Kiến thức Tài chính kế toán Trăn trở vấn đề khơi thông dòng chảy tín dụng

Trăn trở vấn đề khơi thông dòng chảy tín dụng

177
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamĐể có thể khơi thông dòng chảy tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu vốn, NHNN tiếp tục giảm 1% các lãi suất chủ chốt.
Song theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế – tài chính, vấn đề quan trọng hơn lúc này là giải quyết “cục máu đông” nợ xấu. Có như vậy, dư nợ tín dụng mới thoát khỏi tình trạng âm trong suốt nửa đầu năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, giảm lãi suất là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay, tác dụng chưa nhiều. So với cuối năm trước, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể và tiền đang dôi dư khá nhiều, song tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay vẫn trong tình trạng âm. Sở dĩ nền kinh tế không hấp thu được vốn là do nợ xấu. Đây chính là cục máu đông cần phải xử lý trước mới có thể khơi thông được dòng chảy tín dụng. Do đó, mặc dù lãi suất đã và đang giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn của ngân hàng, do nợ nần còn nhiều, doanh nghiệp nợ ít thì hàng tồn kho nhiều, không muốn vay.
Lãi suất thực đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhưng không giảm các tiêu chuẩn cho vay để tránh nợ xấu và chỉ cạnh tranh tìm khách hàng thực sự tốt để cho vay. TS. Lịch cho rằng, để phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn hiện nay giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong vấn đề vốn, các ngân hàng buộc phải giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Mặt khác, các nhà băng nên mạnh dạn cho vay các doanh nghiệp có dự án khả thi, nhưng hết tài sản đảm bảo. Các ngân hàng cần khoanh vùng khách hàng để phát triển tín dụng. Có như vậy, các nhà băng mới giải quyết được đầu ra và doanh nghiệp mới trả được nợ cũ cho ngân hàng.
“Vấn đề quan trọng hơn hiện nay là làm thế nào để nền kinh tế hấp thu được vốn chứ giảm lãi suất cũng chưa hẳn giải quyết được gì”, TS. Lịch nói.
Nói về khả năng bơm vốn ra thị trường, tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP. HCM chia sẻ: “Đẩy mạnh vốn cho vay và nếu không có sự chọn lọc lúc này là rất nguy hiểm. Dù vốn huy động về, hàng ngày ngân hàng phải trả lãi suất cho khách gửi, nhưng thà xếp hàng mua trái phiếu chính phủ lãi suất thấp còn hơn, bởi đó là tài sản đầu tư an toàn nhất”.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, trên thực tế, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện vẫn cao. Nhưng trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn hàng tồn kho tăng trước sự sụt giảm sức tiêu thụ của thị trường. Vì thế, không phải nhà băng nào cũng mạnh dạn cho doanh nghiệp vay, bởi lo ngại rủi ro nợ xấu.
Ông Minh cho biết, gói vốn 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi mà UBND TP. HCM phát động, kêu gọi các ngân hàng chia sẻ khó khăn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đã được giải ngân hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn, nhưng phần vốn trên chủ yếu được cung ứng từ 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp.
Gói vốn trên đã nhanh chóng đẩy dư nợ tín dụng của khu vực TP. HCM đến cuối tháng 6 tăng hơn 1,9%, thay vì âm gần 2,4% trong 5 tháng trước đó. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Minh, lãi suất giảm là quan trọng, nhưng không phải là tất cả đối với các doanh nghiệp khi quyết định vay lúc này. 
Vân Linh

Theo tinnhanhchungkhoan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không