Kiến thức Tài chính kế toán Tăng trưởng tín dụng chỉ mong đạt 8%

Tăng trưởng tín dụng chỉ mong đạt 8%

54

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Chính phủ công bố nội dung của phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa kết thúc chiều nay (3/7), trong đó có những dữ liệu đáng chú ý về tiền tệ và tín dụng.

Cụ thể, thông cáo của Chính phủ cho biết, so với thời điểm 31/12/2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) trong 6 tháng đầu năm ước tăng 6,84% (tháng 5/2012 tăng 4,47%); tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 7,83% (tháng 5/2012 là 5,42%).

Như vậy, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn của hệ thống ngân hàng đã tăng khá, được Chính phủ nhìn nhận với trạng thái thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng tốt lên.

“Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tăng dần trở lại; tỷ giá ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện”, thông cáo cho biết thêm, nhưng không nêu con số cụ thể.

Còn theo báo cáo vừa công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/6 mới chỉ tăng 0,17% so với đầu năm, có được trạng thái dương sau khi giảm trong 5 tháng trước đó.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết, với kết quả trên và triển vọng những tháng tới, có thể tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ đạt khoảng 8% thay vì định hướng 15% – 17% đưa ra từ đầu năm.

Ủy ban cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm cán cân thanh toán quốc tế dự báo có thể thặng dư tới 7 tỷ USD, là yếu tố tích cực cho việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND.

Trở lại với phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, về chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm, thông cáo nêu: “Hệ thống ngân hàng thương mại chưa khơi thông tốt dòng vốn trong nền kinh tế. Tình trạng nợ xấu chưa được giải quyết. Mặc dù tổng phương tiện thanh toán (M2), tổng số dư tiền gửi tăng lên đáng kể, nhưng tổng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 vẫn ở mức thấp. Lãi suất cho vay tuy đã giảm song vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay…”.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Cơ quan này cần sớm đưa ra những chính sách và biện pháp tháo gỡ cụ thể để các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động tiếp cận được nguồn vốn…Việc hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông lâm thủy sản cần triển khai sớm.

“Điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh dồn vào cuối năm, để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại”, Chính phủ lưu ý.

Hồng Nhung

Theo VnEconomy

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không