Giao dịch điện tử, hành chính điện tử là đích ngắm của mô hình kinh tế tiên tiến, nhà nước tiên tiến. Muốn làm được điều đó một trong những bước đi đầu tiên là triển khai ứng dụng chứ ký số.
Một số chuyên gia đánh giá, chữ ký số là một tiền đề quan trọng trong công tác cải cách hành chính góp phần đưa Đề án 30 đi vào cuộc sống.
Nhu cầu hối thúc
Lợi ích của việc ứng dụng chứ ký số dường như ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc ứng dụng chữ ký số vẫn còn khá “khiêm tốn”. Trong khối các cơ quan bộ, ngành, nhiều bộ vẫn tỏ ra chưa “mặn mà” với chữ ký số. Bộ Tài chính là một trong những cơ quan được đánh giá đã triển khai khá tốt ứng dụng chữ ký số trong 2 mảng nộp tờ kê khai thuế và tờ khai hải quan. Nhưng thử đảo qua các chi cục thuế, cục hải quan ở Hà Nội, tình trạng DN xếp hàng chật cứng để nộp tờ khai vẫn rất phổ biến.
Không chỉ các giao dịch trong nước, hiện nay nhu cầu được chấp nhận chữ ký số (CA) của quốc tế tại VN cũng khá lớn. Những thương vụ giao dịch xuyên quốc gia ngày càng nhiều. Việc ứng dụng chữ ký số càng trở nên cấp thiết. Đơn cử như chuyện Intel đề nghị được chấp nhận chữ ký số của VeriSign trong thời gian qua. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử số 1073/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, cùng hàng loạt nhu cầu thực tế nhằm phục vụ các giao dịch thương mại qua biên giới… đang hối thúc ráo riết việc phát triển hạ tầng CNTT và ứng dụng chứ ký số.
Theo ông Đào Đình Khả – Giám đốc Trung tâm chứng thực số quốc gia, hiện nay, Bộ TT-TT đã cấp 5 giấy phép cho 5 DN cung ứng dịch vụ đăng ký chữ ký số ở VN. Các DN bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông Đào Đình Khả cũng khuyến cáo các DN cung ứng dịch vụ chữ ký số của VN sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quốc tế sắp xảy ra. Nếu chữ ký số quốc tế được công nhận tại VN sẽ có tác dụng tích cực là mở rộng được thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các nhà cung ứng đồng thời thúc đẩy tốt hơn việc ứng dụng chữ ký số.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, chữ ký số được công nhận là giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử. Đây là một nội dung quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng khóa công khai, xây dựng chính sách hỗ trợ ứng dụng chữ ký số, cũng như xây dựng các hướng dẫn chi tiết khác để đưa chữ ký số vào phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định: Để việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước thành công, thì hệ thống văn bản, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này cũng cần phải được nghiên cứu và hoàn thiện, góp phần thực hiện giảm thiểu các văn bản bằng giấy tờ như mục tiêu của Đề án 30.
Cần hoàn thiện thể chế
Ông Nguyễn Đăng Đào – Phó cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã (Ban cơ yếu Chính phủ) cho rằng, cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính thì mới triển khai chữ ký số được, vì ứng dụng CNTT phải đi đôi với thủ tục hành chính được chuẩn hóa. Một điều nữa mà ông Đào băn khoăn là do việc ứng dụng CNTT chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, mà chữ ký số đòi hỏi sự tương tác rất lớn.
Theo ông Vũ Duy Lợi – Giám đốc Trung tâm CNTT, Văn phòng Trung ương Đảng, hiện nay vẫn chưa có quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số trong các cơ quan Đảng. Chính vì vậy, ông Lợi kiến nghị, cần sớm triển khai dự án chứng thực điện tử và bảo mật thông tin.
Ông Đào Đình Khả cho biết, hiện nay Trung tâm Chứng thực Chữ ký số quốc gia đang phối hợp với một số đơn vị liên quan nghiên cứu các mô hình tương tác thực tế, những vướng mắc đang được đặt ra trên thế giới để giải quyết những bài toán khó sẽ xảy ra tại VN. Ngoài ra, các quy định của Nghị định 26/2007/NĐ-CP về xác thực điện tử cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình chung.
(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)