Kiến thức Tài chính kế toán Tổng cục Thuế “gỡ vướng” việc in tiêu thức trên hoá đơn

Tổng cục Thuế “gỡ vướng” việc in tiêu thức trên hoá đơn

1129
Kể từ ngày 1/1/2010, Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chính thức có hiệu lực. Song tới nay, khá nhiều doanh nghiệp và cả cục thuế vẫn còn băn khoăn, vướng mắc về việc cần in những tiêu thức gì trên hoá đơn.

Để gỡ vướng mắc này, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 5174 quy định cụ thể về các tiêu thức trên hoá đơn.

Theo đó, các tiêu thức quy định về ký hiệu hoá đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hoá đơn là các tiêu thức bắt buộc và phải in đúng quy định. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân in hoá đơn phải đảm bảo in đúng các tiêu thức này trên hoá đơn.

Trường hợp các tiêu thức bắt buộc khác trên hoá đơn của doanh nghiệp đã in không phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, không xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, không xác định được người mua hàng (người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ,…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), không xác định được tên hàng hoá dịch vụ (hoặc nội dung thu tiền…) thì tổ chức, cá nhân phải in lại hoá đơn.

Trường hợp các tiêu thức bắt buộc khác trên hoá đơn của doanh nghiệp đã in phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, xác định được người mua hàng (người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ,…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), tên hàng hoá dịch vụ (hoặc nội dung thu tiền…) thì hoá đơn được chấp nhận.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế cần căn cứ từng trường hợp cụ thể, tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh để xác định và hướng dẫn doanh nghiệp, không áp dụng máy móc.

Ví dụ, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm: Phiếu thu tiền bảo hiểm được xác định là hoá đơn theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 153. Trường hợp doanh nghiệp in hoá đơn thì chỉ tiêu “tên hàng hoá, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng, đơn giá” có thể chuyển thành “nội dung thu phí bảo hiểm”.

Hoặc đối với hoá đơn thu tiền điện, trên hoá đơn có thể có các tiêu thức để xác định được sản lượng điện tiêu thụ như “chỉ số mới”, “chỉ số cũ”, “hệ số”, “điện năng tiêu thụ”, “thời gian sử dụng”…

Hoặc với hoá đơn tiền nước thì trên hoá đơn có thể có các tiêu thức xác định tổng lượng nước tiêu thụ như “số đọc tháng này”, “số đọc tháng trước”, “định mức tiêu thụ”…

Đối với hoá đơn thu tiền học phí, do tiền học phí thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên trên hoá đơn không nhất thiết phải có chỉ tiêu tiền thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, tiêu thức “họ tên người mua hàng” có thể chuyển thành “tên người nộp tiền”, tiêu thức “tên hàng hoá, dịch vụ” có thể chuyển thành “lý do nộp tiền” (đã có hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 5132/TCT-CS ngày 15/12/2010).

Có thể nói Công văn 5174 là một phản ứng linh hoạt của ngành Thuế trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn rằng liệu các cán bộ, công chức ngành thuế ở các địa phương có đủ kỹ năng, hiểu biết và chuyên môn sâu để có thể “duyệt” những trường hợp hoá đơn cá biệt, cụ thể của các doanh nghiệp.

Đã từng có rất nhiều tiền lệ về việc quyết tâm cao của cấp Trung ương đã không thể hiện thực hoá bởi trình độ thấp của cán bộ địa phương.

Nên chăng Tổng cục Thuế có một danh bạ/cẩm nang điện tử những trường hợp hoá đơn đặc thù thực tế để các địa phương cập nhật hàng ngày các tình huống phát sinh, vừa tiện cho công tác quản lý, vừa giúp các cá nhân, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí và công sức cho việc in ấn hoá đơn, tuân thủ đúng quy định của Nghị định 51.

10 nội dung bắt buộc phải in trên hoá đơn (hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 153)

Các nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy, gồm:

a) Tên loại hoá đơn

Tên loại hóa đơn thể hiện trên mỗi tờ hoá đơn. Ví dụ: HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG, HÓA ĐƠN BÁN HÀNG…
Trường hợp hoá đơn còn dùng như một chứng từ cụ thể cho công tác hạch toán kế toán hoặc bán hàng thì có thể đặt thêm tên khác kèm theo, nhưng phải ghi sau tên loại hoá đơn với cỡ chữ nhỏ hơn hoặc ghi trong ngoặc đơn. Ví dụ: HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG – PHIẾU BẢO HÀNH, HOÁ ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG (PHIẾU BẢO HÀNH), HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG – PHIẾU THU TIỀN, HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG (PHIẾU THU TIỀN)…

Đối với hoá đơn xuất khẩu, thể hiện tên loại hoá đơn là HOÁ ĐƠN XUẤT KHẨU hoặc tên gọi khác theo thông lệ, tập quán thương mại. Ví dụ: HOÁ ĐƠN XUẤT KHẨU, INVOICE, COMMERCIAL INVOICE…

b) Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hoá đơn.

Ký hiệu mẫu số hóa đơn là thông tin thể hiện ký hiệu tên loại hóa đơn, số liên, số thứ tự mẫu trong một loại hóa đơn (một loại hoá đơn có thể có nhiều mẫu).

Ký hiệu hoá đơn là dấu hiệu phân biệt hoá đơn bằng hệ thống chữ cái tiếng Việt và năm phát hành hoá đơn.

c) Tên liên hóa đơn

Liên hóa đơn là các tờ trong cùng một số hóa đơn. Mỗi số hoá đơn phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên, trong đó:
+ Liên 1: Lưu.
+ Liên 2: Giao cho người mua.

Các liên từ liên thứ 3 trở đi được đặt tên theo công dụng cụ thể mà người tạo hoá đơn quy định. Riêng hoá đơn do cơ quan thuế cấp lẻ phải có 3 liên, trong đó liên 3 là liên lưu tại cơ quan thuế.

d) Số thứ tự hoá đơn

Số thứ tự của hoá đơn là số thứ tự theo dãy số tự nhiên trong ký hiệu hoá đơn, gồm 7 chữ số trong một ký hiệu hóa đơn.

đ) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

e) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;

g) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.

Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ.

h) Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn.

i) Tên tổ chức nhận in hoá đơn

Đối với hoá đơn đặt in, trên hóa đơn phải thể hiện tên và mã số thuế của tổ chức nhận in trên từng tờ hoá đơn, bao gồm cả trường hợp tổ chức nhận in hóa đơn quyết định in hoá đơn để tự sử dụng.

k) Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị.

Mỗi mẫu hoá đơn sử dụng của một tổ chức, cá nhân phải có cùng kích thước.

Đối với hoá đơn xuất khẩu, nội dung đã lập trên hoá đơn xuất khẩu phải bao gồm: số thứ tự hoá đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu; tên hàng hoá, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền, chữ ký của đơn vị xuất khẩu (mẫu số 5.4 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp trên hoá đơn xuất khẩu chỉ sử dụng một ngôn ngữ thì sử dụng tiếng Anh. Tổ chức, cá nhân được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại.

Ví dụ: – Doanh nghiệp A là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước. Đối với hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn xuất khẩu với các tiêu thức theo hướng dẫn trên.

– Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho cả hai hoạt động trên.

(Theo Tài chính điện tử)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không