Kiến thức Tài chính kế toán Khi bạn là người quản trị nợ

Khi bạn là người quản trị nợ

253
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNgay cả các doanh nghiệp thành công nhất cũng có những khoản nợ, nhưng họ nợ bao nhiêu? Học cách quản lý các khoản nợ là cách có thể giúp doanh nghiệp bạn phát triển.
Không lâu sau khi hai vợ chồng Karen Cooley và Eric Favier mua lại một nhà hàng từ một người bạn năm 1991, họ đã được cảm nhận hương vị của sự thành công. Doanh thu từ nhà hàng Chez Pierre của họ ở Tallahasse, Florida đã tăng hơn gấp đôi nhờ các hoạt động marketing và việc kéo dài thời gian mở cửa. Nhưng sau 5 năm thành công, chính phủ liên bang đã đưa nhà hàng này vào diện giải toả để mở rộng một toà án ở gần đó. “Chúng tôi bị rơi vào tình cảnh ‘Khi cuộc đời cho bạn chanh, hãy học cách pha nước chanh, và chúng tôi phải dời đi”, Cooley nói.
Vì vậy, cả hai vợ chồng cùng nhóm lên hi vọng mới, mua và cải tạo lại một toà nhà thương mại với chi phí đến $1,2 triệu để làm nhà hàng. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong kinh doanh của Cooley và Favier, những người trước đây chỉ thuê lại không gian nhà hàng từ người chủ cũ của Chez Pierre. Bây giờ họ không chỉ sở hữu toà nhà của riêng họ mà họ còn ngập trong nợ nần vì việc mua toà nhà đó. “Mọi thứ thật sự khó khắn và chúng tôi không chắc chắn sẽ làm gì tiếp theo”, Cooley kể lại.
Hai vợ chồng đã đến Viện Jim Moran về Doanh nhân toàn cầu ở trường Đại học bang Florida để yêu cầu giúp đỡ quản lý các khoản nợ và bắt đầu một giai đoạn kinh doanh mới. Bên cạnh nhiều thứ khác, họ được khuyên nên tiến hành tích cực các hoạt động marketing và tăng doanh thu để giúp hoàn trả các khoản nợ. Cuối cùng, doanh thu đã tăng hơn gấp đôi đến xấp xỉ 2 triệu USD/năm nhờ những nỗ lực marketing của họ. Các chiến lược marketing bao gồm cả việc xây dựng mạng lưới cộng đồng như quyên góp tiền cho những lý do như nghiên cứu về ung thư và làm cho mọi người biết đến các dịch vụ giao hàng và các dịch vụ khác của khách sạn. “Chúng tôi đã có nhiều đêm không ngủ”, Cooley kể về quyết định của họ, “nhưng rồi quyết định này đã chứng tỏ nó chính xác là một điều nên làm. Bây giờ chúng tôi đã có nhiều hướng khác nhau để phát triển hoạt động kinh doanh rồi.”
Hai vợ chồng cũng đã mời David Michael Sprowles tham gia vào ban điều hành và đang chuẩn bị cho một hoạt động tài trợ mới nhằm kích thích doanh thu. Cooley và Favier dự định xây một khu vực ăn tối ngoài trời bao gồm một lò pizza đốt bằng củi và một bar hải sản. “Nếu bạn phải vay thêm tiền, bạn không chỉ phải tăng doanh thu và lợi nhuận để có thể trả nợ mà còn phải kiếm thêm lợi nhuận ròng vào bạn”, Cooley nói.
Bà giải thích “Không ai trong chúng ta có quả cầu thuỷ tinh. Bạn luôn cố gắng để tìm kiếm sự cân bằng giữa việc có một hoạt động kinh doanh thành công đang phát triển mạnh và việc biết khi nào bạn cần phải phát triển hơn nữa, và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở vật chất và phương tiện mới. Rất khó có thể thực hiện điều này”.
Tỷ lệ nợ cân bằng
Sự thật thì điểm khác nhau giữa một doanh nghiệp đang cố gắng tồn tại và một doanh nghiệp có thể phản ứng tốt với điều kiện thị trường và kinh tế thay đổi chính là ở tỷ lệ vay nợ hợp lý. Bạn vay nợ có thể vì nhiều lý do. Nhưng nhìn chung, vay nợ có ý nghĩa nhất khi bạn cần tiền để tăng dòng tiền hoặc tài trợ cho sự phát triển hoặc để mở rộng kinh doanh. Nhưng trong khi nợ có thể cung cấp đòn bẩy mà bạn cần để phát triển, quá nhiều nợ có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của bạn. Câu hỏi đặt ra là vay bao nhiêu được xem là quá nhiều?
Theo các chuyên gia, câu trả lời phải dựa vào sự phân tích kỹ lưỡng dòng tiền cũng như ngành của bạn. “Một doanh nghiệp không phát triển sẽ chết,” Jerry Osteryoung, Viện trưởng Viện Jim Moran nói. “Bạn phải phát triển, nhưng bạn phải phát triển trong khả năng tài chính của doanh nghiệp bạn. Vậy cấu trúc vốn lý tưởng mà một doanh nghiệp cần trong ngành của nó để có thể phát triển là gì? Ngành của bạn càng biến động thì bạn nên có càng ít nợ. Nếu như biến động đó là nhỏ, bạn có thể vay nợ nhiều hơn.”
