Kiến thức Tuyển dụng Tuyển dụng: Phù hợp công việc hay phù hợp văn hóa?

Tuyển dụng: Phù hợp công việc hay phù hợp văn hóa?

7

Việc tuyển dụng đúng người chưa bao giờ quan trọng cho thành công của doanh nghiệp (DN) như thời điểm hiện tại.
Quan trọng phù hợp với văn hóa

Theo xu hướng thế giới, việc tuyển dụng dựa trên các yếu tố “phù hợp văn hóa” là điều vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, các DN thường tuyển dụng dựa vào việc đánh giá trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc. Thời gian gần đây, DN đã để ý đến yếu tố “phù hợp văn hóa” nhưng vẫn rất ít DN đưa yếu tố này vào trong việc tìm kiếm người tài.

Có đến 79% trong số 326 nhà quản lý, giám đốc điều hành của các DN trong và ngoài nước tham gia cuộc khảo sát “Xu hướng tuyển dụng nhân tài – Phù hợp công việc hay phù hợp văn hóa” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM (VCCI-TP.HCM) và Công ty CP Giải pháp Vốn nhân lực Le & Associates (L&A) thực hiện mới đây.


Một điều thú vị là có đến 30% người tham gia khảo sát cho biết DN của họ không có một định nghĩa rõ ràng về văn hóa DN nhưng lại có thực hiện đánh giá “phù hợp văn hóa” trong quá trình tuyển dụng (từ thỉnh thoảng đến thường xuyên).
Kết quả cho thấy, việc đánh giá mức độ “phù hợp văn hóa” là rất quan trọng nhưng chỉ 30% DN thường xuyên đánh giá “phù hợp văn hóa” trong quá trình tuyển dụng.

Điều này chỉ ra rằng, những phương pháp được sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp văn hóa trong các DN này có thể sẽ không đạt hiệu quả chính xác, vì “rất khó để đánh giá về một thứ mà bạn chưa hiểu được chính xác nó là gì.

Và không có được định nghĩa rõ ràng về văn hóa DN thì nhà tuyển dụng có thể sẽ chỉ sử dụng yếu tố cảm tính để đánh giá mức độ phù hợp văn hóa”, ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty L&A, khẳng định.

Lâu nay, các DN thường tuyển dụng bằng phương pháp định tính (dựa trên hồ sơ cá nhân, thông tin tham khảo từ nguồn giới thiệu, qua trò chuyện, tiếp xúc và qua phỏng vấn…). Với phương pháp này, các DN rất khó để tìm được những người có năng lực, phù hợp với công việc và gắn bó lâu dài với công ty.

Cho đến nay, tuy không có con số thống kê chính thức cho tỷ lệ tuyển dụng thành công (và giữ lại để phát triển cùng công ty) của các DN Việt Nam, đặc biệt là đối với nhân sự cao cấp, nhưng các chuyên gia cho rằng, không có nhiều nhân sự cao cấp từ các công ty đa quốc gia được công ty Việt Nam tuyển dụng thành công và làm việc lâu dài.

Tỷ lệ chu chuyển lao động đối với nhân sự cao cấp tại các công ty Việt Nam rất cao, với thời gian làm việc rất ngắn (chỉ từ vài tháng đến dưới một năm). Việc ra đi sớm của các nhân sự này có thể do sự thẩm định sai (của cả nhà tuyển dụng và người được tuyển dụng) về khả năng đáp ứng được công việc và khả năng phù hợp với văn hóa công ty để gắn kết và phát triển bền vững.

Vì sao?

Đã có nhiều DN nhận ra tầm quan trọng của việc đánh giá mức độ phù hợp văn hóa nhưng tại sao nhiều nơi không đánh giá hoặc sử dụng phương pháp mang tính định lượng để đạt được kết quả tích cực hơn? Đó là vì những người trực tiếp tuyển dụng đa phần không có khả năng đánh giá ứng viên “phù hợp văn hóa”.

Có đến 67% người tham gia cuộc khảo sát “Xu hướng tuyển dụng nhân tài – Phù hợp công việc hay phù hợp văn hóa” cho rằng, DN và bộ phận tuyển dụng của họ không đánh giá mức độ phù hợp văn hóa vì họ không biết cách.

Bên cạnh đó, sự phức tạp và tốc độ phát triển môi trường kinh doanh đặt những nhà quản lý dưới áp lực cao dẫn đến họ phải có những quyết định nhanh và bỏ qua việc xem xét các yếu tố như phù hợp văn hóa. Thị trường lao động khan hiếm cũng là một nguyên nhân khiến các nhà tuyển dụng bỏ qua yếu tố “phù hợp văn hóa” trong quá trình tìm kiếm người tài.

Hiện nay, xu hướng tuyển dụng đang dịch chuyển về hướng tuyển dụng dựa trên các yếu tố thuộc về giá trị (phù hợp văn hóa) hơn là đơn thuần dựa vào năng lực chuyên môn.

69% người tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ chọn những ứng viên có khả năng phù hợp văn hóa cao hơn là những ứng viên có mức độ phù hợp công việc cao nhưng không phù hợp văn hóa. Mặc dù các yếu tố về giá trị khó để đo lường, đánh giá nhưng vẫn cần được đưa vào trong quá trình tuyển dụng.

Bởi trên thực tế, những người gắn bó với một công việc trong thời gian khoảng 2 năm và ưu tiên vào ý nghĩa của công việc hơn là yếu tố lương, cũng như thích làm việc với những công ty phù hợp với giá trị riêng của họ.

Ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Phụ trách nhân sự của Tập đoàn ICP Group, cho rằng, năng lực chuyên môn và phù hợp văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời để chọn được đúng người.

Bởi, “khi giá trị cá nhân không thể phù hợp với giá trị, văn hóa của tổ chức thì cá nhân đó sẽ không thể làm việc một cách yêu thích hoặc hưng phấn để phát huy hết năng lực và khó có thể gắn kết với tổ chức, và ngược lại tổ chức cũng không thể dung nạp nhân viên này như một thành viên hoàn toàn đáng tin cậy”, ông Đức nói.

Theo ông Anh Tuấn, chính nhờ kết hợp cả hai yếu tố: phù hợp công việc và phù hợp văn hóa trong tuyển người tài mà ICP tăng trưởng và ổn định trong nhiều năm nay.

Năm 2007, gia nhập ICP trong bối cảnh Công ty đang cần có nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng tốc độ tăng trưởng và ứng biến trước các đối thủ cạnh tranh là các công ty đa quốc gia không lồ, ông đã đề nghị thực hiện chiến lược “xây nhà từ nóc” với mục tiêu tuyển dụng và ổn định nhân sự cao cấp trong Ban chiến lược.

Ông đặt ra tiêu chí là chỉ tuyển những người có giá trị cá nhân tương đồng với nhau và dễ phù hợp với văn hóa hiện tại của tổ chức, có thể thiết lập sự cam kết dài hạn với tổ chức, có khả năng và sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vai trò. Chính sự ổn định và làm việc ăn ý với nhau của Ban chiến lược đã làm nên thành công cho ICP ngày hôm nay.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không