Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhằm xử lý vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011, thay thế Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2010, ngoài 10.000 doanh nghiệp đang thực hiện tự in hóa đơn, vẫn còn các tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện hoặc mua hóa đơn do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành.
Trước thực tế này, Chính phủ đã quyết định gia hạn sử dụng hoá đơn nhằm tránh lãng phí cho các tổ chức, cá nhân đã mua hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc các doanh nghiệp đã tự in hóa đơn.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, riêng về vấn đề bán hoá đơn cho các doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp siêu nhỏ, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản 11380/BTC-TCT ngày 26/9/2010, theo đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp siêu nhỏ, nếu các doanh nghiệp này không có đủ điều kiện để tự in hóa đơn và cũng không có điều kiện đặt in thì được cơ quan thuế bán hóa đơn để sử dụng. Tuy nhiên, việc áp dụng chỉ thực hiện trong năm 2011, từ năm 2012 trở đi phải thực hiện theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Về vấn đề ghi ký hiệu mật trên hoá đơn, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về việc xác định hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ đối với chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng, cước phí vận tải quốc tế được lập theo hệ thông lệ quốc tế.
Thực tế hiện nay, các ngành hàng không, hàng hải, ngân hàng khi cung cấp dịch vụ đều đã thực hiện sử dụng chứng từ theo thông lệ quốc tế. Ví dụ, vé hàng không đã được in theo tiêu chuẩn của Hiệp hội hàng không quốc tế (ATA), chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng được in từ phần mềm máy tính theo tiêu chuẩn của các ngân hàng quốc tế… Các chứng từ này đều được khách hàng chấp nhận thanh toán và là cơ sở để cơ sở kinh doanh ngành hàng không, hàng hải, ngân hàng hạch toán doanh thu. Tuy nhiên, thời gian qua, các chứng từ này chưa được công nhận là hóa đơn nên các ngành hàng không, hàng hải, ngân hàng vẫn phải lập thêm hóa đơn để thực hiện khai thuế. Việc này làm mất thời gian và tốn kém cho các doanh nghiệp.
(Theo Tài chính điện tử)