Làm bài tập về nhà
Để tìm ra doanh nghiệp của bạn đang đứng ở đâu, hãy cẩn thận nghiên cứu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, điều này có thể giúp bạn vay nợ trong một giới hạn hợp lý. Tỷ lệ này được tính bằng cách lấy nợ dài hạn của công ty chia cho vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này thấp thường có nghĩa doanh nghiệp đang trong khả năng nợ chấp nhận được và có thể chịu đựng được những suy thoái theo chu kỳ hay theo thời vụ. Lưu ý rằng tỷ lệ này rất khác nhau tuỳ từng ngành. Vì vậy, bạn sẽ muốn xác định một tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cụ thể cho doanh nghiệp bạn, điều này sẽ cho phép bạn biết liệu bạn có phải giảm tỷ lệ nợ, trì hoãn các kế hoạch vay hay thâm chí huỷ một kế hoạch đầu tư để khiến doanh nghiệp bạn phát triển đúng hướng. Để bắt đầu, bạn có thể truy cập trang web www.bizstats.com để biết về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình theo từng ngành.
Mặc dù ngân hàng và các tổ chức tài chính thường muốn bạn có một tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tốt trước khi đồng ý cho vay, bạn đừng tin rằng khi chủ nợ sẵn sàng cấp thêm vốn có nghĩa là doanh nghiệp của bạn đang có vị thế nợ tốt. Một số tổ chức tài chính có thể quá tham lam cho vay, đặc biệt khi muốn thu hút các khách hàng doanh nghiệp tiềm năng. Osteryoung nói “tôi đã từng gặp nhiều trường hợp các ngân hàng cho vay quá nhiều đối với một doanh nghiệp”.
Grant Lacert, chủ tịch của Winter Haven, một tổ chức nghiên cứu tài chính ở Florida chuyên xuất bản các nghiên cứu về tài chính của các doanh nghiệp nhỏ, cũng đồng ý với Osteryoung. Ông nói “ngân hàng có thể chú ý nhiều đến các vật thế chấp hơn là xác định xem liệu thu nhập của doanh nghiệp có đủ để trả các khoản nợ”.
Là chủ của hai công ty, Lacerte nói ông luôn luôn được mời chào các loại thẻ tín dụng để tài trợ cho vốn hoạt động và các hạn mức tín dụng từ các ngân hàng lớn. Ông nói “ngân hàng không tiến hành bất kỳ phân tích tài chính nào đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp. Họ chỉ khả năng tín dụng của doanh nghiệp dựa trên việc doanh nghiệp thanh toán các hoá đơn trong quá khứ như thế nào. Họ không xem đến giá trị thực của doanh nghiệp cũng như khả năng hiện tại để trả khoản nợ đó.”
Lacerte cũng nói “ngày trước, các nhân viên tín dụng thường tiến hành phân tích tín dụng. Bây giờ tôi thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ có doanh thu chưa đến 7 con số nhưng lại được cung cấp hạn mức tín dụng đến $100,000”.
Để tránh những tình huống đó và tránh trường hợp không trả được nợ, bạn cần phải nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp mình và có quyết định chính xác khi vay nợ. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nhân không thấy được tầm quan trọng của việc phân tích tài chính đối với việc điều hành một doanh nghiệp thành công. Ngay cả những chủ doanh nghiệp khi nhận báo cáo tài chính từ kế toán của mình cũng không tận dụng được những thông tin quan trọng trong các báo cáo đó.
Mặc dù giải quyết những việc này có vẻ là một việc khó khăn nhưng bạn không thể bào chữa là bạn không thể làm được do không có bằng cấp về kế toán, Lacerte nói. Lacerte đã xây dựng một dịch vụ có đăng ký trên web, theo đó các chủ doanh nghiệp sẽ nộp các thông tin tài chính của họ để so sánh chúng với các tiêu chuẩn của ngành. Ông nói “Với QuickBooks và các phần mềm tương tự, chủ doanh nghiệp có thể có được thông tin họ muốn. Và chỉ cần học thêm một chút là họ có thể hiểu những tỷ số đó có nghĩa gì và dùng những tỷ số đấy như những dấu hiệu cảnh báo khi họ chuẩn bị khiến mình gặp rắc rối”.

Theo doanhnhan.net

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không