Tín dụng năm nay dự kiến chỉ tăng 8% thay vì 15-17%, vì thế vốn cho nền kinh tế sẽ thiếu hụt và tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn khoảng 0,6 điểm phần trăm so với kế hoạch.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa trình Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012. Báo cáo này dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/6 đã tăng 0,17% so với đầu năm. Như vậy, tín dụng đã cải thiện đáng kể so với mức -0,28% tính đến ngày 31/5.
Mặc dù vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, tín dụng chỉ ước tăng 0,4% so với đầu năm và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng trong nền kinh tế còn khá cao. Do vậy, tín dụng năm ước tính chỉ tăng khoảng 8%.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định trong suốt thời gian dài giúp dự trữ ngoại hối tăng 30% so với đầu năm. Cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012 nhờ vào sự cải thiện của cán cân thương mại.
Từ ngày 11/6, trần lãi suất huy động đã về 9% một năm cho kỳ hạn dưới một năm. Đây cũng là lãi suất niêm yết thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Trong khi đó, ở các kỳ hạn dài hơn một năm do không bị áp trần nên đã xuất hiện các mức lãi suất lên tới 12% một năm, tuy không nhiều. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, điều này giúp cho đường cong lãi suất đã bắt đầu cong trở lại ở nhiều ngân hàng (lãi suất thấp ở kỳ hạn ngắn, và tăng dần ở các kỳ hạn dài) thay vì là đường thẳng hoặc thậm chí xuống dốc như vài năm qua.
Ủy ban dự báo lạm phát cuối năm khoảng 6%. Trên cơ sở dự báo này, dư địa công cụ lãi suất hiện chỉ còn khoảng 100 điểm cơ bản. Do đó, theo quan điểm của Ủy ban, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng trong việc áp dụng công cụ lãi suất. Với việc liên tục điều chỉnh các lãi suất điều hành xuống như vừa qua, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đã giảm khá nhiều. Nếu giảm nhiều hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá.
Trên cơ sở dự báo tín dụng tăng trưởng chỉ 8%, nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho nền kinh tế năm nay sẽ giảm khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Theo ước tính của Ủy ban, tăng trưởng GDP năm 2012 sẽ đạt khoảng 5,3% -5,6% nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Như vậy, mức tăng trưởng GDP này sẽ thấp hơn nhiều mức tăng trưởng mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đã đề ra.
Về Nghị quyết 13 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận Nghị quyết đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vốn đầu tư hạn hẹp. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là nguồn tài chính hỗ trợ cho tổng cầu vẫn còn khá khiêm tốn. Biện pháp được xem là đánh trúng khó khăn và giải quyết việc ứ đọng đầu ra là đẩy nhanh vốn đầu tư cho các dự án ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quy mô vốn lại khá nhỏ – chỉ 2.000 tỷ đồng. Hơn nữa, việc giãn thuế VAT ứng với tổng giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng chỉ chiếm 0,5% dự nợ tín dụng toàn nền kinh tế nên cũng không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị cần giữ nguyên tắc, lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80.000 – 85.000 tỷ đồng một tháng để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn.
Theo Vnexpress
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông