Kiến thức Tài chính kế toán Hạ lãi suất có đủ để nền kinh tế phục hồi?

Hạ lãi suất có đủ để nền kinh tế phục hồi?

74
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamViệc Ngân hàng nhà nước tiếp tục hạ một số lãi suất chỉ đạo nằm trong chủ trương hạ mặt bằng lãi suất nhằm giảm chi phí vay vốn trong nền kinh tế để khuyến khích phát triển kinh tế.

Lãi suất hạ xuống sẽ kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng là 11%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2012.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh nguồn vốn BIDV, việc hạ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu nằm trong chủ trương hạ mặt bằng lãi suất nhằm giảm chi phí vay vốn trong nền kinh tế để khuyến khích phát triển kinh tế. Bởi lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn là lãi suất trong quan hệ giữa Ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại). Khi ngân hàng thương mại có nhu cầu và đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ vay từ Ngân hàng nhà nước và phần lãi này sẽ đưa vào cấu thành chi phí vốn của ngân hàng thương mại.
“Do vậy, khi lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hạ xuống thì chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại sẽ thấp xuống, đồng thời, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại cho vay ra ở mức thấp hơn, kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp”, ông Quỳnh nói.
Cho rằng việc hạ lãi suất điều hành là nhằm tạo tính thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khẳng định, thị trường này đang “bật” lên trở lại. Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng tuần từ 18/6 – 22/6/2012 bằng VND có xu hướng tăng đối với các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và kỳ hạn 9 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,25%/năm, các kỳ hạn còn lại có mức tăng từ 0,41%/năm (kỳ hạn 1 tháng) đến 0,84%/năm (kỳ hạn 2 tuần).
“Lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng thời gian trước xuống quá nhanh nay đang tăng trở lại về mức bình thường thì cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng khả năng đây là hiện tượng một vài ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản”, TS. Hiếu nói.
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, lãi suất cho vay bình quân trên thị trường hiện vào khoảng 15%/năm, đây vẫn là mức lãi suất hơi cao. Trong khi đó, nền kinh tế cần thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, nên việc hạ lãi suất là cần thiết để phù hợp hơn nữa với thị trường, hỗ trợ tăng trưởng, phù hợp với lạm phát mục tiêu.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội cả nước 6 tháng đầu năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối tuần trước, GDP chỉ tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011, do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Nền kinh tế cũng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng trong những tháng cuối năm.
“Hy vọng, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu hạ, sẽ khiến doanh nghiệp dám nghĩ hơn, dám làm hơn trong sản xuất – kinh doanh”, ông Nguyễn Đình Tùng, Quyền Tổng giám đốc OCB nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng có điểm cần lưu ý, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, là cần phân biệt rất rõ, hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc đẩy mạnh cho vay hay bơm tiền ra thị trường. Hạ lãi suất chỉ giúp cho vay ở mức lãi suất thấp hơn và kích thích nhu cầu vay vốn, nhưng doanh nghiệp có vay được hay không sẽ còn phải phụ thuộc vào điều kiện vay của từng ngân hàng.
Ví dụ, OceanBank vừa triển khai chính sách ưu đãi lãi suất cho vay VND đối với khách hàng doanh nghiệp trên toàn hệ thống, với mức lãi suất chỉ còn 12%/năm. Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm kinh doanh bất động sản, chứng khoán) phải đáp ứng được điều kiện là cam kết và thực hiện chuyển doanh thu hoạt động tối thiểu bằng số tiền vay qua tài khoản thanh toán tại OceanBank trong thời gian vay mới được hưởng mức lãi suất cho vay 12%/năm. Còn doanh nghiệp nào không cam kết chuyển doanh thu về tài khoản thanh toán tại OceanBank trong thời gian vay sẽ chịu mức lãi suất cho vay 14%/năm.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP nêu quan điểm, xu hướng thận trọng trên thị trường là khá phổ biến giữa cả người đi vay và cho vay, bởi tiêu chí an toàn hiện được đặt lên hàng đầu. Do vậy, mức độ “nóng” của thị trường cho vay như nhiều năm trước mỗi khi Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất sẽ không còn nữa. Lãi suất là một trong những công cụ được nghĩ đến đầu tiên, nhưng trên thực tế, cần hội tụ nhiều yếu tố khác nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như năng lực sản xuất của doanh nghiệp, khả năng khắc phục các tồn tại, yếu kém cũng như sức mua của thị trường…
Còn ông Thọ nhận định, kênh hạ lãi suất chỉ tác động vào thị trường tiền tệ trong ngắn hạn và cũng chỉ là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích nhu cầu tiêu dùng cá nhân, kích thích sản xuất khi nhu cầu tiêu dùng, nội địa đang suy giảm. Nhưng về dài hạn, vẫn cần các biện pháp đồng bộ như giãn, miễn giảm thuế, môi trường kinh doanh… mới giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. 
Nhuệ Mẫn

Theo Tinnhanhchungkhoan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không