nhận xét.
Kết quả của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM cho thấy, khi pha xăng A83 với các loại cồn như methanol, ethanol sẽ làm khả năng xảy ra cháy cao hơn. Chẳng hạn, nhiệt độ bốc cháy của xăng A92 là 505 độ C, nếu pha thêm 10% methanol thì nhiệt độ bốc cháy chỉ còn 498 độ C. Nếu pha 10% ethanol và 10% methanol thì nhiệt độ bốc cháy giảm chỉ còn 492 độ C. Đáng lo ngại hơn nữa, với quy định lỏng lẻo, hoàn toàn có thể “lên đời” xăng A83 thành xăng A92 bằng cách pha theo tỷ lệ 5% methanol và 7% ethanol mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam về hàm lượng oxy tương ứng. Theo thí nghiệm thực tế trên xe Air Blade – là loại xe xảy ra cháy nhiều nhất thời gian qua – nhiệt độ động cơ sẽ nóng nhất khi chạy bằng xăng A83. Các nhiên liệu pha cồn có xu hướng gia tăng nhiệt độ khu vực động cơ sẽ làm nóng các thiết bị, dễ dàng gây cháy nếu rò rỉ nhiên liệu.
Theo tinnhanhchungkhoan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông